Hiển thị các bài đăng có nhãn Chiến tranh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chiến tranh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

Con lai - chương buồn cuối của cuộc chiến

 

CON LAI - CHƯƠNG BUỒN CUỐI CỦA CUỘC CHIẾN

Ước tính có ít nhất khoảng 21.000 con lai Mỹ đang sống ở Mỹ và số còn lại khoảng 400 người vẫn đang sống tại Việt Nam. Số phận của nhiều người trong số họ được coi là một trong những di sản dang dở của cuộc chiến.

 

Nỗi buồn im lặng

 

Trong khi có một số trường hợp con lai là từ các quan hệ tình cảm, rất nhiều trường hợp là kết quả các cuộc tình ngắn ngủi hay các quan hệ không chính thức khác.

Một số đông con lai, cả ở Mỹ và Việt Nam, đều gặp sự phân biệt đối xử, trêu chọc hay bị chính các gia đình bỏ rơi và đưa vào cô nhi viện sau khi sinh ra.

Một số cựu binh Mỹ khi nhắc vấn đề này đã chỉ trích đây là sự vô trách nhiệm của các cựu binh.

 

Một bài viết trên trang web Smithsonian nói có khoảng 26.000 con lai và khoảng 75.000 người thân hiện đang sống ở Mỹ. Theo ông Miller, phần lớn con lai đều đã sang Mỹ sống và những cựu binh Mỹ nếu muốn kiếm con thì nên tìm ở Mỹ chứ không phải tại Việt Nam.

 

Nhưng ngay ở Mỹ, tình trạng những người con lai bị ngược đãi, phân biệt đối xử cũng diễn ra phổ biến, việc hòa nhập của những người này không hề dễ dàng.

Chỉ khoảng 3% trong số này tìm được cha nuôi thật của mình, việc kiếm được công việc tốt rất khó khăn.

 

Khoảng một nửa số này vẫn bị coi là mù chữ (cả tiếng Anh và tiếng Việt) nên không thể trở thành công dân Mỹ (phải thi ngôn ngữ). Một số bị nghiện thuốc, trở thành thành viên băng nhóm và rơi vào cảnh tù tội.

Ngay trong cộng đồng Việt kiều, con lai cũng bị hắt hủi vì những đồn đoán họ là sản phẩm của các cuộc tình mua bán.

 

ST

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

Kết cục buồn của oppenheimer "cha đẻ" bom nguyên tử Mỹ

 

KẾT CỤC BUỒN CỦA OPPENHEIMER "CHA ĐẺ" BOM NGUYÊN TỬ MỸ

Giáo sư Robert Oppenheimer tại Đại học California, Berkeley và là lãnh đạo của phòng thí nghiệm Los Alamos trong thời gian chiến tranh. Ông được biết đến với vai trò quan trọng trong dự án Manhattan, dự án phát triển bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II.

Ngày 25/10/1945, hơn hai tháng sau ngày 2 quả bom nguyên tử ném xuống đất Nhật, giáo sư Robert Oppenheimer nhận lời mời gặp Tổng thống Mỹ Harry S. Truman tại Nhà Trắng.

Tác giả Ray Monk trong cuốn "A Life Inside the Center" viết về cuộc đời giáo sư Oppenheimer, xuất bản năm 2012 cho biết:

 "Đây là lần đầu tiên Oppenheimer đặt chân vào căn phòng quyền lực nhất nước Mỹ nhưng không lâu trước đó, cảm giác vui sướng, tự hào của Oppenheimer vì đã góp phần quyết định kết thúc chiến tranh bỗng vỡ tan khi ông biết 2 quả bom do ông tạo ra, giết chết ngay lập tức 200.000 người, hơn 140.000 người khác chết trong những ngày kế tiếp vì chấn thương và vì bỏng...".

Buổi gặp gỡ Tổng thống Truman diễn ra trong không khí trang trọng với sự có mặt của hầu hết các tướng lĩnh cao cấp thuộc Bộ Chiến tranh Mỹ, kể cả Bộ trưởng Henry Stimson.

Tuy nhiên, khi nhìn thấy khuôn mặt thẫn thờ của Oppenheimer, ông Truman hỏi: "Có chuyện gì về sức khỏe không?" thì Oppenheimer đáp: "Thưa tổng thống, tôi thấy tay mình đã vấy máu…".

Sững người vài giây, Tổng thống Truman lấy lại vẻ bình tĩnh. Ông nói với Oppenheimer: "Ông không nên mang cái gánh nặng ấy vào người. Tay tôi cũng vấy máu như ông vậy. Hãy để tôi lo về điều đó".

Đó là lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng Oppenheimer gặp Tổng thống Truman, khác hẳn với tâm trạng của ông hôm 16/7/1945, khi một quan sát viên tại Phòng thí nghiệm Los Alamos hét lên: "Nó đã nổ".

Đó chính là lúc một số ít nhân vật cao cấp trong chính quyền Mỹ nhìn thấy ánh sáng chói chang rồi tiếp theo là tiếng nổ trầm đục đi cùng với sóng xung kích và một đám khói hình nấm bốc lên, khiến cho tất cả dù đã ở trong căn hầm bê tông cốt thép dày 10m, cách xa tâm nổ 6km vẫn cảm thấy tức ngực.

 Tướng John Leslie R. Groves, người đứng cạnh Oppenheimer nhớ lại: "Khuôn mặt Giáo sư Oppenheimer tràn ngập niềm phấn khích. Ông ấy là người đầu tiên trên thế giới kiểm soát được sức mạnh hạt nhân. Quay sang tôi, ông ấy lắp bắp: "Anh John, chiến tranh sẽ chấm dứt, chấm dứt và mãi mãi chấm dứt".

Vẫn theo tướng John, khi quay ra xe, thái độ phấn khích của Oppenheimer còn được thể hiện bằng dáng đi khệnh khạng: "Tôi hiểu Oppenheimer. Ông ấy đã thắng. Nước Mỹ và đồng minh cùng các nạn nhân của chủ nghĩa quân phiệt, phát xít mang ơn ông ấy!".

Ngày 28/2/1945, quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới ra đời với mật danh "Trinity". Đến ngày 16/7/1945, Trinity được cho nổ tại bãi thử Los Alamos. Chuẩn tướng Thomas Farrelll, người có mặt trong hầm an toàn với Oppenheimer khi diễn ra vụ nổ nhớ lại:

"Ngay trước lúc bom nổ, tôi thấy Oppenheimer nín hơi, khuôn mặt ông ấy cực kỳ căng thẳng vào những giây cuối cùng. Chỉ đến khi một quầng lửa bừng lên, các cơ mặt ông ấy mới giãn ra với đầy vẻ vui sướng…".

Thế nhưng chỉ 2 tháng sau ngày người Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống đất Nhật, cuộc sống của Oppenheimer rẽ sang một hướng khác. Ông hút thuốc lá liên miên và thần kinh thì suy nhược trầm trọng.

Sau khi gặp gỡ một số tướng lĩnh Mỹ trực tiếp cầm quân đánh nhau với người Nhật và được biết nếu Mỹ không ném bom nguyên tử, Đế quốc Nhật cũng sẽ phải đầu hàng. Việc ném 2 quả bom chỉ rút ngắn thời gian chấm dứt chiến tranh, tiết kiệm xương máu lính Mỹ nhưng ngược lại, người dân Nhật vô hình trung thành vật tế thần.

Ngày 29/8/1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom RDS-1 ở bãi thử Semipalatinsk, Kazakhstan và trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân. RDS-1 có sức công phá tương đương 22.000 tấn thuốc nổ TNT, mạnh hơn cả hai quả bom Mỹ thả xuống Nhật.

Nghe được thông tin này, Oppenheimer chua chát: "Cuộc chạy đua vũ khí hủy diệt tương lai nhân loại đã bắt đầu".

Năm 1953, ở giai đoạn đỉnh cao chống Cộng của chính quyền Mỹ, Oppenheimer bị buộc tội có cảm tình với Cộng sản và giấy phép an ninh đặc biệt của ông trong Ủy ban Năng lượng nguyên tử bị tước bỏ.

Điều này đồng nghĩa với việc ông không còn là cố vấn. Mãi đến năm 1963, Tổng thống Kennedy mới khắc phục bằng cách vinh danh Oppenheimer với giải thưởng Enrico Fermi - là giải thưởng cao quý nhất mà nước Mỹ dành cho các khoa học gia.

Ngày 18/2/1967, Oppenheimer qua đời tại thành phố Princeton, bang New Jersey, Mỹ, vì bệnh ung thư vòm họng.

Năm 1970, một hố thiên thạch trên mặt trăng được đặt tên ông rồi ngày 4/1/2000, một tiểu hành tinh do Nasa phát hiện cũng được gọi là Oppenheimer 67085 nhưng mãi đến tháng 12 năm 2022, Bộ Năng lượng Mỹ mới hủy bỏ quyết định thu hồi giấy chứng nhận an ninh của Oppenheimer đồng thời chính thức thừa nhận những cáo buộc với ông là không công bằng…

Theo: Dân Việt

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Tuyên truyền vận động phụ nữ trong Thế chiến II

Bạn có tham phần vào Chiến thắng?” “Mỗi khu vườn là một nhà máy đạn dược” – thúc đẩy lao động nông nghiệp lấy phụ nữ làm đối tượng tuyên truyền

 

TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG PHỤ NỮ 

TRONG THẾ CHIẾN II

 

Sự thay đổi vai trò của phụ nữ trong Thế chiến II, đặc biệt thể hiện qua cách các quốc gia vận động các nữ công dân. Cụ thể, chúng ta xem xét trường hợp của Mỹ, Anh, và Nga.

 

Sự thay đổi vai trò giới ngày càng khác biệt

Phụ nữ Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, cả ở nhà và khi làm nhiệm vụ.

Khoảng 5 triệu công dân nữ đã phục vụ trong công nghiệp quốc phòng và các vị trí khác trong các lĩnh vực thương mại với mục đích thay thế cho những người đàn ông giờ đảm nhiệm vai trò chiến đấu ngoài chiến trường.

 

Khoảng 350,000 người phụ nữ Mỹ đã khoác lên mình những bộ đồng phục, cả trong nước và ở nước ngoài, tình nguyện tham gia Lực lượng Phụ trợ Quân đội của Phụ nữ mới thành lập – sau đó được đổi tên thành Quân đoàn Phụ nữ (Woman Army’s Corps – WAC)

– Lực lượng Dự bị Nữ Hải quân, Lực lượng Dự bị Nữ Thuỷ quân lục chiến, Lực lượng Dự bị Nữ Cảnh sát bờ biển, Lực lượng Dự bị Nữ Phi công, Lực lượng Nữ Quân y, và Lực lượng Nữ Quân y Hải quân.

 

“Hãy trở thành một y tá” “Đất nước của bạn cần bạn” – Mô típ câu tuyên truyền phổ biến 

Một số phụ nữ phục vụ sát ngay tiền tuyến trong Lực lượng Nữ Quân y, nơi 16 người đã hy sinh do trúng đạn trực tiếp. Sáu mươi tám nữ quân nhân đã bị bắt làm tù binh ở Philippines, hơn 1600 y tá đã được tăng thưởng huân chương vì lòng dũng cảm và công sức đóng góp, 565 thành viên WAC đã giành được huân chương chiến đấu.

Các nữ y tá đã có mặt ở Normandy chỉ bốn ngày sau khi cuộc đổ bộ bắt đầu (cuộc đổ bộ tháng 6 năm 1944 của phe Đồng Minh vào năm điểm bờ biển khác nhau ở Normandy, Pháp).

 

Quả thực là như vậy, phụ nữ, đặc biệt là tại Mỹ, có một vai trò cực kỳ quan trọng trong thế chiến II, “tạo ra sự khác biệt làm nên thắng thua của các quốc gia”. Đất nước này đã vận động hiệu quả phụ nữ tham gia chiến tranh trên mọi mặt trận: từ gia đình ra chiến trường.

Họ không còn chỉ là đại diện cho bất cứ điều gì, là phần thưởng hay thứ yếu đuối cần đàn ông bảo vệ nữa – họ mạnh mẽ và họ cùng chiến đấu.

Bởi thế, thập kỷ 1940 đã chứng kiến những bước ngoặt lớn trong vai trò của phụ nữ trong xã hội.

 

Khi phụ nữ Mỹ được kêu gọi hành động cho đất nước của họ khi bắt đầu chiến tranh, dân chúng đã có phản ứng cảm xúc lẫn lộn.

Hầu hết phụ nữ không cần thuyết phục – với việc chồng của họ phải ra trận, nhiều người trong số họ đột nhiên trở thành người duy nhất nuôi gia đình – nhưng những phụ nữ khác lại do dự vì nhiều lý do.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ biết rằng phụ nữ rất cần thiết nếu muốn thành công với nỗ lực chiến tranh và đã tung ra nhiều tuyên truyền thuyết phục về giá trị của phụ nữ trong thời chiến. Tính nữ được gắn với “Chiến thắng” (Victory).

 

Để giúp thuyết phục phụ nữ đóng góp vào chiến tranh, một số tuyên truyền được tạo ra nhắm mục tiêu cụ thể vào nỗ lực hàng ngày của các bà nội trợ. Tình trạng thiếu hụt hàng hoá xảy ra ở mọi quốc gia. Nam giới phục vụ ở tiền tuyến, và phụ nữ nhận trách nhiệm “kiểm soát dòng hàng hoá”.

Các chính phủ cũng khuyến khích phụ nữ trồng trọt tại nhà.

 

Khi cánh nam giới tình nguyện hoặc bắt buộc nhập ngũ, nước Anh cần thay thế họ trong lao động cần thiết thường nhật để duy trì hoạt động của đất nước.

Do vậy, phụ nữ bắt đầu đóng nhiều vai trò vốn của đàn ông: làm việc trên xe lửa, xe buýt, sà lan, hoặc làm cảnh sát.

Công nghiệp sản xuất vũ khí và thực phầm cần phụ nữ hơn bao giờ hết. Bộ Thông tin Anh Quốc đã tạo ra những chiến dịch tuyên truyền mới nhắm vào phụ nữ nhằm thúc đẩy sản lượng nông nghiệp và công nghiệp, cũng như gia tăng phòng thủ dân sự.

 

Hầu hết phụ nữ Anh tình nguyện tham gia chiến tranh đều gia nhập Quân đoàn trên bộ của phụ nữ (Women’s Land Army – WLA) hoặc đội dân phòng.

WLA đào tạo phụ nữ ở các thị trấn và thành phố về lao động nông nghiệp. Các dịch vụ phòng thủ dân sự chính là đội Phòng ngừa Không kích (Air Raid Precautions – ARP), cứu hoả, và Đội Tự nguyện Phụ nữ (Women’s Voluntary Services – WVS), bao gồm các công việc hành chính văn phòng, đội bơm, tổ chức sơ tán, trú ẩn, trao đổi quần áo, và căng tin di động.

 

Vào tháng 12 năm 1941, tất cả các phụ nữ Anh độc thân độ tuổi 20-30 (sau đó thậm chí mở rộng thành 19-43) bắt đầu phải tham gia các công việc chiến tranh.

Họ làm việc trong các nhà máy, ngoài đồng, hoặc trong các lực lượng vũ trang. Các chi nhánh dành cho nữ của Đội Hỗ trợ Dịch vụ Lãnh thổ (Auxiliary Territorial Service – ATS) và Đội Hỗ trợ Vận tải Hàng không (Air Transport Auxiliary – ATA) ra đời.

 

Phụ nữ không được phép tham gia trực tiếp vào chiến trường, nhưng vẫn làm các công việc quan trọng như đầu bếp, thủ kho, sĩ quan trật tự, lái xe, bưu tá,… và sau này là nhân viên điều hành radar và thành viên tổ súng phòng không.

 

Ở Mỹ, những nàng “chiến binh sản xuất” với quan điểm “sản xuất là cốt lõi của chiến thắng, và phụ nữ là nòng cốt của sản xuất”, hình ảnh mà người phụ nữ đã là và có thể là trong chiến tranh cũng được đẩy mạnh bởi những nữ công dân tham gia vào các đội hỗ trợ quân sự. Tất cả các nhánh của quân đội Hoa Kỳ đều có phụ nữ tham gia.

 

Phụ nữ Nga và tuyên truyền

“Vì Đất Mẹ!”

Từ thời Trung Cổ, hoá thân truyền thống của nước Nga đã là hình tượng người phụ nữ và thường là người mẹ. Hai khái niệm phổ biến là Mẹ Nga (Матушка Россия) và Tổ quốc – người Mẹ (Родина-мать) hay Đất Mẹ.

 

Sau Cách mạng tháng Mười Nga và trong thời kỳ nội chiến Nga, một số lực lượng chống Bolshevik đã dùng hình ảnh này để tuyên truyền về nước Nga tiền-cách mạng.

Tuy nhiên, vào thời kỳ Xô-Viết, chính những người Bolshevik lại tận dùng hình ảnh “Đất Mẹ”, đặc biệt là trong Thế chiến II.

 

Hình ảnh Mẹ Nga và hình ảnh người phụ nữ Nga trong tuyên truyền trông khá giống nhau. Họ đều khơi gợi cảm giác của một người mẹ và một người lao động, gắn với những lời hứa và ngợi ca đất nước Nga. Tuyên truyền Nga đưa ra những thông điệp về nghĩa vụ lao động và chiến đấu chung của từng công dân cũng như hình ảnh tích cực, hứa hẹn về tương lai tốt đẹp.

 

Phụ nữ Nga trong tuyên truyền đang học đọc, làm việc trong các nhà máy, bệnh viện, hoặc trường học. Họ cũng được mô tả là người mẹ, người vận động viên, và người thợ may... Họ được khuyến khích tham gia lao động trong nhiều ngành nghề, cùng góp sức vào nỗ lực xây dựng đất nước Xô-Viết.

 

Hương Mi Lê dịch, tổng hợp, và viết, với các nguồn tham khảo thư viện của Đại học Texas, thư viện Toledo, trang thông tin của bộ Quốc phòng Mỹ, Wikipedia, và các nguồn khác.