Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023

Phản ứng chống trả-hay-bỏ chạy


PHẢN ỨNG CHỐNG TRẢ-HAY-BỎ CHẠY (FIGHT-OR-FLIGHT RESPONSE)

Phản ứng chống trả hay bỏ chạy, còn được biết đến với tên gọi phản ứng căng thẳng cấp tính, là một phản ứng sinh lý xuất hiện khi có mặt một thứ gì đó gây khiếp sợ cho chủ thể, cả về cơ thể và tinh thần.

Phản ứng này bị khơi mào bởi sự phóng thích các hormone giúp cơ thể chuẩn bị sẵn sàng để – hoặc là ở lại, đương đầu với mối đe dọa – hoặc là trốn chạy để bảo vệ an toàn cho bản thân.

 

Phản ứng chống trả hay bỏ chạy được mô tả lần đầu tiên vào những năm 1920 bởi nhà sinh lý học Walter Cannon.

Cannon đã nhận ra một chuỗi các phản ứng xuất hiện tức thời bên trong cơ thể giúp dịch chuyển những nguồn năng lượng của cơ thể để xử lý tình huống gây đe dọa.

Ngày nay, phản ứng chống trả hay bỏ chạy được xem là một phần trong giai đoạn đầu tiên của hội chứng thích ứng chung do Hans Selye phát hiện, một học thuyết mô tả quá trình phản ứng lại căng thẳng.

 

Quá trình diễn ra phản ứng chống trả-hay-bỏ chạy.

Để đối phó với căng thẳng cấp tính, hệ thần kinh giao cảm của cơ thể được kích hoạt bởi sự phóng thích hormone đột ngột.

Hệ thần kinh giao cảm kích thích tuyến thượng thận phóng thích các hormone nhóm catecholamine, bao gồm adrenaline và noradrenaline. Kết quả là làm tăng nhịp tim, huyết áp và nhịp thở.

 

Sau khi mối đe dọa biến mất, cơ thể sẽ mất từ 20 đến 60 phút để trở về trạng thái bình thường như trước khi kích thích xuất hiện.

Bạn có thể nghĩ đến lúc bản thân mình đã từng trải nghiệm phản ứng chống trả hay bỏ chạy này. Khi đối mặt với cái gì đó gây sợ hãi, nhịp tim của bạn tăng nhanh, bạn bắt đầu thở gấp hơn, toàn bộ cơ thể trở nên căng như dây đàn và sẵn sàng để hành động.

 

Phản ứng này có thể xảy ra khi có mặt một mối hiểm họa sắp xảy đến với cơ thể như chạm trán với một con chó hung dữ hoặc là kết quả của một đe dọa thiên về tâm lý (như chuẩn bị có một bài thuyết trình lớn trước trường hay tại chỗ làm).

Một vài dấu hiệu về cơ thể cho thấy phản ứng chống trả hay bỏ chạy đã được châm ngòi, bao gồm:

 

– Nhịp tim và nhịp thở tăng nhanh: Cơ thể làm tăng nhịp tim và nhịp hô hấp để cung cấp đủ năng lượng và oxy cần thiết để thực hiện phản ứng ngay lập tức trước mối nguy hiểm.

 

– Da tái xanh hoặc ửng đỏ: Khi phản ứng căng thẳng bắt đầu xuất hiện, lưu lượng máu đến các khu vực bề mặt của cơ thể bị giảm xuống và lưu lượng đến các cơ, não, tứ chi tăng cao.

Kết quả là da bạn có thể tái xanh đi hoặc mặt bạn có thể sẽ vừa tái xanh mà lại vừa như bị ửng đỏ vì máu đang truyền nhanh đến đầu và não. Khả năng đông máu cũng tăng lên để ngăn chặn tình trạng mất máu quá mức khi bị thương.

 

– Đồng tử nở rộng: Cơ thể cũng tự chuẩn bị để tỉnh táo và tinh mắt hơn trong việc quan sát môi trường xung quanh trong khi mối nguy vẫn còn hiện diện. Một triệu chứng khác của phản ứng chống trả hay bỏ chạy là sự nở rộng của đồng tử, cho phép ánh sáng vào mắt nhiều hơn, từ đó tầm nhìn môi trường xung quanh cũng vì đó mà cải thiện hơn.

 

– Run rẩy: Khi đối mặt với căng thẳng hoặc mối nguy hiểm, các cơ bắp trên người trở nên căng cứng và sẵn sàng để hành động. Sự căng cơ này có thể làm cơ thể run rẩy hoặc rung lắc.

 

Tại sao phản ứng này lại quan trọng?

Phản ứng chống trả hay bỏ chạy đóng một vai trò chủ chốt trong quá trình xử lý một căng thẳng hoặc một mối nguy hiểm trong môi trường. Một điều quan trọng cần lưu ý là phản ứng này có thể bị châm ngòi bởi những mối đe dọa có thực và cả những mối lo chỉ có trong tưởng tượng.

Dạng căng thẳng này có thể giúp bạn xử lý tốt hơn những tình huống đòi hỏi bản thân bạn phải làm tốt, như ở trường hoặc ở chỗ làm.

Trong những trường hợp mối đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mạng sống thì phản ứng chống trả hay bỏ chạy thực sự có thể đóng vai trò then chốt quyết định sự sống còn của bạn.

Bằng cách “lên số” chống trả hoặc bỏ chạy, phản ứng này đảm bảo khả năng sống sót cao hơn cho chủ thể trước mối nguy hiểm.

 

Phản ứng căng thẳng là một trong những chủ đề nghiên cứu chính trong một ngành đang trên đà phát triển nhanh – tâm lý học sức khỏe.

Các nhà tâm lý học sức khỏe quan tâm đến việc giúp con người ta tìm ra cách chiến đấu với căng thẳng và sống khỏe mạnh, tạo ra nhiều giá trị hơn. Bằng cách tìm hiểu về phản ứng chống trả hay bỏ chạy, các nhà tâm lý có thể giúp mọi người khám phá những cách thức mới trong việc đương đầu với phản ứng tự nhiên của cơ thể gây ra do căng thẳng.

 

Tham khảo. Brannon, L & Feist, J. Health Psychology: An Introduction to Behavior and Health. Belmont, CA: Wadsworth; 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét