Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Tướng mạo có thể thay đổi được theo thời gian

TƯỚNG MẠO CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC THEO THỜI GIAN

Nhiều người rất từ bi và bao dung độ lượng nên có khuôn mặt phúc hậu hiền lành, người dịu dàng lương thiện thường có khuôn mặt xinh đẹp dễ nhìn.

Người xấu ác thể hiện nét mặt hung dữ, rất nhiều người có phẩm tính không tốt, vẻ mặt thường cay nghiệt, nên dễ làm tổn thương nhiều người khác. Tướng mạo sẽ biểu lộ ra vận mệnh tương lai của một người theo hai chiều hướng tốt và xấu, tướng do tâm sinh cho nên từ tâm biết được vận mệnh của chính mình.

Đặc thù của tướng mạo có quan hệ với sự di truyền của bố mẹ, như màu da sắc tộc, tính nết của con người hoặc đẹp hay xấu đều ảnh hưởng nửa đời trước của chính mình, nghĩa là ảnh hưởng từ kiếp trước, nửa đời sau của một kiếp người, chính là mình tự quyết định.

Lòng từ bi là một yếu tố quan trọng để kết nên một con người có phúc hậu. Người có thiện tâm, thường tỏa ra từ trường khiến nhiều người khác cảm thấy dễ chịu nên thích gần gũi tiếp xúc. Ngược lại người xấu ác tất khó nhìn, thậm chí người đó có khuôn mặt đẹp đẽ, thì trên mặt cũng lộ ra chỗ khiếm khuyết khiến người không thích, người xưa nói khuôn mặt không có duyên, khiến nhiều người không muốn gần. 

Chúng ta hãy hiểu rằng, tướng mạo là có thể từng bước thay đổi theo thời gian! Nhất là một khuôn mặt xinh đẹp phúc hậu sẽ có một lực hấp dẫn, khiến người sinh lòng mến mộ. Chính vì vậy, muốn có tướng mạo đẹp phải từ nội tâm trong sáng và từ bi. Một con người cam tâm chịu thiệt về mọi mặt, lại nhận được càng nhiều vì tâm họ trong sáng thuần khiết. Con người có thể chịu thiệt thòi một chút cũng không sao, nhân duyên tốt và cơ hội tốt sẽ đến nhiều hơn mình mong muốn. 

Đối xử tử tế với người thân, quan tâm người bên cạnh, biết khoan dung độ lượng với những người làm mình tổn thương, để mở rộng lòng rộng lớn. Nội tâm trong sáng có thể bao dung người khác gọi là lòng từ vô hạn. Luôn vui vẻ hòa hợp với mọi người là một năng lực rèn luyện và biện pháp tốt nhất để hóa giải phiền muộn khổ đau là hãy quên đi. Không tranh giành là lòng từ bi rộng lớn, thấy biết thật giả phân minh là trí tuệ, biết đủ chính là buông xả.

Khiêm tốn để xả bỏ tâm ngã mạn

Khiêm tốn để được học hỏi và xả bỏ tâm cống cao ngã mạn: là một loại đức hạnh làm chỉ cho người khác thương mến chúng ta, vì nó trái ngược tính cống cao ngã mạn, chỉ đưa đến sự hiềm thù mà oán ghét lẫn nhau. Nếu chúng ta muốn mọi người thích gần gũi mến thương, thì ta phải biết khiêm tốn. 

Người biết khiêm tốn luôn được mọi người yêu mến, quý trọng. Người khiêm tốn là người luôn có tấm lòng từ bi quảng đại, biết bao dung và độ lượng trong mọi vấn đề.

Nếu chúng ta tìm cầu danh vọng, phú quý giàu sang mà không thực hành hạnh khiêm tốn, thì khó mà thành tựu như mong muốn. Người hiểu biết nhiều và có địa vị cao thì càng phải khiêm tốn nhiều hơn nữa, đối với những người thấp kém hơn mình. Nhờ vậy, cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn, bởi ta biết thương yêu mọi người bằng trái tim hiểu biết. Người Phật tử chân chính phải có lòng yêu thương người, biết khiêm tốn nhún nhường trước mọi người, và hằng xét lại lỗi mình để tìm cách sửa đổi cho tốt.

Như vậy, người khiêm tốn luôn đem lại niềm an vui hạnh phúc cho nhân loại, bằng tình người trong cuộc sống với tấm lòng từ bi rộng lớn.

Trích bài viết của Thích Đạt Ma Phổ Giác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét