Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

Kỷ sư Lê Tâm tên thật là Nguyễn Hy Hiền


Kỷ sư Lê Tâm* (tên thật là Nguyễn Hy Hiền) sinh năm 1921 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, trong một dòng họ đại nho.

Người xưa từng nói: "Sĩ học hy hiền, hiền hy thánh, thánh hy thiên". Nghĩa là: Kẻ sĩ học tập với niềm mong ước trở thành người hiền; người hiền mong ước trở thành bậc thánh; còn bậc thánh thì mong ước trở nên anh minh, khoan thứ như trời cao cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại chọn đặt tên Hy Hiền cho con trai là nhằm gửi gắm ở anh chút kỳ vọng.

Hy Hiền học xuất sắc, năm 1939 đỗ đầu tú tài toàn Đông Dương. Lúc bấy giờ, Hội Như Tây du học (một tổ chức khuyến học của Nam triều) mỗi năm chỉ cấp một suất học bổng cho học sinh nào xuất sắc nhất trong cả ba kỳ Bắc, Trung, Nam, giúp người ấy có thể sang Pháp học lên đại học. Hy Hiền được nhận suất học bổng duy nhất đó.

Thế là Nguyễn Hy Hiền rời Sài Gòn, lênh đênh mấy tháng trời trên cùng một chuyến tàu thuỷ với Lê Văn Thiêm sang Pháp, hằng ngày hai anh gặp gỡ, chuyện trò. Từ đấy hai người trở thành đôi bạn chí thân. Tháng 9-1939, phát-xít Đức tiến vào Paris. Việc du học từ Đông Dương sang Pháp chấm dứt hẳn nhiều năm.

Sau khi học xong dự bị đại học tại Trường Saint-Louis, Nguyễn Hy Hiền thi đỗ vào Trường Quốc gia Cầu - Đường, một "trường lớn" của nước Pháp. Trước đó mấy năm, Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa) cũng theo học trường này. Căng-tin của trường nằm trong khu Latin, cách Trường Đại học Sư phạm Paris (nơi Lê Văn Thiêm và Trần Đức Thảo học) chỉ vài trăm mét. Hằng ngày, mấy người này và Nguyễn Hy Hiền cùng ăn cơm căng-tin. Tại Paris, hình thành một nhóm trí thức người Việt nhiệt thành hướng về cách mạng.

Năm 1946, Phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Bộ trưởng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, gần Paris. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lãnh đạo, nhưng không trực tiếp tham gia Phái đoàn ta.

Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Hy Hiền tình nguyện giúp việc không lương cho Phái đoàn, bằng cách thu thập tài liệu trong các cơ quan lưu trữ và thư viện ở Pháp, để cung cấp luận cứ cho Phái đoàn ta đấu tranh với phía Pháp.

Theo lời kể của chính KS Nguyễn Hy Hiền về một câu chuyện khá lạ lùng, xẩy ra năm 1946, một câu chuyện mà nếu không kịp thời ghi lại thì sẽ mãi mãi chìm vào quên lãng...
.
"Tháng 6/1946 - lời KS Nguyễn Hy Hiền - anh Phạm Huy Thông, trưởng nhóm Việt kiều ở Pháp đang giúp Phái đoàn ta tại Hội nghị Fontainebleau, nói với tôi:

- Do phía Pháp ngoan cố, Hội nghị đang giẫm chân tại chỗ, khó mà thành công. Nhóm chúng ta chẳng còn việc gì để làm nữa! Cho nên, anh Đồng muốn giao cho anh một nhiệm vụ đặc biệt là tranh thủ thời gian sang Ý học về đê điều. Theo anh ấy, Ý hiện là nước có nhiều kinh nghiệm trị thuỷ sông Pô. Con sông này rất giống sông Hồng bên ta. Kinh nghiệm anh học được sau này sẽ rất có ích cho Chính phủ ta...

Lúc bấy giờ, Ý và Pháp đang "găng nhau" trong vấn đề biên giới. Sự giành giật gần như sắp dẫn tới một cuộc chiến tranh cục bộ, tiếp sau Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc.

- Tôi xin vâng lệnh. Nhưng học trong bao lâu? - Tôi hỏi.

- Ý anh Đồng là vào khoảng bốn, năm tháng - anh Thông trả lời. Bởi vì, đến cuối năm, chắc là Phái đoàn ta phải trở về nước, với một bản Tạm ước không làm cho ta thoả mãn. Lúc đó, anh sẽ phải có mặt tại Paris, để cùng về với Phái đoàn.

- Thế còn chi phí cho chuyến đi? - Tôi lại hỏi.

Anh Phạm Huy Thông đưa cho tôi một chiếc nhẫn vàng nạm kim cương, rồi nói:

- Anh Đồng có nói với anh phụ trách tài chính của Phái đoàn ta, xem xem nếu còn tiền, thì đưa cho anh đủ tiêu. Nhưng, anh ấy bảo hiện rất thiếu tiền mặt, chỉ còn một ít vàng và chiếc nhẫn kim cương này thôi (quyên góp được trong Tuần lễ Vàng ở Hà Nội). Chắc anh biết cách biến chiếc nhẫn thành tiền Ý để chi tiêu; khi nào hết, thì trở về Paris.

Tôi hết sức ngạc nhiên trước hình thức cấp "công vụ phí" của Chính quyền Cách mạng. Nhưng vẫn cầm lấy chiếc nhẫn. Vừa tốt nghiệp kỹ sư cầu - đường, chưa có công ăn việc làm chính thức, ổn định, tôi chỉ mới kiếm được dăm bảy đồng tiền "còm" do kèm cặp vài ba cô, cậu tú tài Tây luyện thi vào đại học. Hơn nữa, tôi lại vừa bị bắt, nhốt vào một nhà tù gần Paris khi đang rải truyền đơn phản đối vụ Tướng Leclerc xua quân đổ bộ lên cảng Sài Gòn. Anh Trần Đức Thảo bị bắt trước tôi hai tuần, cũng vì phản đối cuộc đổ bộ đó. Nhờ những người cộng sản và phái tả ở Pháp đấu tranh quyết liệt, nên sau mấy tháng, anh Thảo và tôi mới được trả lại tự do. "Tự do" rồi, nhưng nghèo xơ nghèo xác!

Trước khi rời Paris, tôi còn được anh Tạ Quang Bửu, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và cũng là thành viên Phái đoàn, căn dặn:

- Nhiệm vụ đặc biệt thứ hai tôi giao cho anh là: Qua bên đó, cố tiếp xúc với các nhóm du kích cũ chống phát-xít, hỏi xem họ có thể để lại cho ta những thứ vũ khí nào mà họ không còn dùng nữa.

Chỉ giao nhiệm vụ thôi. Chứ không đả động tý gì đến chuyện tiền nong để mua vũ khí!

Túi rỗng không, lưu lạc chốn phồn hoa

Đeo chiếc nhẫn vào ngón tay, trong túi còn vài trăm franc tiền riêng dành dụm được, tôi mua vé xe lửa đi thẳng từ Paris sang Rome. Tàu chạy xuyên qua hai cái hầm dài nhất thế giới thời ấy, đào dưới chân dãy núi Alps. Trong chiếc cặp, còn có mấy bức thư của anh Bửu Hội, cũng là thành viên Phái đoàn, giới thiệu tôi với mấy người bạn bác học của anh ấy ở Rome, để họ giúp đưa tôi đến yết kiến Thủ tướng Ý.

Khi tôi đến Rome, thì một người bạn của anh Bửu Hội, một vị giáo sư có tiếng tại Đại học Rome, đèo tôi bằng xe đạp đến Phủ Thủ tướng. Năm 1946, Chiến tranh thế giới vừa kết thúc, đời sống còn khó khăn, việc các giáo sư đạp xe đi làm là chuyện thường.

- Ông đèo tôi nặng lắm, phải không? - Tôi hỏi.
- Có gì mà nặng? Ông nhẹ hơn bà vợ tôi nhiều!

- Thế bà xã nhà ông nặng bao nhiêu ký?
- Chín mươi hai!

Đang chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, nhưng khi nghe nói có người mang thư giới thiệu của Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau tới, ông Thủ tướng Ý liền cho tạm ngừng cuộc họp để bước ra tiền sảnh tiếp tôi. Ông nói vắn tắt: Nước Ý đang tranh chấp biên giới với Pháp, còn Việt Nam thì đang đòi quyền độc lập với Pháp, do đó, Ý và Việt Nam là bạn, đứng cùng chiến tuyến. Ông coi tôi như vị "đặc sứ" đầu tiên của Việt Nam đến Ý.

Ông Thủ tướng Ý hứa sẽ giới thiệu tôi với các nhà chức trách lo việc trị thuỷ sông Pô, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam.

Nhận được lời hứa của Thủ tướng Ý, tôi sung sướng lui ra. Nhưng còn việc ăn, ở sau đó, cho đến khi nào gặp được các nhà trị thuỷ sông Pô thì, chao ôi, tôi phải tự xoay!

Tất cả đều trông cậy vào chiếc nhẫn bé xíu đeo trên ngón tay...".

--------
* Nguyễn Hy Hiền tự đổi tên là Lê Tâm để tránh liên lụy đến mấy trăm con người thuộc dòng họ Nguyễn Hy đang sống trong vùng địch.

 Ảnh : kỷ sư Lê Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét