BẠO LỰC GIA ĐÌNH, NƠI NẠN NHÂN LUÔN LÀ PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM
Bạo lực gia đình là một dạng bạo lực xã hội, là hành vi gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại của thành viên trong gia đình tới các thành viẻn khác. Nói đơn giản hơn, đó là việc sử dụng sức mạnh chân tay để giải quyết các vấn đề, mâu thuẫn trong gia đình.
Bạo lực gia đình đã và đang là một vấn đề xã hội nhức nhối gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đầu tiên phải kể đến là vi phạm đến nhân quyền, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Bạo lực gia đình đi ngược lại các giá trị đạo đức, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sự an ninh và trật tự xã hội.
Bạo lực gia đình được chia ra làm bốn loại: bạo hành thể xác, bạo hành tình dục, bạo hành tinh thần và bạo hành xã hội.
Bạo hành thể xác là những hành vi vũ lực như đánh đập, đá, đấm, tát… , gây tác động trực tiếp tới nạn nhân, cũng là loại bạo hành phổ biến nhất. Nạn nhân của bạo hành đa phần là phụ nữ và trẻ em.
Tại Anh, 37% số phụ nữ bị chết là do bị bạn tình giết hại. Con số này với nữ giới ở các quốc gia đạt từ 40% đến 70%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, con số này tính trung bình trên toàn thế giới là 38%.
Ở nhiều quốc gia Trung Đông, những người phụ nữ bị chết oan uổng bởi tục “thiêu sống danh dự”.
Bạo hành tình dục là khi một người ép quan hệ tình dục trái với ý muốn của bạn tình. Nhiều người chồng thường hoang tưởng, ghen tuông, nghi ngờ vợ nên bắt vợ quan hệ thường xuyên để thể hiện bản lĩnh. Còn một số người, để cảm thấy thỏa mãn, trong lúc quan hệ họ thường đánh đập, làm tổn thương, chửi mắng, la bới, nhục mạ vợ mới…cảm thấy vui.
Thế nhưng, tại Việt Nam, nhiều người vẫn không phân biệt được các hành vi bạo lực tình dục; thậm chí nhiều người vợ vẫn coi đó là chuyện bình thường, chịu đựng để chồng “hạnh phúc”, điều này vô tình khuyến khích các hành vi bạo lực.
Bạo lực tinh thần là khi các nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự. Nó phổ biến nhưng khó phát hiện vì diễn ra lặng lẽ nên ít người để ý.
Con số chung cho tỷ lệ bị bạo lực tinh thần đối với phụ nữ do chồng gây ra tại Việt Nam là 53,6% trong cuộc đời, trong đó nông thôn cao hơn thành thị (56,2% so với 47,2%).
Bạo hành xã hội là khi nạn nhân bị ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bị cản trở kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng.
Nhiều người phụ nữ Việt Nam khi lấy chồng mang theo tư tưởng “Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” nên họ bị bắt ở nhà nuôi con, ít khi được tiếp xúc ngoài xã hội và bị phụ thuộc về kinh tế. Cũng chính vì lí do này nên nhiều phụ nữ không ly hôn vì không có năng lực tài chính, khó nhận được quyền nuôi con.
Khi xảy ra bạo lực gia đình, người phải hứng chịu, thiệt thòi nhất là người vợ và những đứa con. Họ không dám lên tiếng, không dám phản kháng bảo vệ bản thân mình và con mình vì những tư tưởng đã ăn sâu vào tâm trí: Vợ phải tôn trọng chồng, chồng nói vợ phải nghe.
Hơn nữa, người phụ nữ Việt Nam khi ly hôn sẽ phải chịu nhiều dèm pha từ láng giềng: gái hư thì mới bỏ chồng. Vì vậy, cứ thế hệ này qua thế hệ khác, người phụ nữ ngậm đắng nuốt cay để giữ “thể diện” cho gia đình, vì con mà đội lên hình ảnh gia đình hạnh phúc.
Để chung tay chấm dứt tệ nạn này, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi những suy nghĩ lạc hậu, đặc biệt của nam giới, thì mới có thể thay đổi được hành vi, cái nhìn với người phụ nữ.
Mỗi người phải biết tôn trọng phụ nữ, tôn trọng nhân quyền. Dù luật Việt Nam đã có những quy định để trừng phạt các hành vi bạo lực, mỗi chúng ta phải hành động và lên tiếng mỗi khi chứng kiến bạo lực gia đình bởi mỗi hành vi nhỏ sẽ tạo nên được sự thay đổi lớn.
Hãy giúp đỡ những người bạn là nạn nhân của bạo lực. Cùng chung tay chúng ta nhất định sẽ chấm dứt được tệ nạn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét