Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

Cổ nhân nói việc lấy chồng lấy vợ


Cổ nhân từng có câu: “Chọn vợ, không chọn gái ngẩng đầu – Lấy chồng, không lấy trai cúi mặt”. Đây là bài học chọn vợ chọn chồng đáng suy ngẫm không chỉ cho lớp nam thanh nữ tú mà còn cho những ai đã thành gia thất

Lấy chồng, không lấy trai cúi mặt
“Trai cúi mặt” ở đây là chỉ những người đàn ông không tự tin, làm gì cũng sợ hãi nhút nhát, không có chính kiến, thiếu quyết đoán, cũng là để chỉ kiểu người không biết vươn lên, cố gắng.

Người xưa có câu: “Người đàn ông mà không có chí khí thì một việc làm cũng không thành.” Kỳ thực, là đàn ông phải là trụ cột, kiếm kế sinh nhai, nuôi sống và là điểm tựa tinh thần cho mọi người trong gia đình. Trong nhà thì lấy mình làm gương cho con cái hiểu được đạo nghĩa đối nhân xử thế. Ngoài xã hội thì gánh vác việc công, giúp “định quốc, an dân”.

Phụ nữ nếu gả cho người đàn ông yếu đuối, hoặc lười nhác, thiếu trách nhiệm, thì người phụ nữ ấy cũng không bao giờ có được một cuộc sống tốt đẹp. Bởi người phụ nữ ấy sẽ phải một mình gánh vác việc của hai người, trong nhà thì phải gánh vác việc nhà, việc dòng tộc, ngoài xã hội lại phải gồng gánh để nuôi gia đình.
Như vậy dù người phụ nữ ấy không mong muốn, nhưng cũng buộc phải sống trong cảnh “âm thịnh dương suy”. Nữ sử gia đầu tiên của Trung Hoa, Ban Chiêu, bàn về đạo vợ chồng rằng: “Đặc tính âm-dương hai bên là bất đồng, hành vi nam-nữ cũng có sự khác biệt. Dương tính lấy cương cường làm phẩm cách, âm tính lấy ôn nhu làm biểu trưng; nam nhân lấy cường tráng làm cao quý, nữ nhân lấy mềm yếu làm mỹ lệ”.

Chọn vợ, không chọn gái ngẩng đầu
Gái ngẩng đầu” chính là chỉ kiểu phụ nữ không màng đến đạo lý, sống cao ngạo, không biết cách đối nhân xử thế. Những người này trong suy nghĩ hoặc trên hành vi thường có tính cách quá mạnh mẽ, cố chấp, rất khó đạt được tiêu chuẩn dịu dàng, ôn hoà, khiêm nhu lễ phép của người phụ nữ.
Trong gia đình, nếu người vợ mà cao ngạo, thích “chèn ép” chồng thì gia đình sẽ khó mà yên ấm được, khi đó sẽ dẫn tới “âm thịnh dương suy”, “người chồng chưa già đã yếu”, thậm chí nếu không để ý thì cả con cái cũng rất khó thành người.

Thế nên, trong “Kinh Dịch” viết: “Âm tuy hữu mỹ, hàm chi dĩ tòng vương sự, phất cảm thành dã. Địa đạo dã, thê đạo dã, thần đạo dã”. Câu này ý nói: Cái “Âm” mặc dù có đức đẹp nhưng chỉ nên cất giữ không để lộ, nên lấy nó để giúp cho sự nghiệp chung, không dám nhận sự thành công là của mình. Đó là đạo lý của trời, đạo lý của người vợ, cũng là đạo lý của bề tôi trung với vua.
Do đó, người phụ nữ cho dù tài sắc vẹn toàn, gia thế hơn người cũng cần hiểu rõ đạo lý khiêm nhường, chớ kiêu ngạo. Người xưa ví von, nhà có vợ hiền giống như quốc gia có tể tướng tài đức vậy. Người vợ chủ quan việc gia đình, cần dùng đức hạnh mà hành xử, đôi khi còn là lấy nhu khắc cương, có thể ôn nhu mà vẫn bảo toàn tất cả, như “nước chảy chỗ trũng”, không cần cao mà lại có đức sinh dưỡng vạn vật.

Ở thời Tây Chu, Chu Công từng khuyên răn con rằng: “Con phải biết luật Trời rằng bất cứ ai kiêu ngạo tự mãn sẽ mất hết và người khiêm nhường sẽ được lợi. Người ta ai cũng trân trọng đức tính khiêm nhường, không ai coi trọng tính kiêu căng ngạo mạn cả!” Trong 64 quẻ của “Kinh Dịch”, mỗi quẻ đều có điềm hung, điềm cát, duy chỉ có quẻ 15, quẻ Khiêm (khiêm nhường) là không có điều hung, chỉ có điều cát, và là quẻ tốt nhất.

Bởi vậy cổ nhân có câu “Thê hiền phu an”, vợ hiền đức thì chồng mới ít họa.
“Chọn vợ, không chọn gái ngẩng đầu – Lấy chồng, không lấy trai cúi mặt”. Lời răn dạy này bề ngoài là chỉ ra kiểu người không đáng làm tri âm, giúp người ta có thể chọn vợ chọn chồng cho hợp ý. Tuy nhiên hàm ý sâu xa của nó là đạo nghĩa vợ chồng của người xưa: nam phải ra nam, nữ phải ra nữ – nữ phải có sự ôn nhu mềm mỏng của nhi nữ – nam phải có chí khí mạnh mẽ của bậc nam tử trượng phu.


 Theo vanhoavadoisong.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét