Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Các triết gia nói về cái đẹp

Bàn về cái đẹp, Socrate (469 – 399 TCN), chỉ nói một tư tưởng ngắn gọn: Cần phải xây dựng được một khái niệm (ý niệm) về cái Đẹp và một cái Đẹp được coi là lý tưởng. Ông chỉ nói có vậy. Nhưng có thể nói toàn bộ nền mỹ học phương Tây cả trong quá khứ và trong tương lai nữa đều chỉ nằm trong câu nói rất ngắn ấy.
.
Theo Platon (427 – 347 TCN), sự xét đoán theo khoa học sẽ xác định được ra cái đúng, cái sai và cái Đẹp phải là cái đúng. Có thể nói đó
chính là khái niệm về "cái chân" (Le vrais) xuất hiện trong mỹ học, cái chân (cái thật, cái đúng) là một tiêu chuẩn của cái Đẹp cả trong đời sống lẫn trong nghệ thuật.
Ngay từ thời Platon, người ta đã nhận thức rằng khoa học là một trong những nhân tố quan trọng của sáng tạo nghệ thuật. Tức là người ta thấy sự gần gũi trực tiếp giữa cái Đẹp và chân lý. Theo họ chẳng có gì đẹp hơn cái thật. Chỉ có cái thật là đáng yêu. Tính xác thực là một phẩm chất của nghệ thuật và khoa học.
.
Aristote (384 – 322 TCN), cho rằng, tính cân đối, hài hòa là một tiêu chuẩn quan trọng của cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật.
Khi bàn đến cái Đẹp trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, Aristote còn nói đến mối tương quan giữa cái Đẹp và cái Tốt (cái Thiện - Le bon). Ông nói: Cái có ích, cái tốt chính là những việc thiện. Aristote khẳng định rằng, nghệ thuật ảnh hưởng nhiều đến đời sống của con người và nghệ thuật có nhiệm vụ giúp con người tu thiện về mặt đức hạnh. 




E.Kant (1724 – 1804), đánh giá về cái Đẹp, yếu tố chủ quan là rất quan trọng, bởi lẽ nó phụ thuộc vào sở thích (vào gout) của từng người.
Sở thích là vị thẩm phán chắc chắn nhất của cái Đẹp. Và đã nói đến sở thích thì khó có thể có sự đồng thuận (tất cả đều nhất nhất tán thành một quan niệm). Sở thích là cái gì rất chủ quan và sở thích về cái Đẹp cũng không nằm ngòai điều ấy.   



 
Vì thế E.Kant đã có câu nói dí dỏm nổi tiếng để nói về tính chất chủ quan này khi phán xét về cái Đẹp, ông bảo: "Vẻ đẹp của người phụ nữ không phải là đôi má ửng hồng như trái táo, mà là ở trong đôi mắt của kẻ si tình".
Tuy nhiên, E.Kant còn nói đến một điều quan trọng hơn, đó là: Tính chủ quan của số đông (tính khách quan của cái chủ quan): Càng có nhiều người có chung một cảm nhận một đối tượng nào đó là đẹp, thì cái Đẹp đó chắc chắn sẽ trở thành chân lý.   


 
Tóm lại, cái đẹp theo quan niệm mỹ học được tiếp cận ở nhiều cách nhìn khác nhau. Có quan niệm nhấn mạnh cái đẹp ở sự hòa điệu, có quan niệm đồng nhất cái đẹp với tính thiện, với đức hạnh, đồng nhất cái đẹp với tính tự nhiên, có quan niệm đi tìm cái đẹp từ thế giới siêu tự nhiên, ý niệm, tinh thần ở bên ngoài con người. Tuy nhiên, nhìn chung các quan niệm về cái đẹp đều hướng đến những giá trị chung nhất để con người phấn đấu đạt đến và để lại những tư tưởng quý báu cho những thế hệ mai sau làm giàu thêm tư tưởng thẩm mỹ của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét