Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

GS bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà trí thức yêu nước tài ba

Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910 tại làng An Cựu, thành phố Huế, trong một gia đình nhà Nho, sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Ông học trung học tại Huế, đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp và học tiếp tại Hà Nội. Năm 1930, ông đỗ tú tài bản xứ lẫn tú tài Pháp, và nhận được học bổng tiếp tục theo học tại Trường Y- Dược thuộc đại học Đông Dương.
.
Với thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937, ông là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho giáo sư Henry Galliard- Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng Trường Y- Dược lúc đó. Sự nghiệp của ông được thay đổi từ đây, lĩnh vực “ký sinh trùng” đã theo ông trọn cả cuộc đời.

GS Đặng văn Ngữ đưa vợ bà Tôn Nữ Thị Cung, con gái của Thượng thư Bộ Hình kiêm Tổng đốc Nghệ An Tôn Thất Đản, 3 người con Đặng Nhật Minh, Đặng Nguyệt Ánh, Đặng Nguyệt Quý về nội ở An Cựu để lên đường sang Nhật du học.
Do có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học, năm 1943, ông được chọn đi du học ở Nhật với tiêu chuẩn “là người có trình độ cao, hiện đại, xứng đáng cho nền y học của Pháp tại Việt Nam”. Từ năm 1943 đến cuối năm 1948, ông học tập và làm việc tại Nhật. Ông đã học và nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, về lao và hủi tại Trường Đại học Tokyo, về vi trùng đường ruột ở Bệnh viện Truyền nhiễm Tokyo.
.
Trong thời gian tu nghiệp ở Nhật, ông tìm ra giống nấm sản xuất Penicillin và công bố 4 công trình khoa học có giá trị. Giáo sư Tomio Takeuchi. Giám đốc Viện Hóa vi sinh Tokyo (Institute of Microbial Chemistry). nhà bác học nổi tiếng của Nhật Bản và là cộng sự của GS Đặng Văn Ngữ hai người có nhiều công trình nghiên cứu đứng tên chung, các bài báo đăng trên các tạp chí Y khoa.
.
Con đường khoa học của GS Đặng Văn Ngữ lúc bấy giờ đang rộng mở, nhất là sau khi ông phát hiện lần đầu tiên tại Nhật một giống nấm có khả năng tiết ra chất kháng sinh Penicilline. Sau khi chiến tranh kết thúc người Mỹ đã nhiều lần tìm đến gặp ông để mời làm việc. Nhưng ông đã từ chối để trở về nước.
.
Năm 1949, GS Đặng Văn Ngữ lên đường trở về nước với những hành trang quý giá. Đó là những kiến thức y học của Nhật và các nước phương Tây, đặc biệt là mang theo Souche Penicillium (giống Penicillium) để điều chế thuốc kháng sinh Penicillin.
.
Cuối tháng 12/1949, bác sĩ Đặng Văn Ngữ về đến Liên khu IV, ông lao ngay vào công việc nghiên cứu penicillin để phục vụ cứu chữa thương bệnh binh.
Đầu năm 1950, ngôi chùa Yên Thành được sửa sang để làm phòng thí nghiệm nghiên cứu kháng sinh. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ được 2 thanh niên giúp việc – là những người chưa hề biết đến những chiếc ống nghiệm hay giống nấm là gì, nhưng lòng nhiệt thành của họ thì rất lớn.
.
Chính trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn ấy, những ống kháng sinh đầu tiên đã được bào chế thành công. Như sau này bác sĩ Đặng Văn Ngữ viết: “Chúng tôi không ngồi đợi có đầy đủ phương tiện mới nghiên cứu. Không có bàn, chúng tôi bầy mễ làm việc. Cân chính xác thiếu, chúng tôi đo bằng lối so thể tích. Ống tre thay cho eprouvette, đĩa là boite de Pétri, cylinder chỉ là những ống sậy. Cứ như thế, chúng tôi cọc cạch làm việc cho tới khi phi cơ oanh tạc Cát Văn. trong những khó khăn chật vật như thế, 3 lọ Penicillin bột đã ra đời, mỗi lọ chừng hai vạn đơn vị”.
.
Phòng thí nghiệm ở chùa Yên Thành có một không hai, nó chứng minh rằng với những nguyên vật liệu của xứ nhà, với những phương tiện tầm thường, tập thể nghiên cứu đã làm được bột Penicillin tiêm: Sáu vạn đơn vị Penicillin sản xuất trong tháng 5/1950. Đây là công trình và kết quả thật kỳ diệu.
.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để có thể sản xuất được thật nhiều penicillin, đáp ứng nhu cầu kháng khuẩn của các thương bệnh binh ngoài mặt trận? Đó là một câu hỏi đã khiến bác sĩ Đặng Văn Ngữ trăn trở suốt nhiều ngày đêm.
.
Tháng 5/1950, bác sĩ Đặng Văn Ngữ lên Việt Bắc để phụ trách phòng thí nghiệm của trường Đại học Y khoa. Ông nhận ra rằng, việc sản xuất Penicillin kết tinh (bột) là một quy trình đòi hỏi mất nhiều thời gian, do vậy, nó không thể thỏa mãn được nhu cầu cấp thiết của quân đội và nhân dân.
 
GS Đặng Văn Ngữ cùng vợ và con ở phòng Thí nghiệm điều chế penicillin ở Chiêm Hóa Tuyên Quang (Việt Bắc)

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ và các giáo sư của trường Y đều nhận ra rằng nước lọc Penicillin có tác dụng và hiệu lực hơn cả Penicillin kết tinh nếu dùng nó để chữa trị tại chỗ các vết thương phẫu thuật nhiễm trùng. Xác định như vậy, ông đã quyết tâm và dành toàn bộ tâm trí để sản xuất nước lọc Penicillin.
.
Việc sản xuất nước lọc Penicillin không thể tiến hành ở một cơ sở hay một phòng thí nghiệm. Nó cần được phân tán thành nhiều tổ sản xuất, gắn liền với các đơn vị của bộ đội. Theo GS Đặng Văn Ngữ thì: “Sự phân tán tổ chức sẽ giải quyết được vấn đề chuyển vận nguyên liệu chế tạo và người sử dụng không cần tìm thuốc ở đâu xa; nó sẽ xuất hiện hằng ngày bên cạnh bệnh nhân và thường xuyên nó chờ đợi người y sĩ tới sử dụng nó”.
.
Các lớp học điều chế nước lọc penicillin được thành lập, thu hút các dược sĩ, bác sĩ, sinh viên y dược, dược tá… Nước thân cây ngô có chứa glucose được nấu lên rồi cấy nấm bằng giống của phòng thí nghiệm được thực hiện đều đặn. Việc lấy nước từ thân cây ngô cũng là một sự sáng tạo, bắt nguồn từ hoàn cảnh của cuộc kháng chiến. Cây ngô rất sẵn trong nhân dân, nước từ thân cây ngô là môi trường lý tưởng để nuôi cấy nấm Penicillin.
.
Thời gian huấn luyện kéo dài khoảng hai tuần là một người có thể nắm rõ các quy trình của việc nuôi cấy và sản xuất nước lọc Penicillin. Song song với việc huấn luyện trực tiếp, Tập san Penicillin được phát hành hàng tháng, cũng là một công cụ hữu hiệu để phổ biến kiến thức của phòng thí nghiệm của trường Đại học Y với các cơ sở ở địa phương.
.
Việc sản xuất được nước lọc Penicillin của bác sĩ Đặng Văn Ngữ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là ở giai đoạn sau của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhờ đó mà nhiều thương binh được chữa khỏi, không bị cưa mất chân tay.
.
GS Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa nhận định: “Những thành tích sáng chói của nước lọc Penicillin qua các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám và gần đây nhất, kết quả rực rỡ của nước lọc Penicillin trong chiến dịch Lý Thường Kiệt càng làm phấn chấn anh chị em dược tá Penicillin đang cần cù và hăng hái xây dựng một ngành y mới của y học trong phục vụ tiền tuyến”.
.
GS Tôn Thất Tùng, một trong những trụ cột của trường Y trong kháng chiến thì cho rằng đó là một điều kì diệu. Ông nhấn mạnh: “Mỗi chiến dịch, quân y đưa ra tiền tuyến một tổ Penicillin để sản xuất kháng sinh dùng ngay trên mặt trận. Đây là một thành tích kỳ diệu mà từ xưa đến nay, trong các cuộc chiến tranh du kích chưa ai đã làm được như vậy với những dụng cụ thô sơ, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn”.
.
Sẽ thật là khập khiễng nếu so sánh những thành tựu y học của ngày nay với sáng tạo khoa học của 70 năm về trước. Nhưng sự kiện sáng chế ra nước lọc Penicillin và tác giả - Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã được ghi đậm trong lịch sử Y khoa Việt Nam và sẽ được ghi nhớ mãi mãi với tư cách là "Giáo sư Penicillin". Nhớ về ông là nhớ về một nhà khoa học, một bác sĩ có tấm lòng trong sáng, vì dân vì nước, sẵn sàng hi sinh bản thân mình cho khoa học, cho độc lập tự do của Tổ quốc.
.
Theo Nguyễn Thanh Hoá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét