Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

Duy vật hay Duy tâm?


DUY VẬT HAY DUY TÂM?

 

Trong đạo Phật có danh từ Namarupa. Nama là về tâm, Rupa là về sắc, tương đương với tâm và vật nhưng Namarupa được kết chung lại thành một danh từ.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi tâm và vật không phải là hai thực thể riêng biệt. Tâm và vật có cùng một thực thể. Có khi nó biểu hiện ra như là tâm và có khi nó biểu hiện ra như là vật.

 

Nếu như quý vị nghiên cứu về vật lý nguyên tử thì quý vị cũng biết vấn đề người ta đặt ra về chất điểm. Căn bản nó là một hạt hay là một đợt sóng? Các nhà nghiên cứu nghiên cứu chất điểm, họ rất lấy làm ngạc nhiên vì cùng một chất điểm đó nhưng có

khi người ta nghiên cứu chất điểm họ thấy rất rõ ràng rằng cùng một thực tại mà có khi nó biểu hiện ra như là hạt, có khi nó biểu hiện ra như là sóng.

 

Vì vậy các nhà khoa học đã đồng tình đặt cho nó một cái tên chung là hạt sóng. Nó vừa là hạt, nó vừa là sóng. Cũng như chữ Namarupa trong đạo Phật.

Quán chiếu cho kỹ thì chúng ta sẽ vượt thắng được quan niệm lưỡng nguyên giữa tâm và vật.

Chúng ta sẽ thấy vật là sự tiếp nối của tâm và tâm là sự tiếp nối của vật. Trong y khoa hiện đại cũng vậy, chúng ta biết rằng những gì xảy ra cho thân thể cũng xảy ra cho tâm hồn và những gì xảy ra cho tâm hồn cũng có ảnh hưởng cho thân thể.

Quan niệm thân tâm liên kết với nhau. Cái thực thể của chúng ta trong đạo Phật gọi là ngũ uẩn. Đó là thân tâm, là một hợp thể. Nói nó là thân, là vật cũng không đúng mà nói nó là tâm cũng không đúng. Những gen chúng ta mang ở trong từng tế bào của cơ thể quý vị nói nó là thân hay là tâm?

 

Tất cả những tập quán, kinh nghiệm, hạnh phúc, tất cả những tuệ giác của ông cha chúng ta nằm ở trong những gen đó. Vậy những gen đó, quý vị nói là vật hay là tâm? Chỉ có một cách nói thôi: Nó không phải là vật cũng không phải là tâm. Nó là thực tại, có khi chúng ta gọi nó là vật, có khi chúng ta gọi nó là tâm.

 

Thành ra tôi thấy trong ánh sáng của khoa học hiện đại quan niệm lưỡng nguyên giữa tâm và vật đã lỗi thời rồi. Chúng ta phải chấm dứt cuộc đàm luận về vật và tâm, nếu không chúng ta sẽ còn mất thì giờ và sẽ còn tốn nhiều nước bọt lắm.

 

Nói tôi là duy vật, anh là duy tâm, không có nghĩa nữa. Nó làm mất thì giờ vì tâm và vật là cùng một thực tại. Có khi nhìn mình thấy nó như là tâm, có khi nhìn thì mình thấy nó tựa như là vật cho nên quan niệm lưỡng nguyên về tâm và vật chúng ta phải vượt thắng thì chúng ta mới có thể đi xa được.

 

Đời sống tâm linh, đời sống đạo đức là gì? Khi biết sử dụng ái ngữ, biết sử dụng lắng nghe thì mình cho người hôn phối của mình có cơ hội nói ra được những nỗi khổ niềm đau của họ.

Dùng phương pháp lắng nghe ái ngữ thì mình thiết lập được truyền thông với người bạn hôn phối của mình, đem lại sự tha thứ, hòa giải và hạnh phúc. Đó đâu phải là duy tâm hay là duy vật mà đó là sự thực tập thường thôi.

 

Nếu là một nhà chính trị, một nhà doanh thương mà không biết sử dụng ái ngữ, lắng nghe thì đâu có thành công được trong sự nghiệp chính trị hay thương mãi của mình. Nếu không có truyền thông được với con trai, con gái thì trong gia đình mình có những sự đổ nát, lộn xộn, có những đau khổ.

Đau khổ đó đè nặng trong lòng của mình thì làm sao mình làm tròn trách vụ của nhà lãnh đạo một cách dễ dàng được? Cho nên nhà lãnh đạo chính trị bắt buộc phải là một người có tu tập, có đạo đức.

Nếu không có đạo đức, không có tu tập thì khổ đau trong gia đình, trong nội tâm sẽ làm cho người đó không thành công được trong sự nghiệp, trong sứ mạng của mình.

 

Đây không phải vấn đề tâm và vật mà vấn đề là mỗi người trong chúng ta đều phải có một chiều hướng tâm linh trong cuộc sống và chắc chắn là như vậy! Hôm đi thăm ông chủ tịch Ủy Ban Tôn Giáo quốc gia ở Bắc Kinh tôi có nói rằng:

Trong đời sống dù chúng ta là nhà chính trị, nhà văn hóa hay là nhà doanh thương, chúng ta phải có một chiều hướng tâm linh nếu chúng ta không muốn chìm đắm trong đau khổ.

 

Có một chiều hướng tâm linh và đạo đức thì chúng ta có hạnh phúc nhiều hơn và chúng ta tạo dựng hạnh phúc cho những người cùng sống trong gia đình. Đó là bàn đạp cho chúng ta thành công trong sự nghiệp chính trị, văn hóa hay doanh nghiệp. Vì vậy mỗi người trong chúng ta đều phải có một nếp sống đạo đức, một nếp sống văn hóa.

 

Tôi có nói rõ rằng chính ngay trong tôn giáo cũng phải có đạo đức, tại vì có thể có những người lợi dụng tôn giáo cho quyền hành, cho địa vị của họ mà như vậy là thiếu đạo đức.

Có những tổ chức tôn giáo sử dụng những biện pháp không có vương đạo để phát triển cơ sở của họ, như vậy là tôn giáo không có đạo đức.

 

Tôn giáo không có đạo đức thì tôn giáo phá sản. Chính trị cũng vậy nếu chính trị không có đạo đức thì chính trị phá sản, điều này quý vị biết rõ hơn ai hết. Đời sống của những nhà chính trị không thể nào không có chiều hướng đạo đức.

Chúng ta đã từng dùng danh từ đạo đức cách mạng rồi phải không? Vậy thì tại sao chúng ta không có dùng danh từ đạo đức trong đời sống hằng ngày của chúng ta? Khi ăn, khi mặc, khi tiêu thụ, khi đối xử với vợ con với bạn bè ta cũng phải có đạo đức mới được.

Ðó đâu phải là duy tâm hay duy vật mà đó là sự sống bình thường thôi.

 

Trích Văn hóa và đạo đức trong đời sống tâm linh – Viện sách Thích Nhất Hạnh

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét