Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Những thứ mà tiền không thể mua được: Giới hạn đạo đức của thị trường

 

Michael J. Sandel* : Giới hạn đạo đức của thị trường

Ngày nay, tiền gần như mua được tất cả mọi thứ. Những việc mua bán này có gì sai trái không? Để trả lời cho những câu hỏi như thế, chúng ta phải đặt ra câu hỏi lớn hơn: Tiền bạc và thị trường đóng vai trò gì trong một xã hội tốt đẹp?

 

Nếu ta bị phạt tù ở Santa Barbara, bang California, nhưng lại không thích điều kiện chuẩn của nhà tù thì ta có thể mua gói nâng cấp buồng giam của mình với giá 90 USD/đêm.
Nếu ta muốn ngăn chặn cái thực trạng bi kịch rằng mỗi năm có hàng ngàn đứa trẻ do các bà mẹ nghiện hút sinh ra thì ta có thể đóng góp vào một quỹ từ thiện dùng cơ chế thị trường để cải thiện vấn đề: đó là tặng 300 USD cho bất kỳ phụ nữ nghiện hút nào tình nguyện đi triệt sản.

Hay nếu ta muốn dự một phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ nhưng lại ngại xếp hàng mấy giờ đồng hồ, ta có thể sử dụng dịch vụ của công ty xếp hàng thuê. Công ty này sẽ thuê những người vô gia cư hay những người cần việc làm để đứng chờ, ngay cả qua đêm nếu cần. Ngay trước khi phiên điều trần diễn ra, khách hàng chỉ việc xuất hiện và lấy chỗ của người đã đứng xếp hàng thay trước đó rồi ngồi vào ghế hàng đầu.

Một số người cho là không; mọi người nên được quyền tự do mua bất cứ thứ gì thiên hạ bán. Một số người khác lại cho rằng có những thứ không nên đem ra đổi chác bằng tiền. Nhưng tại sao lại như vậy? Cụ thể là bán gói nâng cấp phòng giam cho những người có tiền, hay thưởng tiền để triệt sản, hay thuê người xếp hàng thay thì sai ở chỗ nào?

Việc đặt ra và tranh luận câu hỏi như thế này trên các diễn đàn chính trị có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta đã chứng kiến một cuộc cách mạng thầm lặng diễn ra trong suốt ba thập kỷ qua. Thị trường và tư duy thị trường đã vươn tới mọi khía cạnh đời sống mà trước kia do các giá trị phi thị trường quyết định như: đời sống gia đình, quan hệ cá nhân, y tế và giáo dục, bảo vệ môi trường và công lý, an ninh quốc gia và đời sống dân sự.

Chúng ta đã trôi dạt từ chỗ có kinh tế thị trường (market economy) đến chỗ trở thành xã hội thị trường (market society) mà gần như không hề hay biết. Sự khác biệt nằm ở chỗ: kinh tế thị trường là công cụ – một công cụ rất giá trị và hiệu quả – trong tổ chức hoạt động sản xuất; còn xã hội thị trường thì ngược lại là một xã hội mà cái gì cũng đem ra bán được. Xã hội thị trường là một lối sống mà giá trị thị trường len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội và thống trị mọi mặt của đời sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét