Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

Câu chuyện kỷ niệm với người thầy đáng kính

 

CÂU CHUYỆN KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH

Năm 2010 là lần đầu tiên tôi được gặp thầy, trong lớp cao học. Thầy từ Sài Gòn ra để dạy chúng tôi hai chuyên đề là Âm vị học và Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Đối với tất cả những người học chuyên ngành Ngữ văn thì đây là những món...ám ảnh nhất.

Điều bất ngờ khiến chúng tôi lúng túng không phải là trả lời những câu hỏi hóc búa của ông thầy, mà là phải đặt câu hỏi. Chúng tôi phải đặt câu hỏi. “Đi học mà không có gì để hỏi thì đi làm gì,” thầy luôn nhắc lại như thế. Thế là từ tâm thế tìm kiếm câu trả lời như trước nay, chúng tôi phải vắt óc để tìm câu hỏi. Thầy nói, “không hỏi thì ngồi chơi hoặc về.” Cái cảm giác ấy đến giờ còn nguyên trong tôi mặc dù đã trở thành kỷ niệm: vừa bối rối vừa sợ.

Thầy nói, một ông thầy có mặt là bởi vì những thắc mắc của người học, chứ không phải cái tật thích nói của ông ta. Nếu các em không có bất kỳ sự tò mò, trăn trở nào thì thầy có nói bao nhiêu cũng vô ích. Chỉ có động cơ của lòng hiếu tri mới đẩy con người ta bước lên con đường tìm kiếm sự thật. Nếu các em đến đây mà không mang theo một thắc mắc nào đó thì chắc chắn các em chưa hề tìm hiểu hoặc không hề muốn biết. Thầy có thể rót nổi thứ gì đó vào một cái bình đang đóng nút kín mít không?

Thế là sau vài buổi học đầu tiên ngỡ ngàng và choáng váng, chúng tôi bò ra đọc, ghi chép, soạn ra những câu hỏi để hôm sau làm “bảo bối phòng thân” khi đối diện với thầy. Thầy nghe rất chăm chú, đầu cứ khẽ gật gật, rồi vẫn cái giọng đanh như gỗ lim ấy thầy trả lời chúng tôi. Rồi khi chúng tôi tai đang căng ra và tay thì tốc ký lia lịa, thầy bất giác dừng lại quay qua hỏi, “đúng không?”. Tất cả ngơ ngác.

“Đi học là phải cãi thầy. Nếu không cãi thì đó chưa phải là học, và chưa phải một học trò tốt; thầy nói gì cũng dạ dạ vâng vâng thì hỏng rồi.” Thế là chúng tôi phải có thêm một nhiệm vụ nữa: cãi thầy.

Vốn là những học trò ngoan ngoãn suốt từ những năm học phổ thông cho tới đại học, chúng tôi luôn được khen vì cái phẩm chất ấy thì bất ngờ, bây giờ nó bị phê bình, bị chê trách, thậm chí bị coi thường. Chúng tôi phải “cãi thầy” như một “nghĩa vụ đạo đức” quan trọng nhất của người học.

“Nếu hôm nay các em không cãi tôi thì cùng lắm sau này cũng chỉ trở thành những người thợ giỏi chứ không thể trở nên một nhà giáo hay nhà khoa học được. Nếu chỉ biết nghe lời thì đó không bao giờ là một trí thức. Người trí thức là phải biết phản biện. Thầy đáng quý nhưng chân lý còn đáng quý hơn, Plato nói thế.”

Đến bây giờ, khi đã trở thành một thầy giáo, những bài học về giáo dục, về mối quan hệ giữa thầy và trò, về lao động và nghiên cứu khoa học, về phẩm chất trí thức… đã trở thành một phần máu thịt trong cách hành xử của chúng tôi đối với học trò mình và với cuộc đời. Thầy đã mang tới cho chúng tôi cái ý niệm về thế nào là bình đẳng, là dân chủ trong giáo dục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét