Ngày xưa có người lái buôn tên là Vạn Lịch. Người này là một đại
thương gia, giàu có vào hạng nhất nhì trong nước. Vạn Lịch có ngót một trăm
chiếc thuyền cỡ lớn, chuyên dùng vào việc vận chuyển buôn bán hàng hóa. Riêng
chiếc thuyền chở Vạn Lịch có phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách, xung quanh chỗ
ngồi, giường nệm đều được bài trí bằng gấm vóc, vàng bạc... chiếc thuyền này đồ
sộ và nguy nga không khác gì một dinh phủ ở trên đất liền vậy.
Vạn Lịch có một người vợ trẻ đẹp tên là Mai thị. Trong những lúc
đi làm ăn buôn bán xa, hắn thường nghi ngờ vợ không thực lòng với mình. Vạn
Lịch hay xét nét, nghi kỵ từng li từng tí khiến cho nàng tuy có chút sung sướng
nhàn hạ về mặt vật chất nhưng cũng rất khổ tâm về mặt tinh thần.
Một ngày nọ, thuyền của Lịch thả neo nghỉ trưa tại một bến sông
vắng. Mai thị ngồi trước mũi thuyền nhìn ra ngoài. Bỗng có một người đánh giậm
ở đâu đến cạnh thuyền xin một miếng trầu. Mai thị thấy người ngư dân đó nghèo
khổ, đóng khố, mình trần lấm láp thì chạnh lòng thương hại. Nàng bèn hỏi thăm
mấy câu rồi nhặt lấy mấy miếng trầu trong cơi vàng đem cho. Lịch đang ngủ chợt
thức giấc, tình cờ trông thấy cảnh ấy, cơn ghen tức nổi lên đùng đùng. Chờ cho
anh đánh giậm đi khỏi, hắn gây chuyện với vợ rồi xỉ vả nàng thậm tệ. Mặc cho
Mai thị thề thốt hết lời nhưng Vạn Lực một mực không nghe. Hắn gói ghém xiêm áo
ném trả cho nàng, rồi vứt cho vợ một thoi vàng, một thoi bạc và đuổi đi ngay.
Mai thị đi bơ vơ một mình trên bãi biển. Nàng gặp lại người đánh
giậm khi nãy, bèn gạt nước mắt kể lể sự tình. Anh chàng đánh giậm ngẩn ngơ cả
người, không biết xử trí ra sao. Khi biết anh ta chưa có vợ lại sống một thân
một mình, nàng bảo:
- Hắn bảo tôi dan díu với anh. Âu cũng là số tôi không lấy được kẻ
giàu sang, tôi xin nguyện lấy anh làm chồng, dù có khổ sở thế nào đi nữa tôi
cũng chịu được. Chúng ta sẽ cùng nương tựa vào nhau mà sống.
Anh chàng đánh giậm không biết từ chối thế nào, cuối cùng đành dẫn
người đàn bà kia về túp lều của mình dựng bên bờ sông. Và họ trở thành vợ chồng
kể từ khi đó. Hàng ngày chồng vẫn làm nghề cũ, còn vợ thì ở nhà chăn nuôi gà
vịt. Tuy nghèo nhưng họ sống thật êm ấm, không xô xát với nhau bao giờ.
Ba năm trôi qua. Một hôm trời mưa, chồng rỗi việc ở nhà, vợ ngồi
vá áo. Chồng thấy đàn gà thi nhau mổ thóc ở thúng, sẵn có thỏi vàng của vợ để
dành bấy lâu trong chiếc giỏ khâu vá, anh ta không biết đó là vật gì liền cầm
lấy ném đàn gà. Chẳng may ném mạnh quá thỏi vàng văng luôn xuống sông. Thấy
vậy, vợ trách chồng:
- Kìa, người sao người đâu mà ngốc thế! Anh có biết vừa ném cái gì
đi không?
Chồng đáp gọn lỏn:
- Chả biết.
- Đấy là vàng, thứ quý nhất ở trên thế gian đấy, vợ đáp.
Chồng thản nhiên bảo:
- Tưởng gì chứ, thứ này thì đâu thiếu gì. Những lúc bắt cá ở vũng
sâu ngoài kia tôi vẫn nhặt được luôn, nhưng không biết dùng làm gì nên lại vứt
bỏ.
Đến lượt vợ lại ngẩn cả người, liền hối hả giục chồng đi mò lấy
về. Quả nhiên đó là vàng thực, và lạ thay mỗi thỏi đều có dấu hiệu riêng của
Vạn Lịch.
Nguyên là Vạn Lịch từ ngày đuổi vợ đi, buôn bán có phần thua lỗ. Một
lần nọ thuyền gặp bão và bị đắm, Lịch chỉ thoát được thân còn bao nhiêu rương
vàng bạc của cải đều chìm xuống nước và trôi dạt vào đây. Thế là kho vàng của
Lịch lại thuộc về tay vợ chồng Mai thị.
Từ khi có của, Mai thị bèn xây dựng nhà cửa khang trang và sắm ăn
sắm mặc cho chồng. Thấy chồng quá ngờ nghệch, vợ bảo phải năng giao thiệp, quan
hệ với người ta để học khôn học khéo hòng mở mặt với đời.
Chồng nghe lời, bèn lựa những khi rảnh rỗi vào xóm gạ chuyện với
mọi người để làm quen, nhưng chẳng có ai thèm chơi với một thằng đánh giậm lại
nổi tiếng đần độn. Luôn mấy hôm liền, anh chàng đi không về rồi. Vợ hỏi:
- Đã chơi được với ai chưa?
- Chưa. Hắn đáp cụt lủn.
Mai thị lắc đầu than thở:
- "Người đâu mà u mê, ngờ nghệch đến thế không biết. Suốt mấy
hôm trời mà không làm quen được một ai. Họa có mà chơi với phỗng!
Nghe nói thế, chồng tưởng vợ bảo mình không chơi được với người
thì đi chơi với phỗng, bèn tìm đến một ngôi đền vắng ở phía ngoài kinh thành.
Chàng ngốc lân la toan làm quen với mấy bức tượng phỗng đặt ở hai bên sân đền.
Thấy tượng phỗng nhe răng cười, hắn cũng cười theo, rồi lại quàng vai bá cổ làm
như đang chơi đùa với người thật vậy. Sau đó anh chàng đi mua bún lòng về mời
ăn, nhét cho mỗi tượng một miếng vào miệng. Cuối cùng chẳng thấy phỗng nói gì,
hắn tức mình xô phỗng từ trên bệ lăn kềnh xuống đất rồi bỏ ra về. Khi vợ hỏi,
chàng ngốc bô bô kể lại sự tình. Mai thị giẫm chân kêu trời, đành giữ chồng lại
nhà để dạy khôn cho hắn.
Không ngờ ngôi đền mà anh chàng đánh giậm đến chơi lại là nơi liên
quan đến long mạch phát tích của nhà vua. Tự nhiên, sau khi chàng đánh giậm xô
đổ tượng phỗng, nhà vua bị đau bại một nửa người. Bao nhiêu danh y được triệu
vào cung để chữa bệnh cho hoàng thượng đều lắc đầu bó tay. Một viên quan Tư tế
gieo quẻ báo tin rằng: Cách kinh thành không xa, có một ngôi đền liên quan đến
long mạch của triều đình bị động. Lập tức triều đình bèn phái quan binh về làm
lễ tạ. Pho tượng phỗng bị đổ xuống đất làm cho mọi người chú ý. Nhưng khi làm
lễ dựng tượng dậy thì lạ thay, hàng chục người xúm vào đều nâng không nổi. Quan
lại truyền cho mấy đội cơ lính dùng đòn gỗ và dây thừng xúm vào cùng khiêng
nhưng rốt cuộc tượng vẫn không hề nhúc nhích.
Tin ấy được bẩm báo về kinh đô, nhà vua rất lo, liền sai yết bảng
thông cáo cho tất cả thần dân ai có phép gì dựng được tượng phỗng lên bệ thì sẽ
hậu thưởng. Hôm ấy Mai thị đi chợ ngang qua kinh thành, thấy bảng yết có nội
dung như thế, bèn về hỏi chồng:
- Hôm ấy anh làm thế nào đẩy ngã pho tượng xuống được?
Hắn đáp:
- Tôi chỉ khẽ đẩy một cái là đổ ngay.
Vợ hắn lại hỏi:
- Thế bây giờ có dựng lên được không?
Hắn cười hiền đáp:
- Làm gì mà chả được.
Vợ bèn cùng chồng gỡ giật bảng niêm yết xuống, xin quan cho vào
nâng phỗng thử. Quả nhiên khi người đánh giậm chỉ cần khẽ nâng, tượng liền đứng
lên được.
Ngay sau đó, nhà vua liền khỏi bệnh. Vua sai lấy vàng bạc thưởng
rất hậu cho vợ chồng Mai thị nhưng họ không nhận, chỉ xin vua ban ơn cho làm
một chân Tuần ty ở sông Cả [có lẽ là sông Hồng ngày nay]. Chức vụ Tuần ty chỉ
ngồi thu thuế không cần biết chữ. Vua liền ưng thuận. Hai vợ chồng bèn đi nhậm
chức. Sẵn có nhiều vàng bạc, họ cho xây dựng nhà cửa rất nguy nga ở ngay ngã ba
sông. Kể từ đó, vợ chồng Mai thị nổi tiếng giàu có trong vùng.
Một hôm, thuyền của thương gia Vạn Lịch tình cờ đi ngang qua đây,
Vạn Lịch cho thuyền đỗ lại ở cửa tuần và cho người lên nộp thuế. Mai thị biết
vậy liền xuống lệnh bắt chủ thuyền phải đích thân đến trình báo. Tiến vào công
đường, Lịch xiết bao kinh ngạc, khi thấy ngồi trước án là người vợ cũ của mình
cùng anh chàng đánh giậm ngày xưa. Mai thị mỉa mai bảo hắn:
"Biết rằng anh vẫn đi buôn,
Em về kiếm chốn nha môn ngồi tuần
Dù anh buôn bán xa gần
Làm sao tránh khỏi cửa tuần người xưa"...
Em về kiếm chốn nha môn ngồi tuần
Dù anh buôn bán xa gần
Làm sao tránh khỏi cửa tuần người xưa"...
Nghe mấy câu thơ ấy, Vạn Lịch vô cùng hổ thẹn. Hắn từ tạ trở về
thuyền. Đang cơn làm ăn thua lỗ, lại vừa thẹn vừa uất, hắn nghĩ không còn mặt
mũi nào nhìn lại vợ lần nữa, cũng không còn thiết sống tiếp. Vậy là đêm đó, Vạn
Lịch bèn làm giấy kê khai tất cả của cải cho Mai thị thừa kế, biên thư lại, nói
là để chuộc lỗi xưa, rồi âm thầm tự vẫn. Mai thị thấy vậy lấy làm hối hận lắm,
tuy nhiên mọi sự đã rồi. Sau đó nàng đem bao nhiêu tài sản của Vạn Lịch để lại
quyên tặng hết vào ngân khố triều đình, nàng lại tâu với đức vua xin đúc một
thứ tiền vàng lưu hành trong dân gian, gọi là "tiền Vạn Lịch" rồi đem
phân phát từ thiện cho những người nghèo khổ.
Mãi cho đến rất lâu sau này, trong dân gian vẫn còn lưu hành và
xuất hiện loại tiền kể trên. Để ghi nhớ tích truyện này, người ta còn truyền
tụng nhau câu hát:
"Đồng tiền Vạn Lịch
Thích bốn chữ vàng
Trải bao mưa gió bẽ bàng
Tiếc cho duyên nợ với nàng bấy lâu"...
Thích bốn chữ vàng
Trải bao mưa gió bẽ bàng
Tiếc cho duyên nợ với nàng bấy lâu"...
Đường Tân
- Tài liệu tham chiếu, theo: Kho tàng truyện cổ tích Việt
Nam/Nguyễn Đổng Chi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét