Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Phong trào Nữ quyền đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam

  

 Tờ báo Phụ nữ tân văn Năm thứ nhất, số 28 năm 1926

PHONG TRÀO NỮ QUYỀN ĐẦU THẾ KỶ 20 Ở VIỆT NAM

Bấy lâu nay, chúng ta vẫn thường lầm tưởng rằng nữ quyền là một phong trào chỉ mới nhen nhóm gần đây, nhất là khi quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu Việt Nam 1920 - 1945, giới và hiện đại: Thực chất phong trào nữ quyền đã diễn ra sôi nổi ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, mà trong đó bà Nguyễn Thị Kiêm là một cá nhân tiêu biểu.

Thực chất nữ quyền chính là nhân quyền, nhưng sở dĩ người ta nói nữ quyền là vì phụ nữ thiệt thòi, nên chúng ta đấu tranh để phụ nữ có được nhân quyền.

Tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam, Nữ giới chung (Tiếng chuông của phụ nữ), ra đời năm 1918, do nhà thơ Sương Nguyệt Anh làm chủ bút xuất bản tại Sài Gòn. Đây là diễn đàn báo chí đầu tiên để thảo luận, đặt vấn đề về bình đẳng giới và nữ quyền. Tờ báo bị Pháp đình bản cùng năm.

Chân dung Đạm Phương nữ sử cùng chồng - ông Nguyễn Khoa Tùng. Bà là cây bút tiên phong đấu tranh vì nữ quyền giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Bà Đạm Phương nữ sử (1881 – 1947, tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh, là cháu nội của Vua Minh Mạng, con của Hoằng Hóa quận vương Nguyễn Phúc Miên Triện) đã bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình. Năm 1918, bút danh Đạm Phương nữ sử bắt đầu xuất hiện trên khắp các báo, tạp chí ở khắp cả nước như Nam Phong, Phụ nữ thời đàm, Tiếng dân, Trung Bắc Tân văn… để đưa ra những quan điểm đanh thép về vị trí của người phụ nữ trong xã hội.

Dù là một “con vua cháu chúa” điển hình, nhưng bà lại kịch liệt phản đối quan niệm “hồng quần núp bóng tùng quân” của những người phụ nữ thượng lưu thời đó: “Cái thói ỷ lại của bọn nữ lưu chúng ta đã gần như một căn bệnh thâm niên rồi. Ỷ lại tức là nguồn gốc của nô lệ đó vậy. Nếu muốn kéo lại nữ quyền thì trước hết phải tìm nhân cách cho nữ giới, mà muốn tìm nhân cách cho nữ giới thì trước hết phải tảo trừ cái bệnh ỷ lại đó” (Báo Trung Bắc tân văn, 25.9.1926).

Để chữa bệnh ỷ lại, bà thành lập Nữ công học hội ở Huế vào năm 1926. “Thuốc chi bây giờ? Cái bài thuốc ấy chính là mục đích quan trọng thứ nhất của bản Hội. Cái bài thuốc ấy là gây cho bọn quần thoa một cái tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình, trong cái phạm vi đạo đức, tri thức Đông phương và Tây phương hòa hợp với nhau đó. Sau là kết cái dây đoàn thể để bênh vực lợi quyền cho nhau”, bà viết.

Nữ công học hội tổ chức dạy những nghề thông dụng để chị em phụ nữ phát triển thành một nghề kiếm sống, hội còn tổ chức dạy chữ cho những hội viên chưa biết chữ, dạy những kiến thức về nuôi dạy con cái, tổ chức gia đình…

GS. David G. Marr, Đại học Quốc gia Úc, đã khẳng định, Nữ công học hội ở Huế là tổ chức nữ quyền đầu tiên tại Việt Nam.

Tờ Phụ nữ Tân văn. không chỉ là một tờ báo, mà còn là một cơ quan hoạt động chính trị - xã hội. Báo đã lập ra Hội Dục Anh để giữ trẻ cho các chị em buôn gánh bán bưng, để chị em được yên tâm, tự do đi bươn chải kiếm sống”, Tờ báo này có những hoạt động hợp pháp diễn ra ở trong thành phố một cách bình thường nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo. Dù chỉ tồn tại sáu năm (1929 – 1935), nhưng Phụ nữ Tân văn đã để lại dấu ấn đậm nét trong các hoạt động đấu tranh nữ quyền thời bấy giờ.

Vai trò của người đàn ông cũng mạnh mẽ giữa làn sóng đấu tranh vì nữ quyền đầu thế kỷ XX

Như cụ Phan Bội Châu đã nói Trưng nữ vương là thủy tổ”. Trưng Nữ Vương là “người tổ đích nước ta”, “là một vị Phật nhà, là tổ nước Nam ta, là người sinh đẻ ra người nước Nam ta, là người có công đức lớn với nước Nam ta, Trưng nữ vương là thủy tổ”.

Không chỉ Phan Bội Châu, mà Nguyễn An Ninh – nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng tiêu biểu, là người ủng hộ nữ quyền vào đầu thế kỷ 20 – cũng đề cao vai trò của Hai Bà Trưng trong lịch sử.

Phan Bội Châu không hề hoạt động đơn lẻ và chỉ trên mặt giấy, theo TS. Bùi Trân Phượng, dường như có mối quan hệ cộng tác giữa cụ Phan Bội Châu và bà Đạm Phương để thành lập Nữ công học hội trong thời gian cụ bị Pháp đưa về Huế an trí. Bà Đạm Phương thường lui tới thăm viếng cụ trước khi lập Hội. Ngày khai trương bà mời tất cả quan chức triều đình, quan chức Pháp đến, cụ Phan Bội Châu không có mặt, nhưng cụ có mặt vào ngày hôm sau.

Cụ đã đến và phát biểu: ‘Chỉ nhờ sức tự động của chị em mình, mình giáo dục lấy mình, ấy là thượng sách. Hễ những sự nghiệp gì rất khó khăn, rất to lớn, món trai không làm nổi, chị em ta quyết chí làm nên.

Đặng Văn Bảy, một thầy giáo ở Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. đã xuất bản cuốn sách Nam nữ bình quyền vào năm 1928, trong đó ông cắt nghĩa: “Không phải nam nữ bình quyền là vợ sẽ có quyền đánh chồng, mắng chửi chồng, như xưa nay chồng đã đánh vợ, mắng chửi vợ”, “Nam-nữ bình quyền, đời đời vốn có, mà Nam-nữ bình quyền, đời đời vốn không. Không có, có không, chín tại ý người, thật sự nào nơi lẽ trời.” Ông Đặng Văn Bảy cho rằng người phụ nữ cần phải đấu tranh để đòi quyền cho mình, bởi “Năng làm tôi mọi, cái kết quả sẽ là tôi mọi đời đời”, “Có người không thấy áp chế, vì đã tập quen cái thói tôi mọi” …

Vai trò tích cực của người đàn ông giữa làn sóng đấu tranh vì nữ quyền đầu thế kỷ XX lại vô cùng đậm nét.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét