Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

Bí kíp đọc sách hiệu quả của 'Siêu trí tuệ' Nguyễn Thục Nữ

Nguyễn Thục Nữ từng được khán giả truyền hình biết đến khi tham gia một sân chơi 'Đường lên đỉnh Olympia', năm thứ 14 (2013-2014) khi còn là học sinh THPT Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Nam. Ảnh: VC

BÍ KÍP ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ CỦA 'SIÊU TRÍ TUỆ' NGUYỄN THỤC NỮ


Đến nay, Thục Nữ đã đọc và ghi nhớ được thông tin của hơn 1.000 quyển sách, tương đương với hơn 500.000 trang giấy. Khi tham gia Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2 (là thời điểm cô vừa tốt nghiệp ngành Bác sĩ Đa khoa, khoa Y của ĐH Quốc gia TP.HCM).

“Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT: trung bình mỗi năm một người Việt chỉ đọc hết 4 cuốn sách, trong khi người Nhật Bản, Phần Lan… đọc đến 20 cuốn/năm. Nhưng điều đáng báo động nhất là trong 4 cuốn này thì chỉ có 1,2 cuốn là sách ngoài, còn 2,8 cuốn còn lại toàn là sách giáo khoa. Sách mà Thục Nữ đọc toàn bộ là 1.000 cuốn sách ngoài chương trình giáo khoa”, giám khảo khoa học - kỷ lục gia quốc tế Dương Anh Vũ nói. Và như tính toán của Dương Anh Vũ, với tốc độ đọc sách của một người Việt Nam thì phải mất 833 năm mới có thể đọc hết toàn bộ 1.000 quyển sách này.

 


Nguyễn Thục Nữ và MC Trấn Thành tại Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2. nh: V.C

 

Dịp đầu năm mới, Thục Nữ đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện quanh khả năng ghi nhớ được rèn luyện từ nhỏ, và kế hoạch chinh phục kỷ lục mới. 

.

*Thục Nữ bắt đầu thích đọc sách từ khi nào và cuốn sách đầu tiên ấy là gì, có ý nghĩa ra sao với mình?

- Nguyễn Thục Nữ: Năm lớp 2, em được một người bạn tặng cho một cuốn Doraemon. Ban đầu em không thích lắm, nhưng càng đọc càng thấy hay, sau đó em mang nó giới thiệu cho tất cả các bạn trong lớp luôn.

*Từ khi nào bạn (hay gia đình) phát hiện khả năng ghi nhớ đặc biệt của mình?

-Đây không phải là khả năng ghi nhớ đặc biệt, mà là một quá trình rèn luyện bằng những phương pháp ghi nhớ phù hợp từ những năm cấp 3 của em.

*Thục Nữ có thể chia sẻ rõ hơn về phương pháp ấy?

- Phương pháp em sử dụng chủ yếu là mã hóa, sơ đồ tư duy, cộng thêm việc tự gợi lại ký ức vào những khoảng thời gian rảnh trong ngày để những thông tin đó trở thành trí nhớ dài hạn.

.

*Sách mà bạn tìm đọc, với số lượng nhiều như vậy, thường từ những nguồn nào? -Nguồn sách em đọc nhiều nhất là từ thư viện: thư viện trường, thư viện huyện, đặc biệt là Thư viện Trung Tâm của Đại học Quốc gia TP.HCM.

*1 ngày bạn có thể đọc tối đa bao nhiêu cuốn sách (tương đương bao nhiêu trang)? Và trung bình mỗi tháng bạn đọc bao nhiêu cuốn?

-Kỷ lục tối đa một ngày của em là 5 cuốn, khoảng trên dưới 1.500 trang. Em đọc số lượng không cố định, mỗi tháng trung bình khoảng tầm 5-12 cuốn.

.

*Bạn có cảm hứng với những cuốn sách thế nào? Bên cạnh nội dung, tên tuổi tác giả, việc thiết kế bìa hay giấy in, theo bạn, chiếm bao nhiêu % trong việc thu hút người đọc?

-Bìa sách đối với em rất quan trọng, đó cũng là một trong những yếu tố khiến em quyết định chọn mua một cuốn sách. Thực tế trên thị trường sách Việt Nam hiện nay theo đánh giá của em, những đơn vị phát hành sách chú trọng vào thiết kế bìa như Đông A hay Nhã Nam đều rất thành công trong việc thu hút độc giả.

*Đâu là những tác giả yêu thích của Thục Nữ, họ có ảnh hưởng thế nào với việc phát triển bản thân của mình?

-Hector Malot (tác giả của Trong gia đình, Không gia đình...), Chinghiz Aitmatov (tác giả của Người thầy đầu tiên), J.R.R Tolkien (tác giả Chúa tể những chiếc nhẫn), Dan Brown (tác giả của Mật mã Da Vinci), Nguyễn Ngọc Thuần (tác giả của Giăng giăng tơ nhện, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, Một thiên nằm mộng...), ... Mỗi tác giả đều có những sự sáng tạo, lối viết và cách tạo dấu ấn khác nhau. Mỗi tác phẩm của họ đều khiến thế giới quan, cảm xúc, tư duy của em được mở rộng hơn.

.

*Và những ngày tết, bạn dành thời gian cho việc đọc sách như thế nào?

-Tết em chủ yếu dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè. Đây cũng là khoảng thời gian em nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng để sẵn sàng cho những dự định của năm mới. Điểm đặc biệt chắc là em đọc ít hơn, có năm thậm chí tết em không đọc cuốn nào (cười).

*Từ kinh nghiệm bản thân, bạn có thể chia sẻ “bí kíp” để đọc hiệu quả một cuốn sách?

-Theo em, mỗi người sẽ có những mục đích đọc sách khác nhau, đọc sách hiệu quả không nhất định phải là ghi nhớ được những thông tin có trong sách. Nếu như đọc sách khiến bạn cảm thấy vui vẻ hơn, bạn biết đồng cảm, chia sẻ, cải thiện bản thân qua từng ngày… thì bạn đã thành công rồi.

.

THANH NIÊN ONLINE 12/02/2021    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét