Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Kinh tế học hành vi, một ngành kết hợp giữa kinh tế và tâm lý học.

Kinh tế học hành vi, một ngành kết hợp giữa kinh tế và tâm lý học.

Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2017 được trao cho TS. Richard Thaler thuộc ĐH Chicago vì những công trình của ông trong ngành kinh tế học hành vi, một ngành kết hợp giữa kinh tế và tâm lý học.

Dù giải thưởng dành cho ông không hoàn toàn bất ngờ, ông đã sớm có tên trong danh sách đề cử, nó vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp hành vi thực tế của con người vào tư duy kinh tế. Nó đánh dấu lần thứ hai một nhà tiên phong trong lĩnh vực kinh tế hành vi, một lĩnh vực đang bùng nổ – dù vài thập kỷ trước còn chưa tồn tại – dành được giải Nobel, người đầu tiên là nhà tâm lý học Daniel Kahneman vào năm 2002.

Vậy Thaler là ai và tại sao những công trình của ông lại quan trọng?

Richard Thaler sinh năm 1945 tại East Orange, New Jersey. Ông theo học tại trường Case Western và ĐH Rochester, nơi ông nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế năm 1974.

Thaler có thể được biết đến nhiều nhất qua cuốn sách nổi tiếng “Nudge,” mà ông cùng viết với GS luật Harvard Cass Sunstein. “Nudge” được xem đã truyền cảm hứng cho cựu thủ tướng Anh David Cameeron trong việc thành lập Nhóm Nội quan Hành vi (Behavioral Insights Team), một nhóm chuyên trách ứng dụng các nguyên lý tâm lý để làm tăng tính hiệu quả của các dịch vụ công.

Cụ thể hơn, VIện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển chọn Thaler vì đóng góp của ông trong ba lĩnh vực: “lý trí hữu hạn” (limited rationality), “cảm xúc xã hội” (social preferences) và “thiếu khả năng tự kiểm soát (lack of self-control).

Những giới hạn trong lý lẽ

Thaler chỉ ra rằng vì con người thường không thể giải quyết nhiều vấn đề kinh tế trong cuộc sống, chúng ta thường sử dụng các nguyên tắc chung đơn giản. Tuy nhiên, những nguyên tắc tối giản đó có thể dẫn đến những lựa chọn kì lạ và đôi khi lại tiêu cực.

KẾ TOÁN TINH THẦN (mental accounting) là một hiện tượng có các lựa chọn kì lạ mà Thaler là người đầu tiên nhận diện. Do các vấn đề tài chính trong cuộc sống chúng ta quá phức tạp, chúng ta thường tự mình phân tiền bạc vào các khoản khác nhau trong tâm trí và chỉ tiêu những khoản tiền có trong từng khoản.

Ví dụ,Thaler mô tả một cặp vợ chồng mới nhận được 300 đô tiền mặt đền bù thiệt hại do hãng hàng không làm thất lạc hành lý của họ. Hai người liền lấy 300 đô đó và chi cho một bữa tối sang trọng. Họ vung tay cho bữa tối chỉ vì trong suy nghĩ, họ xem 300 đô đó là một khoản tiền có được do may mắn. Tuy nhiên, nếu tiền lương cả năm của họ được tăng tổng cộng 300 đô, khả năng cao họ sẽ không chi tiêu nó cho việc ăn uống mà thay vào đó trong tinh thần, sẽ phân khoản tiền trên vào chi tiêu cho việc thuê nhà và các khoản hoá đơn khác.

CẢM XÚC VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Thaler, cùng với đồng tác giả Kahneman và nhà kinh tế học người Canada Jack Knetsch, vào năm 1986 đã chứng minh khách hàng không đồng tình với việc các công ty cố gắng tối đa hoá lợi nhuận trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ, khi có bão tuyết, mọi người thường không đồng ý với việc các cửa hàng sẽ tăng giá xẻng xúc tuyết, ngay cả khi nhu cầu theo tự nhiên thường sẽ tăng khi có tuyết rơi dày.

Thaler cùng các tác giả đã cho thấy khách hàng thường sẽ ‘trừng phạt’ các doanh nghiệp nếu họ tăng giá. Đây là một kết quả bất ngờ do nó cho thấy các doanh nghiệp cố gắng tối đa hoá lợi nhuận ngắn hạn, như nhiều nơi vẫn hay làm, sẽ phải chịu những thiệt hại lâu dài nếu khách hàng cho rằng họ đang hành xử một cách thiếu công bằng.

Đóng góp này vẫn còn hữu dụng đến tận ngày nay khi nó giúp nắm bắt phản ứng của khách hàng khi các công ty thuốc muốn đẩy giá thuốc được cho phép kê đơn cao hơn và với các doanh nghiệp muốn lợi dụng tăng giá sau các trận bão. Thaler chỉ ra rằng cảm xúc, như cảm giác về tính công bằng, đóng vai trò rất quan trọng tuy nhiên hay bị bỏ qua trong lĩnh vực kinh tế.

TRẢ TIỀN ĐỂ TỰ KIỂM SOÁT

Lĩnh vực thứ ba được Viện hàn lâm Thuỵ Điển công nhận là đóng góp của Thaler và nhà kinh tế Hersh Shefrin trong ý tưởng về khả năng tự kiểm soát.

Các nhà kinh tế nhận thấy chúng ta hay chi tiền cho việc tránh đưa ra các lựa chọn tồi tệ hay để tránh vướng vào các kiểu hành vi tiêu cực. Ví dụ, Thaler và Shefrin viết, nhiều người “trả tiền để đến các ‘các khu nghỉ dưỡng dành cho người thừa cân’, các khu nghỉ dưỡng cam kết không phục vụ đồ ăn cho khách hàng”

Chúng ta không chỉ trả tiền để tự kiểm soát mà còn tạo ra những quy định cá nhân nhằm đảm bảo bản thân không đi quá các giới hạn do chính mình đặt ra. Ví dụ, những người hút thuốc thường sẽ mua thuốc lá theo gói thay vì theo cây. Điều này đảm bảo việc hút ít hơn mỗi ngày dù họ phải trả nhiều tiền hơn vị chi trên mỗi điếu thuốc.

Đóng góp của Thaler trong việc tự kiểm soát ngày càng trở nên quan trọng khi internet và dịch vụ giao hàng tức thì ngày càng tạo ra nhiều cách tiếp cận dễ dàng và không phải chờ đợi với các loại sản phẩm ‘cám dỗ’ khác nhau. Việc hiểu cách con người vận hành sẽ đem đến các chính sách công tốt hơn giúp đạt đến cùng một mục tiêu mà không phải tiêu tốn tiền của mọi người.

Link nguồn: https://theconversation.com/economist-who-helped-behavioral-nudges-go-mainstream-wins-nobel-85430

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét