Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Hạnh phúc tròn, hạnh phúc khập khiểng trong hôn nhân

 

Hạnh phúc tròn, hạnh phúc khập khiểng trong hôn nhân

 

Ngày nay, niềm tin vào một hạnh phúc TRÒN không còn tồn tại. Có những thứ gọi là hạnh phúc nhưng vẫn có phần méo mó, và ở những điểm méo đó, họ chấp nhận và cảm thấy thoải mái. Bấy giờ, họ sẽ đặt ra quy luật riêng.

 

Lấy ví dụ về một mối quan hệ tình yêu mở (open relationship), hai vợ chồng sẽ có quy tắc riêng là có thể quan hệ với những người thứ ba nhưng không được nảy sinh tình cảm. Họ cho rằng, làm như vậy là để mang lại cảm xúc mới lạ và hâm nóng tình cảm. Thế nhưng, hạnh phúc mà đấng tạo hóa ban tặng cho loài người luôn phải TRÒN. Trong cảm giác yêu phải bao gồm cảm giác an toàn. Nghĩa là khi ở bên người đó, mình không còn cảm giác lo lắng, sợ sệt. Một khi đã đặt ra quy luật hay bất cứ điều kiện gì, có nghĩa là một trong hai người đang lo sợ người kia sẽ vượt qua ranh giới và phá vỡ vỏ bọc hạnh phúc.

Nói cho dễ hiểu hơn, mối quan hệ KHÔNG TRÒN đó sẽ có nhiều sự thiệt thòi. Họ cho rằng nếu cả hai chịu thiệt thòi vì nhau và xem nó là công bằng, họ sẽ đạt được hạnh phúc. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học, đó chính là một dạng hạnh phúc “khập khiễng”.

Có thể nói tỷ lệ ly hôn ngày nay cao hơn ngày trước rất nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là ngày nay chúng ta ít hạnh phúc hơn ngày trước. Trước đây một cặp vợ chồng nhiều mâu thuẫn vẫn sống chung và chịu đựng, cũng bởi do định kiến xã hội. Ngày nay, phụ nữ có sự nghiệp, có chính kiến… đương nhiên quyết định chia tay là khó khăn nhưng động lực thúc đẩy họ chấm dứt mối quan hệ mạnh hơn rất nhiều. Đó là vì rào cản xã hội bây giờ ít hơn ngày xưa. Sự thật là chúng ta không có nhiều kiến thức về tình cảm và không áp dụng được vào cuộc sống.

Theo nghiên cứu ở Hoa Kỳ, tỷ lệ ly hôn là 53%. Trong số 53% cặp ly dị này sẽ có một số tái hôn. Trong số hôn nhân lần hai này sẽ có 66% tiếp tục ly dị, có nghĩa là trong 3 người tái hôn sẽ có 1 người ly dị. Tiếp tục, nếu như họ ly hôn lần hai và tiến tới hôn nhân lần 3, tỷ lệ ly hôn là 75%, tức là trong 4 người tái hôn lần 3, sẽ có 3 người ly dị. Một tỷ lệ khủng khiếp, điều đó chứng minh, người tưởng chừng đã từng sai, có kinh nghiệm sẽ khôn hơn, làm đúng hơn nhưng trên thực tế, sau mỗi lần ly hôn, họ đúc kết ra được một định kiến khác mà họ cho là đúng. Họ đã “khập khiễng” rồi, lại bê luôn cái “khập khiễng” đó vào cuộc hôn nhân sau, nên đã sai lại càng sai tiếp. Bởi vậy, nếu bạn không có kiến thức về hôn nhân thì nên học, nếu có khập khiễng hay tổn thương thì nên chữa lành, để những vết sẹo mới không chồng lên những vết sẹo cũ.

Nhưng làm sao để chữa lành?

Để hàn gắn vết thương tinh thần cần có cả một bộ môn khoa học về chữa lành, về triết lý sống. Chúng ta cần hiểu về cái tâm không phán xét, biết mình là ai, biết tha lỗi cho mình, tha lỗi cho người. Đến lúc đó, chúng ta mới trở thành một người lành lặn cả bên ngoài lẫn bên trong. Khi không được trang bị kiến thức về tình yêu, tình cảm, chúng ta sống cùng những tổn thương và mang theo suốt cuộc đời. Bản chất của hôn nhân không hề có sự hiện diện của đau khổ, có con đường dù rất hẹp nhưng nếu đi đúng đường, chúng ta vẫn có được hạnh phúc thật sự. Và số người hạnh phúc thật sự theo tôi không đến 5%.

Nhưng thực tế, quan niệm về hạnh phúc khác nhau bởi mỗi người có một con đường khác nhau.

Họ có thể có con đường đi khác nhau nhưng cảm giác hạnh phúc là cảm giác hạnh phúc. Ở đây là hạnh phúc đôi lứa, nó chỉ có một. Chúng ta quay về khái niệm hạnh phúc tròn. Tất nhiên, bạn có khái niệm về hạnh phúc riêng, nhưng chỉ khi bạn khái niệm nó với một cái tâm không phán xét. Bởi khi bạn áp đặt thước đo của mình lên hạnh phúc của người khác, bạn sẽ không thể trải nghiệm được cảm giác hạnh phúc thực sự là gì. Chúng ta cần trước tiên giải phóng bản thân ra khỏi những định kiến hay những áp đặt do xã hội, gia đình và chính mình đặt ra. Chỉ khi đó, bạn mới nhận ra hạnh phúc thực sự thật ra rất đơn giản chứ không phức tạp như chúng ta vẫn nghĩ.

Thạc sĩ Tuấn Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét