Lý trí giúp chúng ta nhận thức và đưa ra quyết định hành động
trước những sự kiện xảy ra trong cuộc sống có những điểm mù mà tôi gọi là điểm
mù tư duy. Chúng ta ai cũng có những điểm mù này ở những mức độ khác nhau.
Bạn có bao giờ để ý là trong cuộc sống minh thường lập đi lập
lại một số lầm lỗi khá giống nhau không?
Ví dụ: Nếu bạn từ bỏ công việc nhiều lần vì lý do khá giống
nhau. Bạn cãi vã với người yêu thì cũng thường trên vài vấn đề lập lại. Bạn nổi
giận mất kiểm soát khi gặp những vấn đề khá giống nhau...
Tại sao vậy?
Trong tâm lý học hành vi thì tất cả những gì về con người của
bạn (tính cách, hành vi, tư duy, …) có thể chia ra bốn góc với cái tên là
Johari Window.
1/ Những gì về con người của bạn mà bạn biết và những
người xung quanh cũng biết (Góc mở hay phần nổi).
2/ Những điều về bạn mà chỉ có bạn biết nhưng lại muốn che
giấu không cho ai khác biết (Góc khuất).
3/ Những điều về bạn mà những người chung quanh đều biết
nhưng bạn thì lại không có ý thức gì về nó (Góc mù).
4/ Những điều về bạn mà cả bạn và người xung quanh đều
không biết (góc ẩn và đây cũng là góc tiềm năng mà bạn chưa khám phá).
Trong cuộc sống bạn muốn hướng đến việc mở rộng góc mở và ngày
càng làm nhỏ đi góc khuất, góc mù và góc ẩn. Lúc ấy bạn có thể sống thật với
con người của mình và quan hệ với mọi người xung quanh được thân thiết hơn.
Góc khuất là những cảm xúc, suy nghĩ, thiên vị, khao khát và kể
cả những sự kiện xảy ra với bạn trong quá khứ mà bạn muốn dấu kín vì sợ nếu
người ngoài biết có thể sẽ có những đánh giá không đúng về bạn hay sẽ chối bỏ
bạn, v.v.
Nếu góc khuất lớn sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng những mối quan
hệ thân thiết trong cuộc sống. Tuy thế nó không nguy hại đến phát triển sự
nghiệp bằng góc mù vì bạn ý thức được những gì trong góc khuất.
Góc mù bao gồm những gì về bạn mà bạn không ý thức được trong
khi ấy thì ai cũng thấy cả! Thế góc mù từ đâu ra?
Theo tâm lý học thì tâm thức (mind) của con người có hai phần: ý
thức và vô thức. Hai phần này như một tảng băng trôi trên đại Dương với phần ý
thức là phần nổi nhỏ và phần vô thức lớn hơn nhiều là phần chìm.
Đa số các điểm mù dựa vào những giả định tích lũy từ kinh nghiệm
và trải nghiệm trong quá khứ.
Con người 95% hoạt động một cách vô thức, và chỉ 5% có nhận
thức! Do đó tất cả chúng ta ai cũng có góc mù, lớn hay nhỏ tùy vào nhận thức
của từng người.
Những điểm mù này có thể phân loại như sau để bạn dễ nhận dạng.
1/ Mù kiến thức: Con người thường
đánh giá quá cao vào kiến thức và khả năng của mình (Dunning-Kruger effect). Kiến
thức hay khả năng càng cao thì điểm mù này càng lớn.
Nói một cách khác càng thành công thì nghĩ rằng “mình biết hết”
hay “làm được hết”. Nguy cơ có thể xảy ra khi người ấy đem kiến thức và kinh
nghiệm ở một khía cạnh này dùng vào khía cạnh khác.
2/ Mù tin tưởng: Con người thường
“nghe những gì muốn nghe, thấy những gì muốn thấy, và hiểu những gì muốn hiểu”.
Nói một cách khác não bộ chúng ta chọn lọc thông tin để xác minh những gì ta
muốn thấy, nghe, và tin tưởng.
Những thông tin đối chọi hay không phù hợp với suy nghĩ hay tin
tưởng của chúng ta sẽ bị loại bỏ. Do đó sự thật đối với một người có thể khác
với sự thật đối với người khác cho dù cùng một sự kiện.
Nếu cha mẹ trong đầu nghĩ rằng đứa con cứng đầu khó dạy thì
thường nhìn thấy các vấn đề ương ngạnh của con mà không thấy những khía cạnh
ngoan của trẻ.
3/ Mù cảm xúc: Cảm xúc làm mờ đi
nhận thức của bạn. Tuy chưa tiếp xúc trực tiếp nhưng qua cái cách của người sếp
mới bạn không thích người ấy. Thế là bạn sẽ tập trung đi tìm thông tin minh
chứng cho cảm xúc của bạn là đúng và từ đó mất đi cơ hội hiểu người ấy ở những
góc độ khác và chắc chắn bạn sẽ không học được gì từ người sếp mới!
Cũng như khi bạn đem bạn trai về giới thiệu với cha mẹ nhưng khi
thấy cái hình xâm trên tay cậu ta là cha mẹ đã không ưa rồi và từ đó không thèm
bỏ thời gian tìm hiểu hay muốn biết về cậu ấy.
Chính vì điểm mù cảm xúc này mà chúng ta thường chọn bạn có tính
cách và tư duy giống chúng ta. Nhưng nếu chọn người cộng sự thì điều này sẽ đem
lại nhiều nguy cơ cho tổ chức.
4/ Mù suy nghĩ: Suy nghĩ của bạn
không có vấn đề gì cả! Vấn đề chỉ xảy ra khi bạn đánh giá hay nhìn nhận vấn đề
từ suy nghĩ của mình. Tâm lý chúng ta đều cho rằng suy nghĩ của mình là đúng và
do đó khi ai đó nêu lên ý kiến trái chiều thì chúng ta thường tìm cách biện hộ
cho suy nghĩ của mình và tìm cách chứng minh suy nghĩ kia là sai. Chính điều ấy
làm mờ đi khả năng suy nghĩ đa chiều.
Làm sao thu nhỏ góc mù tư duy và hạn chế các hệ lụy?
1/ Trước hết nhận thức rằng bản thân mình có điểm mù tư duy do
95% thời gian não bộ của mình hoạt động một cách vô thức. Hãy tập lấy một hoạt
động trong vô thức như là hơi thở của bạn và thỉnh thoảng làm nó trở thành hoạt
động ý thức. Để ý hơi thở của bạn: hít vào - thở ra - hít vào - thở ra.
2/ Tập bỏ dần quan niệm đúng - sai, thành công - thất bại, phải
- quấy, tốt - xấu. Đó chính là những sàng lọc hình thành các điểm mù tư duy.
Nhiều nơi ở Trung Đông có quan niệm đàn bà không nên lái xe hơi và bạn biết đấy
quan niệm ấy ở xã hội Việt Nam là không đúng. Và ở Việt Nam quan niệm dạy con
‘Thương cho roi cho vọt’ thì lại là phạm pháp ở 65 nước trên thế giới trong đó
có nước Mỹ.
3/ Tập kiểm soát cái “Tôi” và hỏi bạn bè/đồng nghiệp phản hồi
hay nhận xét về mình. Nếu bạn chiêm nghiệm trong cuộc sống của mình thì sẽ thấy
đa phần các hối tiếc đều từ cái “Tôi” của mình gây ra.
Do đó nếu bạn kiểm soát được cái “Tôi”, bạn sẽ kiểm soát được
cảm xúc của mình. Khi ấy bạn dễ dàng nhận được phản hồi hay nhận xét tích cực
giúp bạn nhìn thấy điểm mù của mình. Xã hội ngày nay trí tuệ cảm xúc ngày càng
quan trọng.
GS Trương Nguyện Thành - Giảng viên Đại học Utah (Hoa Kỳ)
Theo GS Thành, điểm mù tư duy sinh ra rất nhiều hệ lụy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét