Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Sức tưởng tượng của đám đông

 

SỨC TƯỞNG TƯỢNG CỦA ĐÁM ĐÔNG

 

Giống như ở tất cả những ai không biết suy nghĩ một cách logic, sức tưởng tượng đặc biệt của đám đông dễ dàng tạo nên sự xúc động cực kỳ sâu sắc. Những hình ảnh hiện lên trong trí óc họ bởi một người nào đó, bởi một sự kiện, bởi một tai nạn xảy ra đều sống động gần như là hiện thực. Đám đông gần như ở trong trạng thái của một người đang ngủ, khả năng suy xét trong phút chốc bi gạt sang một bên, nhường chỗ cho những hình ảnh cực kỳ mạnh mẽ hiện lên trong đầu và sau đó chúng cũng sẽ biến đi rất nhanh một khi sự suy xét có ý định xen trở lại. Đám đông, không có khả năng xem xét và suy nghĩ một cách lô gic, với họ chẳng có gì là không có thể. Ngược lại những cái không có thể nhất thường lại hay lộ ra rõ nhất.

 

Chính vì thế đám đông thường bị những mặt diệu kỳ và huyền thoại của các sự kiện tác động mạnh mẽ nhất. Sự diệu kỳ và huyền thoại quả đúng là những trụ cột của một nền văn hóa. Cái ảo trong lịch sử luôn có vai trò quan trọng hơn là cái thực. Cái không thực luôn có quyền đứng trước cái thực.

Đám đông chỉ có thể suy nghĩ qua hình ảnh và chỉ để các hình ảnh tác động vào mình. Chỉ có những hình ảnh mới làm cho họ khiếp sợ hoặc say đắm và chúng là nguyên nhân của những hành động của họ.
Quyền lực của kẻ chiến thắng và sức mạnh của nhà nước được xây dựng trên trí tưởng tượng của người dân. Nếu ta gây được ấn tượng trong trí tưởng tượng đó, ta có thể lôi kéo cả đám đông đi theo. Tất cả những sự kiện có ý nghĩa trong lịch sử, sự ra đời của đạo Phật, của đạo Thiên chúa, đạo Hồi, các cuộc cải cách, các cuộc cách mạng trong thời đại của chúng ta đều là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của những ấn tượng mạnh vào trí tưởng tượng của đám đông.

Cũng thế, những nguyên thủ quốc gia trong mọi thời đại ở tất cả các nước, là những người chiếm đựợc quyền thống trị tuyệt đối, đều coi trí tưởng tượng của dân chúng là các cột trụ của quyền lực. Không bao giờ họ có ý định cai trị ngược với những trí tưởng tượng đó. “Tôi đã kết thúc cuộc chiến tại Vendeé, bởi vì tôi đã trở thành người công giáo”, Napoleon đã nói như vậy trước hội đồng quốc gia, “tôi chiếm giữ được Ai cập, bởi vì tôi đã trở thành người theo đạo Hồi, và tôi đã chiến thắng những thầy tu người Ý bởi vì tôi ủng hộ sự toàn quyền của giáo hoàng. Khi tôi cai trị người Do thái tôi sẽ cho xây lại đền thờ vua Salomon.” Từ thời Alexander và Cäsar có lẽ chưa có một con người vĩ đại nào lại biết cách gây ấn tượng vào tâm hồn đám đông như Napoleon; mối quan tâm thường xuyên của Napoleon là sự tác động vào tâm hồn đám đông. Ông ta mơ đến nó trong chiến thắng, trong lời nói, trong hành động, và trong tất cả các công việc – ngay cả khi nằm chờ chết ông ta vẫn còn mơ đến điều đó.

Làm thế nào để có tạo nên ấn tượng trong trí tưởng tượng của đám đông? Chúng ta sẽ thấy điều này ngay bây giờ. Trong khi chờ đợi chỉ có thể nói rằng, mục đích này sẽ không bao giờ đạt đến đựơc bằng cách thử tác động vào suy nghĩ và lý trí. Antonius không cần đến những sự hùng biện trừu tượng để kích động nhân dân chống lại những kẻ đã sát hại Cäsar. Ông ta chỉ đọc cho họ nghe di chúc và cho họ xem thi hài của Cäsar.

Tất cả những gì làm kích động trí tưởng tượng của đám đông đều thể hiện ở dạng một hình ảnh cô đọng, rõ nét, không cần có một phương tiện giải thích nào đi kèm và chỉ được một vài sự kiện tuyệt vời hỗ trợ như: một thắng lợi lớn, một điều kỳ lạ lớn, môt tội ác lớn, một niềm hy vọng lớn.

Chúng làm cho sự vật được tiếp nhận một cách chớp nhoáng và không mảy may cần biết đến nó đã như thế nào. Vậy có thể nói, không phải tự bản thân các sự kiện đã kích thích trí tưởng tượng của dân chúng, mà là hình thức và cung cách của chúng đã xảy ra như thế nào. Chúng phải qua dồn nén – nếu tôi được phép nói như vậy – thành một hình ảnh cô đọng thỏa mãn và nắm bắt được tâm trí. Nghệ thuật kích thích sức tưởng tượng của đám đông cũng chính là nghệ thuật để lãnh đạo họ.

Gustave Le Bon

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét