Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

Einstein thời trẻ


Trong khi nước Đức là một miền đất hứa thì Einstein lại bỏ nó ra đi lúc 15 tuổi và chỉ vài năm sau ông xin bố mẹ cho ông ra khỏi quốc tịch Đức để trở thành công dân Thụy Sĩ! Ông muốn chấm dứt quan hệ với nước Đức, không thích cách giáo dục gia trưởng của các thầy giáo, và có lẽ quan trọng hơn, không muốn đi quân dịch trong quân đội Phổ. Ông ra đi để tìm con đường cho riêng mình.
.
Rồi năm 1914, chỉ vài tuần trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông trở lại nước Đức trong sự vinh quang của tên tuổi khoa học, theo lời mời gọi của Viện hàn lâm Phổ. Viện hàn lâm đã quyết tâm mời ông về ở tuổi 35, cho ông hưởng sự ưu đãi cao nhất có thể có được của nhà nước Phổ.
.
Einstein bản tính là một người “nổi loạn”, không chịu khép mình vào những trật tự cố định. Ông sinh ra là để làm người tự do và chấp nhận mọi sự trả giá để được sống và tư duy tự do. Einstein không phải là sản phẩm của các lò đào tạo học trò xuất sắc, trường chuyên, của chế độ đào tạo bằng nhồi nhét, hay của bộ máy hàn lâm kiêu hãnh, lại càng không phải là thần đồng.
.
Ông đứng ngoài tất cả những thứ đó, là sản phẩm của tự học và óc tò mò vô hạn trước thiên nhiên. Ông đã để tư duy của mình bay bổng với đôi cánh mộng tưởng trong bầu trời tự do vô hạn của tạo hóa. Ông cho rằng không nên lấy hoạt động khoa học để làm phương tiện kiếm sống, để giữ cho mình được tự do. Đó cũng chính là con đường ông chọn sắp tới để bước vào đời.
.
Ở Đức cậu bị chê bai. Hiệu trưởng Trường trung học Gymnasium Luitpold Munich một ngày nọ đã kêu cậu đến và nói: “Einstein, cậu sẽ chẳng làm nên chuyện gì đâu” và bồi thêm để đuổi cậu khỏi trường: “Sự hiện diện của cậu đã làm mất đi sự tôn kính trong lớp học”.
.
Có lẽ do thái độ không ưa thích kỷ luật của cậu. Einstein không phải học tồi như huyền thoại lưu truyền. Einstein chấp nhận lời xua đuổi ấy, như chấp nhận sự thách thức của vua Phổ: “Ai không vừa ý, kẻ đó nên rũ sạch đất Đức dưới chân mình và hãy ra đi”.
Bỏ trường ở tuổi 15, một hành động táo bạo, như của một “kẻ bụi đời”, mong để thoát khỏi không khí gia trưởng. Ông đi về Milan sống với gia đình một thời gian rồi sau đó qua Thụy Sĩ. Đó là lần “di cư chính trị” đầu tiên ra khỏi nước Đức.
.
Ông tận hưởng những ngày tự do và bắt đầu tự nghiên cứu khoa học ở Milan. Ông rời trường học nhưng không rời khoa học. Mục tiêu của ông là vào học Trường đại học kỹ thuật ETH Zrich.
.
Trường này là trường ngoài nước Đức ra tốt nhất ở châu Âu (và hiện nay vẫn là trường tên tuổi thế giới) và không đòi hỏi bằng tú tài mà chỉ yêu cầu phải thi một kỳ khảo sát. Ông bắt đầu một cuộc sống tự lập và tự hoạch định tương lai cho mình. Thi rớt vào ĐH ETH Zrich, ông phải lui về Aarau, một thị trấn nhỏ gần Zrich, để học một năm dự bị và sau đó ra trường Aarau với điểm thủ khoa.
.
Khi tốt nghiệp cử nhân năm 1900, Einstein rất kỳ vọng vào một chân giảng nghiệm viên ở Đại học ETH Zrich để tiếp tục việc nghiên cứu khoa học. Trong khi những sinh viên tốt nghiệp khác đều được bổ nhiệm việc làm trong đại học, Einstein phải đi ra với “tay trắng” vì không giáo sư nào có thiện cảm với con người “lười biếng” này để cho một chức giảng nghiệm viên cả. Ông xin việc ở Đức và Hà Lan nhưng cũng không thành. Thất nghiệp, Einstein phải đi kèm trẻ để sống qua ngày.
.
Giữa năm 1901, một cái phao cứu hộ đã đến với ông. Do sự giới thiệu của gia đình một người bạn thân, Einstein được nhận vào làm “chuyên viên hạng ba” của Sở Bản quyền sáng chế liên bang Thụy Sĩ. Ông chỉ được làm thử việc, kéo dài cho đến năm 1904 mới được làm chính thức, và năm 1906 mới được lên hạng cấp hai.
.
Einstein đã bị đẩy ra ngoài bộ máy hàn lâm và đã có ý nghĩ bỏ giấc mơ hàn lâm đã ấp ủ của ông. Đó là hệ quả và cái giá phải trả của tính độc lập của con đường ông đang đi. Ông chẳng phải lười biếng như các thầy đã gán, mà chỉ làm một điều: theo đuổi những ý tưởng độc lập của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét