Giáo dục nhân văn nên chiếm ưu
thế, hay giáo dục khoa học và kỹ thuật?
Đối với câu hỏi này, tôi xin
trả lời như sau: theo ý kiến của tôi, tất cả những gì thuộc về vấn đề này đều
nằm ở tầm quan trọng thứ cấp. Nếu một chàng trai đã tập thể dục và đi bộ để rèn
luyện sức chịu đựng của cơ bắp và thể chất của mình, thì tức là anh ta sẽ có đủ
sức khỏe cho mọi công việc lao động chân tay. Điều này cũng tương tự với việc
rèn luyện tinh thần và kỹ năng.
Vì vậy, không có gì sai khi
định nghĩa giáo dục như sau: “Giáo dục là những gì còn lại khi người ta đã quên
hết mọi điều được học ở nhà trường”. Vì lẽ đó, tôi không lo về chuyện phải đứng
về bên nào trong cuộc xung đột giữa những kẻ theo trường phái giáo dục nhân văn
cổ điển và những người đề cao nền giáo dục ưu tiên cho khoa học tự nhiên.
Mặt khác, tôi muốn phản đối ý
tưởng cho rằng nhà trường phải trực tiếp giảng dạy những kiến thức và đem lại
những thành quả cụ thể mà người học sau đó phải lập tức sử dụng được ngay trong
cuộc sống. Cuộc sống có những yêu cầu đa dạng đến nỗi việc đào tạo như thế khó
lòng có thể đem lại thành công cho nhà trường. Ngoài ra, đối với tôi, hơn thế
nữa, thật đáng chê trách khi xem cá nhân như là một công cụ vô tri.
Mục tiêu của nhà trường luôn
luôn phải là mang lại cho thanh niên một nhân cách hài hòa, chứ không phải chỉ
giúp họ trở thành một chuyên viên. Điều này, theo tôi, trong một ý nghĩa nào
đó, cũng hoàn toàn đúng đối với các trường kỹ thuật, những trường mà người học
sẽ dành trọn cuộc đời mình cho một nghề nghiệp chuyên môn cụ thể. Việc phát
triển khả năng tổng quát về suy nghĩ và xét đoán độc lập, luôn luôn phải được
đặt lên hàng đầu, chứ không phải việc thu nhận những kiến thức cụ thể. Nếu một
người nắm vững các yếu tố cơ bản của các môn học và biết cách tự suy nghĩ và
làm việc độc lập, chắc chắn anh ta sẽ tìm được lối đi cho chính mình, và ngoài
ra, sẽ có khả năng thích nghi với sự tiến bộ và những đổi thay của hoàn cảnh
tốt hơn những kẻ được đào tạo chủ yếu để gom góp những kiến thức vụn vặt.
Nguồn: Albert Einstein, Out of My Later Years, Philosophical Library Inc., New York, 1950
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét