Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Khoa học về nụ cười

 

Khoa học về nụ cười

 

* Thật, giả nụ cười


Các cơ khác cũng có thể tạo nụ cười, nhưng chỉ có sự phối hợp đặc biệt của cơ gò má và cơ quanh mi mắt mới tạo nên biểu hiện chân thật của cảm xúc vui vẻ. Các nhà tâm lý học gọi đây là "nụ cười Duchenne", theo tên của nhà giải phẫu học người Pháp ở thế kỷ 19 - Guillaume Duchenne, người đầu tiên “giải phẫu” nụ cười qua “đôi môi, khóe mắt”. Trong cuốn sách Mecanisme de la Physionomie Humaine xuất bản năm 1862, Duchenne viết rằng, người ta có thể chủ ý vận động cơ gò má, nhưng chỉ có "cảm xúc ngọt ngào của tâm hồn" mới buộc được cơ quanh mi mắt tham gia. "Tính ì của nó trong việc cười vạch mặt sự giả tạo", Duchenne viết.


Trong nhiều thập kỷ, nghiên cứu của Duchenne bị quên lãng. Mãi đến thập niên 1970, sử dụng hệ thống mã hóa nét mặt được gọi là FACS (Facial Action Coding System), hai nhà tâm lý học Paul Ekman và Wallace Friesen ở Đại học California tại San Francisco xác định chính xác các cơ chi phối 3.000 nét mặt, tái khẳng định sự phân biệt của Duchenne giữa nụ cười thật lòng và các loại nụ cười khác.


Thật ra, não chúng ta phân biệt dễ dàng nụ cười nào là thật lòng, nụ cười nào là “xã giao”, nhờ đối chiếu hình dạng khuôn mặt với “nụ cười chuẩn”, cân nhắc tình huống và lường trước nụ cười. Khi cười đáp lại, não sẽ kích hoạt các vùng thần kinh giống như người cười và chúng ta có thể nhận diện thật, giả.

* Hình chiếu xã hội


Không có gì lạ khi trẻ sơ sinh cũng có thể “diễn cảm”, nở nụ cười “xã giao” với người lạ và dành nụ cười Duchenne thật lòng với mẹ của mình.


Khi trẻ trưởng thành, khuynh hướng cười khác đi theo giới tính. Hai giới đều có khả năng nở nụ cười Duchenne ngang nhau, nhưng nam giới nói họ cười ít hơn phụ nữ và cả hai giới đều nghĩ đó là do giới tính. Các nhà khoa học hành vi cũng tin thế (rằng nữ cười nhiều hơn so với nam). Nói chung điều đó có vẻ đúng.


Sự hiện diện của những người xung quanh cũng ảnh hưởng đến nụ cười của chúng ta. Tất nhiên mọi người cũng thường cười một mình, nhưng nhiều người tin rằng, bối cảnh xã hội tác động đôi môi của chúng ta mạnh hơn. Ngay cả ở cùng mức độ hạnh phúc, người ta cũng mỉm cười nhiều hơn khi tưởng tượng có những người khác xung quanh hơn khi ở một mình.

 

* Đời khác đi khi ta cười


Vào thế kỷ 19, nhà tâm lý học người Mỹ William James cho rằng nét mặt của chúng ta và những thay đổi khác của cơ thể không phải là hệ quả của cảm xúc tình cảm mà là nguyên nhân. Một điều gì đó tích cực xảy ra, bạn mỉm cười, và điều này – chính hành vi cười chứ không phải là sự kiện - làm cho bạn cảm thấy vui. Khoa học hiện đại đã phần nào ủng hộ luận thuyết này - có bằng chứng cho thấy việc mỉm cười có thể cải thiện tâm trạng của bạn.

 

Hãy tưởng tượng đến một buổi tiệc với tâm trạng lo lắng và khuôn mặt nhăn nhó, và điều đó ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến cảm xúc của bạn khi gặp gỡ những người khách khác. Ngược lại, đến dự tiệc với một nụ cười và bạn có khả năng nhìn thấy nét mặt của người khác thông qua lăng kính tích cực. Nếu bạn có thể làm cho những người khách khác ở bữa tiệc mỉm cười, bạn thực sự có thể thay đổi cách họ nhìn thế giới.

STINFO số 10/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét