Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Thiền sư Hoàng Nghiệt và cái ô


Thiền sư Hoàng Nghiệt sống ở Kính Đình Sơn, tỉnh An Huy. Ông là người sáng lập thiền viện Quảng Tự đồng thời đích thân làm trụ trì ở đó. 

Một hôm thiền sư có việc cần đi ra ngoài và có dẫn theo một đệ tử đi cùng. Vì hôm đó trời âm u, thiền sư kêu đệ tử của mình mang theo hai chiếc ô phòng khi mưa xuống. Khi hai thầy trò đi qua một thị trấn nhỏ, cảm giác bụng có chút đói nên vào một quán bên đường, hai thầy trò gọi hai tô canh đậu phụ để ăn. Khi hai người đang ăn, vô tình thiền sư nghe thấy chủ quán nói với một người thanh niên: “Trời sắp mưa, cậu ra ngoài sao lại không mang theo ô?”.

Người thanh niên cười đáp: “Mang ô theo thật rườm rà, thế nhân này đều là người tốt, chỉ cần họ mang theo ô, tất cả đều vui vẻ chia sẻ cho một nửa để tôi cùng trú. Vậy nên tôi không cần phải mang theo ô che mưa làm gì". Nói xong người thanh niên ung dung bước đi.

Thiền sư cùng đồ đệ sau khi ăn xong cũng nhanh chóng lên đường. Không lâu sau, trời bắt đầu mưa, hai thầy trò vốn đã chuẩn bị ô trước nên lấy ra che rồi đi tiếp. Đi được một đoạn thì hai người ngang qua một căn lều cỏ, lều cỏ bị khoá cửa nhưng thấy một người đang trú mưa phía trước, chính là người thanh niên khi nãy. Người thanh niên thấy thầy trò thiền sư đi qua liền cất tiếng: “Thiền sư, Phật giảng phổ độ chúng sinh, ngài có thể san sẻ chiếc ô của mình cho tôi không? Độ cho tôi một đoạn đường". 

Nghe vậy đệ tử của thiền sư đang định đưa ô cho người thanh niên đó thì thiền sư cản lại. Thiền sư nói với người thanh niên: “Thầy trò tôi đang đứng ngoài mưa, cậu đứng dưới hiên nhà không bị mưa ướt, sao ta có thể độ cậu được?”. 
Người thanh niên nghe xong tươi cười bước ra khỏi mái hiên nói: “Bây giờ tại hạ cũng đang ở trong mưa, theo lý có thể độ tại hạ rồi đúng không?”.
Thiền sư: “Ta vẫn là không thể độ cậu được, tuy chúng ta đều cùng đứng dưới mưa nhưng ta không bị mưa ướt là vì ta có ô để che, cậu bị mưa ướt là vì không có ô để che, cậu muốn có ô để che, vậy thì không nên tìm người mà nên đi tìm ô".

Nói xong thiền sư liền bước đi tiếp. Đi được một đoạn đệ tử của thiền sư cảm thấy trong lòng khó hiểu mới hỏi thầy: “Sư phụ, người xuất gia nên có lòng từ bi, sao thầy lại không cho con giúp người?”.
Thiền sư: “Con không thấy à, ta đã cho họ sự giúp đỡ lớn nhất", nói rồi thiền sư vui cười giải thích: “Tuy ta cự tuyệt giúp đỡ họ, nhưng trên thực tế là dạy cho họ một bài học, làm người mọi việc nên dựa vào chính mình, không nên dựa vào người khác, càng không được lợi dụng lòng tốt của người khác. Chúng ta đúng là nên có lòng từ bi độ chúng, nhưng lại càng phải duy hộ sự uy nghiêm của thiện lương”. 


Lời bình
Quả thực, lòng tốt, sự lương thiện không nên để bị lợi dụng. Chỉ khi con người cùng suy nghĩ, cùng quan tâm đến nhau, mới có thể tìm được chiếc "ô" độ cho mình khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét