Bà Sanna Marin 34 tuổi, năm 2019 trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Phần Lan và là thủ tướng tại vị trẻ nhất thế giới.
CẢM HỨNG GIÁO DỤC PHẦN LAN
Hệ thống giáo dục công lập ở nhiều nơi trên thế giới đang gặp khủng hoảng. Mỹ, Anh, Thụy Điển, Na Uy, Pháp và nhiều nước tiên tiến khác đều đang vấp phải thách thức ngày càng trầm trọng trong hệ thống giáo dục công của mình: Không tạo ra đủ cơ hội học tập cho tất cả học sinh.
Nhìn chung các giải pháp chấn chỉnh những hệ thống giáo dục đang gặp thất bại: Cạnh tranh gay gắt hơn giữa trường học, trách nhiệm giải trình lớn hơn về thành tích của học sinh, thù lao cho giáo viên được trả theo kết quả làm việc…
Khác với tư tưởng cải cách dựa trên thị trường ở các nước. Phần Lan phát triển đội ngũ giáo viên chất lượng rất cao, hạn chế việc thi cử đến mức tối cần thiết, đặt trách nhiệm và lòng tin lên trên trách nhiệm giải trình, đầu tư vào công bằng trong giáo dục, và giao việc lãnh đạo cấp trường và cấp quận huyện cho các chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm.
Phần Lan là một nguồn cảm hứng thú vị với các quốc gia khác đang tìm cách cải thiện hệ thống giáo dục của họ.
Thứ nhất, hệ thống giáo dục của Phần Lan độc đáo ở chỗ nó đã phát triển từ một hệ thống rất bình thường để trở thành một kiểu mẫu giáo dục đương đại và “có kết quả cao” trong khoảng hai thập kỷ từ cuối những năm 1970. Điểm đặc biệt khác nữa là ở chỗ quốc gia này có thể tạo ra một hệ thống giáo dục trong đó học sinh được học tập tốt và nền giáo dục công bằng đã tạo ra rất ít khác biệt trong thành tích học tập giữa các trường ở các vùng khác nhau của đất nước, như đã được chỉ ra trong tất cả các nghiên cứu PISA kể từ năm 2000 đến nay. Địa vị hiếm có trên quốc tế này có được là nhờ Phần Lan sử dụng nguồn lực tài chính hợp lý và ít phải cố gắng hơn các quốc gia khác trong các nỗ lực cải cách.
Thứ hai, nhờ tiến bộ vững chắc đã được chứng minh này, Phần Lan là minh chứng cho thấy có một cách khác để xây dựng một hệ thống giáo dục thành công, đó là sử dụng các giải pháp đi ngược lại với các chính sách giáo dục dựa trên thị trường vốn đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Cách thay đổi kiểu Phần Lan này là cách dựa trên lòng tin, tính chuyên nghiệp và chia sẻ trách nhiệm. Quả thực, về cải cách giáo dục, Phần Lan là ví dụ về một quốc gia không thanh tra trường học, không dựa vào dữ liệu được thu thập từ bên ngoài, không có chương trình học tiêu chuẩn hóa, không có thi cử kiểu “được ăn cả ngã về không”, không áp dụng chế độ trách nhiệm giải trình dựa trên kết quả kiểm tra của học sinh, không có tư duy kiểu chạy đua-lên-đỉnh.
Thứ ba, nhờ vào thành công của mình, Phần Lan có thể gợi mở những phương án tư duy khác về các giải pháp cho các vấn đề giáo dục kinh niên đang tồn tại ở Mỹ, Anh và các nước Bắc Âu khác như: Tỷ lệ bỏ học cao, giáo viên bỏ nghề sớm, và giáo dục đặc biệt còn yếu và thiếu. Các phương pháp tiếp cận của Phần Lan đối với việc giảm tỷ lệ bỏ học sớm, tăng tính chuyên nghiệp của giáo viên, thực hiện chế độ trách nhiệm giải trình thông minh, áp dụng cách đánh giá học sinh thông minh hơn ở trường học có thể là nguồn cảm hứng đối với các hệ thống trường học khác đang loay hoay tìm kiếm con đường đi đến thành công.
Thứ tư, Phần Lan cũng là quốc gia có thành tích quốc tế cao trong thương mại, công nghệ, phát triển bền vững, điều hành chính phủ tốt, thịnh vượng, bình đẳng giới, phúc lợi trẻ em, và do đó, đặt ra những câu hỏi thú vị về mối quan hệ qua lại giữa giáo dục và các lĩnh vực khác trong xã hội. Có vẻ như các lĩnh vực chính sách công khác như y tế và việc làm cũng đóng một vai trò trong sự nghiệp phát triển và cải cách giáo dục trong dài hạn. Ở Phần Lan, bình đẳng thu nhập, khả năng dịch chuyển xã hội và lòng tin trong xã hội Phần Lan cũng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp này
Câu chuyện Phần Lan đặc biệt thú vị nhờ vào một số chính sách và thay đổi chủ chốt được áp dụng trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất mà Phần Lan từng chứng kiến kể từ sau Thế chiến Hai. Điều này cho thấy một cuộc khủng hoảng có thể khơi dậy bản năng sinh tồn giúp mang lại những giải pháp tốt hơn cho các vấn đề rất cấp bách so với một “tình huống bình thường” thường mang lại. Việc thay đổi mạnh mẽ hệ thống giáo dục là điều có thể thực hiện được, nhưng việc đó đòi hỏi phải có thời gian, sự kiên trì và lòng quyết tâm.
Buổi tặng sách Bài học Phần Lan 2.0 cho 148 giáo viên tiêu biểu năm 2017 của TP.HCM, trong chiến dịch tặng sách “Vì một xã hội học tập”.
--------------
· Giáo dục Phần Lan quá tuyệt vời, nhưng mấy ai theo được vì phẩm chất nổi trội: bình đẳng, trung thực, tôn trọng con người, lòng tin xã hội cao… Ở các nơi khác thì đó đang là điều mơ ước không dễ với tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét