Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Giấc mơ đổi đời không bắt đầu từ cổng trường đại học


GIẤC MƠ ĐỔI ĐỜI KHÔNG BẮT ĐẦU TỪ CỔNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC

 Thay vì "cố sống cố chết" để vào đại học như trước đây, nhiều học sinh hiện chọn vào đời bằng nhiều con đường khác nhau như học nghề, làm việc tự do, xuất khẩu lao động…

Năm 2022, trong số hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, ban đầu có hơn 941.000 thí sinh đăng ký dự xét tuyển đại học, hơn 60.000 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp.

Thế nhưng sau đó, số thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm 2022 tăng lên, chiếm gần 40% so với tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp. 

 

Mộng đổi đời

Thực tế hiện nay, thay vì vào đại học, nhiều học sinh chọn đi học nghề, làm doanh nghiệp trong nước hoặc ra nước ngoài làm việc với tính toán không mất thêm thời gian, chi phí học tập và có lương ngay.

 

Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lômônôxốp, Hà Nội chia sẻ, tại quê ông nhiều thanh niên giờ không lựa chọn con đường vào đại học nữa.

Thay vào đó, các em chọn con hướng đi xuất khẩu lao động, làm kinh tế hộ gia đình, vào làm việc tại các doanh nghiệp trong nước hoặc tranh thủ những cơ hội công việc tự do... với hy vọng kiếm ít vốn giắt lưng để sau này lập nghiệp.

 

Thực tế, mức học phí các trường đại học giờ khá cao. Nhiều gia đình chấp nhận vay ngân hàng cho con em đi học nhưng nếu sức học không thật sự ổn, nhiều sinh viên học xong, ra trường cũng chưa biết xin việc làm thế nào. Đây cũng là một bài toán nan giải.

"Một gia đình nông thôn có một con học đại học năm tư và một con vào năm nhất, tính chung tiền học, tiền thuê nhà, tiền ăn tiêu tại thành phố, quả thật quá sức với bố mẹ", thầy Tùng dẫn chứng.

 

Thầy Đặng An Bình, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ (Đông Anh, Hà Nội) nêu chuyện từ quê mình, tỉnh Sơn La, hiện nhiều học sinh không còn muốn đăng ký xét tuyển vào đại học, thậm chí không học nghề mà đi làm ngay, không ít ngành nghề không đòi hỏi đào tạo.

 

Ở Hà Nội hoặc một số thành phố khác ở khu vực đồng bằng, học sinh ít làm những việc lao động phổ thông hơn nhưng xu hướng lại là đi du học nghề, học các chứng chỉ ngoại ngữ để sử dụng được ngay hoặc làm các công việc khác theo nguyện vọng, thiên hướng của bản thân…

 

Thà đi làm sớm hơn là "đắp chiếu" tấm bằng

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, số học sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học là những người đã lựa chọn đi du học, hoặc không đủ năng lực, thiếu điều kiện tài chính để theo học đại học.

 

Các nhà giáo dục nghề nghiệp đã dự báo xu hướng học sinh bỏ đại học để đi học nghề, nhất là khi hàng loạt trường đại học quyết định tăng học phí ở mức rất cao từ năm học 2022-2023.

 

Phó hiệu trưởng một trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, học đại học không còn "là tất cả" như trước đây.

Theo đó, tỷ lệ học sinh không xét tuyển đại học vài năm trở lại đây ở mức trên dưới 40% cho thấy những tính toán thực tế, em thích học nghề để sớm đi làm, có thu nhập ngay lập tức, đỡ tốn kém cho việc học lên đại học.

 

Nhiều em xác định, nếu chỉ học làng nhàng, vào những trường "không tốp" thì học xong tìm việc cũng không đơn giản. Các em thà đi làm ngay, hơn là để "đắp chiếu" tấm bằng cử nhân.

 

Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng khái quát, nhu cầu việc làm của xã hội đã thay đổi, nhìn nhận của lớp trẻ đã khác hơn rất nhiều nên các em thực tế hơn trong lựa chọn nghề nghiệp.

 

Theo Dân Trí

Nhiều học sinh thay vì đăng ký xét tuyển đại học đã chọn học nghề (Ảnh: Tùng Nguyên).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét