Socrates là người đầu tiên cho rằng giảng dạy là một nghệ thuật hợp
tác. Socrates so sánh cách dạy của ông với công việc của một bà mụ đỡ đẻ. Chính
bà mẹ, chứ không phải bà mụ, mới là người phải chịu đau đẻ để sinh ra đứa bé.
Bà mụ chỉ hợp tác trong tiến trình sinh nở ấy, giúp cho bà mẹ sinh con dễ dàng
và vệ sinh hơn mà thôi.
Nói một cách khác, thầy giáo, cũng giống như bà mụ, luôn luôn có
thể không cần thiết. Trẻ con có thể được sinh ra mà không cần có bà mụ.
Kiến thức và sự hiểu biết có thể có được mà không cần có thầy dạy, qua những
hoạt động hoàn toàn tự nhiên của tâm trí.
Những thầy cô nào mà tự coi mình là nguyên nhân chính hay duy nhất
tạo ra sự học nơi học sinh là những người không hiểu được rằng dạy học là một
nghệ thuật hợp tác. Họ cứ nghĩ rằng họ là người sản xuất ra kiến thức hay sự
hiểu biết trong tâm trí của học sinh, giống như người thợ đóng giầy làm ra đôi
giầy từ miếng gỗ hay miếng da.
Chỉ đến khi nào mà thầy cô ý thức được rằng nguyên nhân chính yếu
của sự học là các hoạt động xảy ra trong tâm trí của học trò, thì lúc đó họ mới
làm đúng vai trò của người nghệ sĩ hợp tác. Mặc dù hoạt động trong tâm trí của
học sinh là nguyên do chính tạo nên sự học, hoạt động này không phải là nguyên
do duy nhất. Ở đây người thầy có vai trò là nguyên nhân hợp tác thứ hai đóng
góp vào sự học của học sinh.
Nếu, nói theo Hippocrates (ông tổ ngành Y khoa), giải phẫu là một
bước đi xa rời khỏi nghệ thuật hợp tác của trị bệnh (con người không còn hợp
tác với tiến trình tự nhiên để bảo vệ sức khỏe hay giúp con người mau bình phục
sau cơn bệnh), thì theo quan điểm của Socrates, việc giảng dạy bằng giáo huấn,
truyền thụ thay vì bằng thảo luận và vấn đáp, cũng là một bước đi xa rời khỏi
nghệ thuật hợp tác của giáo dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét