Diễn văn nhậm chức hiệu trưởng trường đại học Harvard, Drew G. Faust, ngày 12-10-2007. (lược thuật)
Đại học chỉ chịu trách nhiệm với quá khứ và tương lai của dân tộc, chứ không phải chỉ nhắm ở cái mức kết quả thực tiễn trong vòng mươi lăm năm trước mắt. Cái học ở trong đại học là “cái học đúc khuôn cho cả đời người, cái học chuyển đạt gia tài của ngàn năm trước, cái học tạo ra vóc dáng cho tương lai”. Cam kết của đại học là vô thời hạn, thành tựu không tiên đoán được, không đo lường được, nỗ lực làm việc không phải để tăng sức cạnh tranh mà là để “định nghĩa cái gì đã làm chúng ta là người qua bao nhiêu thế kỷ“, cái gì giúp ta “hiểu ta là ai, từ đâu đến, đi về đâu và tại sao”. Đi tìm ý nghĩa như vậy là một hành trình bất tận, luôn luôn đặt lại vấn đề, luôn luôn gặp giải thích mới, không bao giờ bằng lòng với những khám phá đã có, câu trả lời này chỉ gợi lên câu hỏi tiếp theo. Đó là học. Học như vậy trong mọi ngành, “trong khoa học tự nhiên cũng như trong khoa học xã hội, nhân văn, và đó là cốt lõi đại học nhắm đến”.
Đối với tương lai, giáo dục, nghiên cứu, giảng dạy luôn luôn nhắm vào thay đổi, “biến đổi cá nhân khi họ học, biến đổi thế giới khi khám phá của ta thay đổi cái biết của ta về nó, biến đổi xã hội khi hiểu biết của ta được diễn dịch thành chính sách ... Phát triển hiểu biết tức là thay đổi”.
Đại học còn là nơi duy nhất mà triết gia sống chung với nhà khoa học. Bởi vậy, đó là nơi mà “ta đặt những câu hỏi về đạo đức và ý nghĩa, câu hỏi đó giúp ta hiểu tại sao, vì những lý lẽ nhân bản, xã hội hay luân lý gì mà ta phải thay đổi thái độ với thế giới thiên nhiên”.
Cuối cùng, đại học là nơi phụng sự Sự Thật. Nhưng sự thật ngày hôm nay không phải là sự thật bất di bất dịch của lòng tin thượng đế ngày xưa”. Sự Thật là một khao khát, không phải là một sở hữu ... Ta phải cam kết luôn luôn lấy thái độ bất ổn của nghi ngờ, thái độ khiêm tốn của lòng tin rằng còn có nhiều thứ để biết hơn nữa, nhiều thứ để dạy hơn nữa, nhiều thứ để hiểu hơn nữa. Đại học phải thách thức bất cứ ai dám nói rằng họ nắm trong tay những sự thật không chối cãi”.
Từ hồi lập quốc nước Mỹ đã “gắn chặt bản sắc dân tộc vào sức mạnh của giáo dục“.Bản sắc dân tộc của Mỹ là gì? Là một lời hứa khởi thủy: thực hiện dân chủ, tự do”. Giáo dục thực hiện lời hứa đó”. Bởi vậy, đại học Harvard mới tự cho mình như có nhiệm vụ “phụng sự dân tộc”. Cũng như đại học New York tự định nghĩa mình là “đại học tư phục vụ công ích”. Đâu có phải đại học tư là để kiếm tiền?
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét