Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Tôn giáo nào là tuyệt vời nhất

 

TÔN GIÁO NÀO LÀ TUYỆT VỜI NHẤT

SATHYA Sai Baba, một đạo sư Ấn-độ hiện đại kể:

Thuở xưa, có một ông vua hiền đức, cai trị công bằng, dân chúng trong nước sống thanh bình. Một hôm, dưới sự đề nghị của cận thần tả hữu, vua triệu tập  tất cả trưởng lão tôn túc của các tôn giáo trong nước. Khi tất cả đầy đủ, vua nói:

-Thưa các vị giáo chủ, hôm nay ta mời chư vị tới đây bàn luận vì ta muốn chọn một Tôn giáo để suy tôn lên làm quốc giáo. Ta đặt niềm tin và sự minh triết nơi các vị, xin các vị hội thảo cùng nhau để tìm kiếm cho trẫm một Tôn giáo nào hay nhất, đáng được hưởng ân phúc của hoàng gia. Tôn giáo nào cũng được miễn sao cho mọi người đều đồng ý, kính phục và không có ai bắt bẻ hoặc chối cãi.

Trải qua nhiều năm mà vua vẫn chưa biết được đáp án cụ thể, bởi vì ai cũng cho Tôn giáo của mình là hay nhất, siêu việt nhất, có hiệu quả nhất, nhưng những người khác thì không chấp nhận. Cứ thế mà tranh luận giằng co từ năm này sang năm khác. Vấn đề “Tôn giáo nào hay nhất?” vẫn còn là một đáp án bỏ ngỏ.

Rồi một hôm, có một hiền giả du phương ghé thăm, khi nghe chuyện nhà vua đang tìm kiếm một Tôn giáo hay nhất mà chưa ra, bèn xin yết kiến nhà vua:

- Tâu bệ hạ, tôi có thể chỉ cho bệ hạ một Tôn giáo hay nhất mà không có ai có thể bắt bẻ, hay chối cãi được!

Vua nghe qua, rất đỗi vui mừng, vì hy vọng của mình sắp được toại nguyện sau bao năm trông đợi.

Thật vậy sao? Xin hiền giả hãy nói cho ta nghe ngay lập tức, ta đã chờ giờ phút này quá lâu rồi!

Xin bệ hạ kiên nhẫn một chút! Tôi sẽ tiết lộ cho bệ hạ tên của tôn giáo này ở một nơi thật yên tĩnh vắng vẻ, đúng trưa mai xin hẹn bệ hạ ở bờ sông Hằng, chúng ta sẽ vượt sông qua bờ kia và ở đó, tôi sẽ nói cho bệ hạ biết Tôn giáo nào là hay nhất!

Hôm sau, đúng y hẹn, vua và nhà hiền giả gặp nhau tại bờ sông Hằng. Vua ra lệnh một chiếc thuyền chở hai người qua bờ bên kia. Khi chiếc thuyền đến gần, vua sửa soạn bước lên, thì vị hiền giả chặn lại, nói rằng ông ta muốn khám xét lại chiếc thuyền xem có an toàn, chắc chắn và bảo đảm không? 

-Chiếc thuyền này không xài được, vì có một miếng ván bị nứt ở dưới đáy, có thể gây ra nguy hiểm cho chúng ta!

Vua lại gọi thuyền khác đến. Sau khi khám xét, vị hiền giả phat hiện ra bên hông thuyền hơi lỏng vì thiếu đinh. Nhà vau lại gọi một chiếc khác đến. Sau khi kiểm tra cẩn thận, hiền giả lại từ chối bởi vì nước sơn của thuyền đã bị tróc.

Cứ như thế, vua gọi hết thuyền này đến thuyền khác, chiếc nào thì vị hiền giả cũng moi ra được khuyết điểm. Cuối cùng, nhà vua không thể nào nhịn nổi:

-Thưa hiền giả! Từ sáng tới giờ, ta đã gọi biết bao nhiêu chiếc thuyền, chiếc nào cũng bị ngài từ chối. Xin hỏi ngài, thuyền bị tróc sơn một chút hoặc thiếu vài ba chiếc đinh thì đã có sao? Nó vẫn có thể đưa mình qua sông được mà? Sao ngài lại để ý đến những khuyết điểm nhỏ nhặt như vậy?

Lúc bấy giờ, vị hiền giả nhìn vua mỉm cười:

Bệ hạ đã tự mình nhận thấy rằng, dù cho có vài ba khuyết điểm nhưng tất cả những chiếc thuyền kia đều có thể đưa mình qua sông. Cũng thế, tất cả Tôn giáo trong quốc gia đều giống như những chiếc thuyền kia. Tôn giáo nào cũng có thể đưa con người thể nhập vào Chân Lý Tối Thượng. Đi tìm khuyết điểm của các Tôn giáo khác nhau, là một điều vô ích, thiếu sáng suốt. Bệ hạ hãy chăm lo việc triều chính, tiếp tục lấy đức trị dân và hãy cư xử bình đẳng, kính trọng các Tôn giáo, xem tôn giáo nào cũng tốt đẹp như tôn giáo của mình vậy!

Nghe xong, nhà vua liền phục xuống chân vị hiền giả đảnh lễ. Và khi ngẩng đầu lên, vua cảm thấy mình hạnh phúc thực sự vì thấm nhuần minh triết của cuộc sống.

Trích tác phẩm ĐẠO GÌ? “Hồi ký tu học”,

Thích Trí Siêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét