Gustave Le Bon (1841 - 1931) là nhà tâm lí học xã hội nổi tiếng người Pháp với lí thuyết về đám đông. Ông viết về nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp đương thời.
Ngày nay, lí thuyết của Le Bon vẫn chịu một số chỉ trích. Ông được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa quốc gia hiện đại. Nhưng dù thế nào đi nữa thì Le Bon cũng chỉ là “con đẻ” của thời đại ông. Nỗi lo sợ về nạn bạo lực, sự hoành hành, chứng khủng bố của những đám đông thể hiện rất rõ trong lí thuyết của ông. cuốn sách này thực sự là tác phẩm quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng thời đại của Le Bon nói chung cũng như tâm lí học hiện đại nói riêng.
Theo Le Bon, những đám đông luôn bị vô thức tác động, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng; họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất.
Đám đông có lẽ đời nào cũng thế, vẫn "rất bốc động, dễ bị kích động, nhẹ dạ cả tin, thích phóng đại, sự đơn giản, rất độc tài, và kết án đạo đức".
Tóm lược cuốn sách Tâm lý học đám đông rất nổi tiếng của Le Bon :
– Khả năng suy luận:
Đám đông suy luận bằng liên tưởng (đặc biệt là hình ảnh), chứ không bằng khoa học và logic, như màu xanh - thiên nhiên - hữu cơ - tốt cho sức khỏe. Cái bạn cần làm là tạo ra "cảm giác có logic", chứ không phải sự có lý bằng lập luận.
"Liên tưởng những sự vật không giống nhau, giữa chúng chỉ có những quan hệ bề ngoài, và khái quát hoá tức thời những trường hợp đặc biệt, đó là đặc điểm suy luận của đám đông... Một chuỗi những suy luận logic sẽ hoàn toàn không thể hiểu được đối với đám đông, và chính vì vậy có thể nói đám đông không suy luận hoặc suy luận sai, và đám đông không thể bị ảnh hưởng bởi suy luận"
– Trí tượng tượng:
Giống như trong Inception, bạn phải là người thiết kế "giấc mơ" cho khách hàng. Họ không mua các tính năng mà sản phẩm đem lại, mà họ mua các viễn cảnh của cái-tôi-hạnh phúc, những cảnh tượng về 1 cuộc đời tốt đẹp hơn của họ.
"Đám đông hơi giống trường hợp người đang ngủ, mà lí trí nhất thời tạm ngừng, để cho những hình ảnh có cường độ cực mạnh nổi dậy trong tâm trí, nhưng chúng lại tan nhanh nếu đám đông có thể chịu khó suy nghĩ. Không có khả năng suy nghĩ, suy luận, đám đông không biết tới cái không thể có thực: thế mà chính những sự vật không thể có thực nhất thường là những điều ấn tượng nhất."
Cái phi thực hầu như cũng tác động lên đám đông như cái thực. Đám đông có một khuynh hướng rõ rệt là không phân biệt giữa hai cái ấy."
– Sống bằng cảm xúc, tình cảm:
"Vì ưa thổi phồng trong tình cảm nên đám đông chỉ bị ấn tượng bởi những tình cảm quá khích. Diễn giả nào muốn lôi cuốn đám đông đều phải lạm dụng sự khẳng định mạnh mẽ. Thổi phồng, khẳng định, nhắc đi nhắc lại, và không bao giờ thử chứng minh điều gì bằng sự suy luận, là những phương pháp biện luận ai cũng biết của các diễn giả trong các cuộc hội họp quần chúng"
Và vì vậy đừng tin vào lý trí của 1 đám đông. Chúng ta đã thấy, trong những tập thể, trí tuệ không có một vai trò nào cả. Chỉ những tình cảm vô thức tác động mà thôi." Và cũng đừng tranh cãi họ.
"Người ta không tranh cãi với những niềm tin của đám đông cũng như chẳng ai đi tranh cãi với những cơn bão xoáy"
– Đạo đức:
Đám đông không có đạo đức (một nguyên tắc ứng xử trong mọi hoàn cảnh) mà chỉ có cảm xúc đạo đức, vì vậy rất dễ điều khiển để thực hiện những hành vi từ dã man nhất đến cao quý nhất.
"Nếu ta hiểu từ đạo đức theo cái nghĩa luôn tôn trọng một số quy ước xã hội, và thường xuyên đàn áp những xung động ích kỉ, thì rõ ràng là đám đông đã quá bốc đồng và hay thay đổi để có thể gọi là có đạo đức."
"Nếu đám đông có khả năng giết người, đốt nhà và làm mọi thứ tội ác, thì nó cũng có khả năng hành động tận tuy, hi sinh và vô tư rất cao cả thậm chí cao cả hơn rất nhiều so với sự cao cả mà cá nhân riêng lẻ có thể làm"
– Niềm tin: Là bước nhảy vọt lên mọi hoài nghi của lý trí, niềm tin của số đông giống một tình cảm tôn giáo. Bạn không nhất thiết phải theo đạo để hiểu điểu này, cứ thử nghe ai nói xấu thần tượng của mình, như Sơn Tùng, Apple, nước Mỹ... mà không nhói nhói muốn trả đòn là đồng cảm được.
"Tình cảm này có những đặc tính rất giản dị: tôn thờ một con người được giả định là cao siêu, sợ hãi quyền năng thần bí giả định người ấy có, mù quáng tuân theo mọi mệnh lệnh của người ấy, không thể thảo luận những tín điều của người ấy, ước muốn truyền bá chúng, khuynh hướng coi mọi người không chấp nhận những tín điều ấy là kẻ thù."
– Ảo tưởng: Bạn không lôi kéo đám đông bằng sự thật, "Kẻ nào biết gây ảo tưởng cho đám đông sẽ dễ dàng làm ông chủ của nó; kẻ nào định phá giải ảo tưởng cho đám đông, kẻ ấy sẽ là nạn nhân của nó."
"Nếu chúng ta phá huỷ, trong những viện bảo tàng và những thư viện, và nếu chúng ta kéo đổ mọi tác phẩm và mọi công trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ tôn giáo xuống những tấm đá lát sân trước nhà thờ, thì hỏi rằng những giấc mơ vĩ đại của con người còn lại gì? Đem lại cho con người phần hi vọng và ảo tưởng, mà không có nó con người không thể sống, đó là lí do tồn tại của các thần thánh, các anh hùng và các nhà thơ"
Thời của chúng ta là thời của những đám đông. Dư luận không còn dễ bị điều khiển, và báo chí, như Kenh14 chỉ phần lớn là "chụp ảnh" lại cảm tình của dư luận mỗi ngày, chứ khó có thể điều hướng nó, chưa nói là giáo dục nó.
Nếu cứ thử soi xét các cơn sốt hàng tuần trên mạng thì bạn sẽ thấy Le Bon có sự nhạy cảm xuyên thời gian và xuyên quốc gia như nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét