Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

Giá trị của Phật giáo trong thế giới tân tiến hiện đại


 GIÁ TRỊ CỦA PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN HIỆN ĐẠI

Trong thời đại tân tiến ngày nay, hình như chúng ta có thể thụ hưởng tất cả mọi điều chúng ta muốn nếu chúng ta siêng năng làm việc và có tiền. Tiền bạc chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta nhiều tiện nghi văn minh, có thể giúp chúng ta thâu ngắn giờ làm việc và tìm thấy nhiều thú vui trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên đồng thời, chúng ta thấy rằng những tiện nghi tân tiến đó không giải quyết được những vấn đề thiết yếu cho đời sống chúng ta. Một số đông người đang đau khổ vì những lo nghĩ vật chất cũng như tinh thần đã làm lay chuyển căn bản cuộc sống của họ. Ðời sống chúng ta còn luôn bị đe dọa không dứt bởi những làn sóng bất an và sợ hãi. Người hôm qua chúng ta gặp có thể bị tai nạn và chết hôm nay. Và ngày mai, một trận thế chiến khác biết đâu lại chẳng xảy ra để tận diệt toàn thể chúng ta.

Khi chúng ta nhận thức được rằng nhu cầu vật chất là thiết yếu, nhưng không phải là phương tiện tuyệt hảo có thể làm cho cuộc sống chúng ta phong phú, Nhiều người quá chú trọng đến công tác xã hội gần như quên hẳn những vấn đề khác của đời sống tôn giáo. Có những kẻ lại chỉ lo nghĩ đến việc cầu xin mê tín dị đoan và chấp nhận mù quáng mọi giáo điều của giới lãnh đạo tinh thần trong tôn giáo. Xung quanh chúng ta có nhiều màu sắc tôn giáo đang mời gọi tâm hồn chúng ta.

Phật Giáo đã nổi bật hơn các tôn giáo khác. Phật Giáo là một tôn giáo – thế giới và là một phương pháp sống do Ðức Phật Thích Ca chỉ bày khoảng 2.500 năm về trước. Ðiều mà Ngài đã chứng ngộ là một giáo lý độc nhất chưa có vị Hiền Thánh nào trên thế giới này tìm ra. Chính Ngài đã có một kinh nghiệm khổ đau về mọi vấn đề cuộc sống và nhờ ở sự tu tập tranh đấu bản thân, Ngài đã giác ngộ được con đường tận diệt chúng. Con đường đó là sự nhận thức về “Bản Thể Ðồng Nhất Của Sự Sống” mà không một tôn giáo Tây Phương nào có thể tìm ra.

Khi đức Phật sắp nhập diệt, Ngài đã truyền dạy cho đức A Nan một trong những đại đệ tử của Ngài như sau: “Này A Nan! Ngươi hãy tự làm ngọn đuốc cho chính người. Ngươi hãy quay về nương tựa nơi chính ngươi. Ðừng tìm nơi nương tượng nào khác ở ngoài. Hãy nắm vững chân lý làm ngọn đèn soi sáng cho ngươi. Hãy nắm vững chân lý làm nơi nương tựa cho ngươi. Hãy tinh tấn để tự giải thoát”  Trải qua hơn 2.500 năm. Phật giáo dù đã được phát triển thành nhiều hệ thống tư tưởng và học thuyết nhưng không ngoài cứu cánh là khai thị cho chúng sanh nhận thức được “Bản Thể Ðồng Nhất Của Sự Sống” qua đức tính bình đẳng Từ Bi và Trí Tuệ của đức Phật.

Đại đức Kodo Matsunami 

Trích tạp chí Tiếng Nói Phật Giáo”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét