Cả thế giới hiện nay đang đương đầu với đại dịch Corona. Cuộc
khủng hoảng này có thể được diễn giải theo các hướng khác nhau, từ góc độ xã
hội cho tới góc độ tâm linh; và tất cả đều có thể tạo nên những bài học có ý
nghĩa.
Không cần phải
lục lại trí nhớ, chắc hẳn những hình ảnh kinh hoàng của các thảm hoạ thiên
nhiên gần đây vẫn chưa phai nhòa trong ý thức chúng ta: cháy rừng lớn ở Hy Lạp
năm 2018, sóng nhiệt ở nhiều nơi năm 2018, lũ lụt ở Nigeria và Ấn Độ năm 2018,
và đặc biệt là hai trận cháy rừng kinh hoàng năm 2019 tại Amazon và Úc Châu. Đó
là chưa kể đến vấn đề ô nhiễm không khí trầm trọng đang diễn ra tại nhiều nước,
cũng như những hiện tượng đang ngày càng rõ của vấn đề biến đổi khí hậu, như
nhiệt độ tăng, nước biển dâng.
Xét theo logic,
đại dịch Corona không nhất thiết được gắn với các vấn đề trên, vì người ta vẫn
có quyền xem đại dịch này như một trong vô số các đại dịch khác diễn ra trong
lịch sử con người mà thôi. Tương tự, người ta cũng có thể nói rằng việc các
thảm hoạ diễn ra gần nhau như thế chỉ là do ngẫu nhiên mà thôi. Tuy nhiên, có
lẽ chúng ta nên chân thành với trực giác của mình và cảm quan chung của nhân
loại để nhìn nhận rằng: Mẹ Thiên Nhiên đang cho thấy sự quá tải. Khi đặt trong
tổng thể chung với nhau, những thảm họa nói trên đang là một dấu hiệu chung của
điều đó. Chúng ta nên nhìn nó như một thông điệp mà Mẹ Thiên Nhiên đang đưa ra
cho con cái mình, rằng chúng ta đã tiệm cận đến ‘lằn ranh đỏ’ rồi!
Nguyên nhân
chính của hiện trạng này không gì khác hơn là chính lối sống ích kỷ và tiêu thụ
bấy lâu nay của chúng ta. Lối sống này đang khai thác tận cùng nguồn lực của
thiên nhiên, đồng thời biến đổi cấu trúc hài hòa của nó với những thứ phá huỷ
và độc hại do con người tạo ra. Theo góc nhìn đó, đại dịch Corona thực sự là cơ
hội cho nhân loại cứu lấy vận mệnh chung của thế giới nếu chúng ta biết rút tỉa
và thực hành những bài học quý giá
từ nó.
* Bài học đầu tiên
là cơ hội để chúng ta nhận ra đâu là những điều thực sự hữu ích và cần thiết
cho cuộc sống con người, và đâu là những điều phù phiếm mà ta vẫn thường theo
đuổi. Điển hình như, trong đại dịch, người ta thấy giấy vệ sinh còn giá trị hơn
cả cái túi hàng hiệu; hay chút thực phẩm để ăn và chút không khí trong lành để
thở quan trọng hơn mọi thứ quyền lực và tiền bạc.
* Bài học thứ hai
mà chúng ta có thể nghiệm ra từ cơn dịch này là số phận mọi con người gắn chặt
với nhau. “trong đại dịch, chúng ta thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền.”
Chúng ta vẫn thường đinh ninh một cách sai lầm rằng mình có thể tao ra một đời
sống riêng cho cá nhân hay cho dân tộc; đời sống đó biệt lập và không lệ thuộc
vào những nhóm người khác; hay rằng có thể tạo lập ra những cộng đồng an toàn
và thịnh vượng cho riêng mình, bất chấp những đau khổ của những người khác.
Những con virut nhỏ bé kia đang chế nhạo thứ suy nghĩ sai lầm đó. Nó đang thách
đố mọi thứ ranh giới quốc gia của con người. Chúng ta không chỉ gần nhau, mà
còn gắn chặt số phận với nhau. Đây cũng là lời nhắc nhở đặc biệt tới những người
có não trạng tính toán tham lam và ích kỷ.
* Bài học thứ ba
là chúng ta đang có cơ hội truy vấn lại hệ thống vận hành của xã hội hiện đại ở
mọi khía cạnh, từ chính trị cho tới kinh tế, văn hoá. Trong cơn đại dịch này,
hầu như cả thế giới đang phải sống chậm lại, đồng thời nó khiến ta liên tục đặt
ra các câu hỏi nghi ngờ. Chúng ta thấy mọi thứ đều mịt mù: khi nào thì dịch
bệnh có thể kết thúc? Thế giới sẽ thế nào sau dịch bệnh? Liệu nền kinh tế có bị
sụp đổ? v.v. Tất cả các hệ thống và lề lối quen thuộc mà ta từng mặc định chấp
nhận thì nay đều bị đặt vào dấu hỏi.
Chúng ta cần
cùng nhau xét lại xem những hệ thống nào còn thật sự cần thiết; và trong mỗi hệ
thống, những yếu tố nào còn mang lại ích lợi thiết thực cho con người. Ví dụ,
xét về mặt kinh tế, hệ thống hiện đại dường như đã và đang mang lại quá nhiều
thứ bất cập. Cuộc cách mạng công nghiệp đã dần dà tạo nên một lối sống tiêu
thụ, hoang phí, đi kèm với một não trạng kệch cỡm, phù vân; cùng với đó, hệ
thống phân phối kiểu thương mại dịch vụ không chỉ tha hóa bản chất của lao
động, mà còn gây nên sự bất công và khoảng cách đói nghèo ngày càng tăng. Vì
vậy, dù điều này khó xảy ra, nhưng nếu toàn nhân loại cùng đặt vấn đề về hệ
thống hiện tại, chúng ta có cơ may tìm cách xây dựng một hệ thống kinh tế mới
tốt lành hơn, trong đó tài nguyên thiên nhiên được trân trọng và gìn giữ hơn,
sức lao động được trả lại giá trị đúng mức hơn, và các hình thức lao động thủ
công có cơ hội được thúc đẩy nhiều hơn.
Nhịp sống hối hả
thời hiện đại, với lượng thông tin khổng lồ và những thứ bận tâm hoàn toàn vô
nghĩa. Nó đã làm tê liệt nền văn hoá sống động, và biến ta thành những ‘sinh
thể robot’. Vì vậy, một cơ hội đang mở ra cho chúng ta trở về với lối sống
khiến chúng ta thật sự là người hơn.
Nói tóm lại, nếu
đặt cơn đại dịch Corona trong bối cảnh chung của cuộc khủng hoảng sinh thái,
chúng ta như có thể nghe thấy tiếng kêu than của Mẹ Thiên Nhiên khi con cái
mình đang tiệm cận đến ‘lằn ranh đỏ’ của sự huỷ diệt.
Chúng ta có thể chứng tỏ rằng cái chết của các nạn nhân không
trở nên vô nghĩa khi nó đã góp phần vào việc thể hiện thông điệp chung của Mẹ
Thiên Nhiên để thức tỉnh lương tâm con người!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét