ẢNH HƯỞNG CỦA GIẤC NGỦ ĐẾN TRÍ NHỚ VÀ HỌC TẬP
Làm việc, học hành xuyên đêm là thói quen của nhiều người. Theo trang Medical News Today, mỗi tháng tại Mỹ có khoảng 20% sinh viên thức xuyên đêm ít nhất một lần, và mỗi tuần có khoảng 35% sinh viên thức qua 3h sáng nhiều hơn một lần.
Tuy nhiên, học xuyên đêm là nhân tố tác động xấu nhất đến kết quả học tập. Năm 2019, hai giáo sư Học viện Công nghệ Massachusetts đã nghiên cứu tìm ra mối liên hệ giữa giấc ngủ và điểm số: Nếu học kỳ đó bạn ngủ càng ít, điểm của bạn càng đi xuống.
Vậy điều gì tạo nên ảnh hưởng của giấc ngủ đến điểm thi? Câu trả lời có vẻ đơn giản – Chúng ta học tốt hơn khi thân-tâm-trí được nghỉ ngơi đầy đủ. Nhưng sự thật lại phức tạp và thú vị hơn vậy nhiều.
Trong suốt 20 năm qua, các nhà khoa học phát hiện rằng giấc ngủ không chỉ tác động đến chất lượng học tập của sinh viên, mà còn cải thiện khả năng học hỏi, ghi nhớ, lưu giữ, gợi nhắc và sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề. Tất cả các kỹ năng này đều giúp sinh viên đạt điểm tốt hơn.
Hãy cùng xem qua một số nghiên cứu thú vị về ảnh hưởng của giấc ngủ đến trí nhớ và học tập.
Giấc ngủ ngắn giúp nâng cao khả năng tiếp thu
Trong một nghiên cứu, 44 tình nguyện viên đã tham gia vào 2 lớp học tăng cường, lần lượt vào lúc 12h trưa và 6h chiều. Một nửa số người tham gia được phép đánh một giấc trước khi vào học buổi tối, trong khi nửa còn lại tiếp tục sinh hoạt như thông thường, không được chợp mắt.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, nhóm được ngủ vẫn có thể tiếp thu thông tin như trong lớp buổi trưa. Trong khi khả năng học tập của nhóm còn lại giảm sút đáng kể.
Ngủ giúp cải thiện trí nhớ
Trong thế kỷ vừa qua, học thuyết này đã được kiểm chứng rất nhiều lần. Kết quả thường cho thấy giấc ngủ sẽ cải thiện trí nhớ khoảng 20-40%. Một số nghiên cứu gần đây đưa ra giả thuyết rằng giai đoạn ngủ sâu, hay còn gọi là Giấc ngủ sóng chậm đóng vai trò trọng yếu trong việc cải thiện khả năng ghi nhớ và gợi nhớ.
Giấc ngủ có ảnh hưởng tích cực lên trí nhớ dài hạn
Giới khoa học cho rằng giấc ngủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trí nhớ dài hạn.
Theo ông Matthew Walker – giáo sư tâm lý và thần kinh học tại Đại học Berkeley, bản chụp cộng hưởng từ MRI cho thấy Giấc ngủ sóng chậm “vận hành như dịch vụ chuyển phát nhanh,” chuyên chở trí nhớ từ hồi hải mã đến những vùng não có chức năng lưu trữ dài hạn như vỏ đại não.
Ngủ mơ cải thiện khả năng giải quyết vấn đề
Tại phòng thí nghiệm, trang bị với điện cực trên đầu, tình nguyện viên tham gia giải một số câu đố đảo chữ trước khi đi ngủ. Họ được đánh thức tổng cộng 4 lần trong đêm để tiếp tục giải đố – 2 lần trong chu kỳ NREM và 2 lần trong chu kỳ REM.
Kết quả cho thấy khi người tham gia thức dậy trong REM, họ có thể giải được nhiều câu đố hơn đến 15-35% so với khi thức dậy trong NREM.
Họ cũng giải đúng nhiều hơn 15-35% so với lúc giải đố trong ngày. Có vẻ rằng ảnh hưởng của giấc ngủ REM mang tính chủ chốt trong việc cải thiện khả năng giải quyết vấn đề phức tạp.
Để cải thiện chất lượng ngủ REM, từ đó cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, hãy luyện thói quen ngủ có giờ giấc, tránh sử dụng caffeine, đồ có cồn hay hút thuốc vào buổi chiều tối và tập thể dục đều đặn.
Lời kết
Ngành khoa học nghiên cứu giấc ngủ trong 20 năm qua đã chứng minh rằng giấc ngủ không chỉ cho ta năng lượng để hoạt động, mà còn giúp ta học hỏi, ghi nhớ, lưu giữ, gợi nhớ và sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề sáng tạo và đột phá hơn.
Không bất ngờ gì khi nghiên cứu của Học viện Công nghệ Massachusetts cho biết điểm thi của sinh viên không thay đổi khi họ chỉ ưu tiên việc ngủ đủ giấc vào đêm trước khi thi. Học viện đưa ra lời khuyên cho những sinh viên muốn cải thiện điểm số: Hãy đảm bảo chất lượng giấc ngủ trong cả học kỳ. Hy sinh giấc ngủ để học không đáng chút nào.
(Nguồn tham khảo: Trường Y Perelman - Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét