Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Cuốn sách “Anti-fragile” của Nassim Taleb*


Cuốn sách “Anti-fragile” như là phần thực dụng cho cuốn “Black Swan” (“Thiên nga đen”).

Đa phần những tình huống “thiên nga đen” mang lại sự hỗn loạn. Với nhiều người, họ bị tổn thương trước những hỗn loạn đó. (Ví dụ: sự sụp đổ của thị trường nhà đất và khủng hoảng tài chính tại Mỹ vào năm 2008). Họ khao khát sự ổn định, họ hạnh phúc và tìm thấy sự an toàn, sự thịnh vượng trong sự ổn định, nơi mà Thiên nga chỉ có màu trắng.

Trong cuốn “Anti-fragile”, Nassim Taleb* cho rằng, cố gắng dự đoán những “thiên nga đen” trước khi chúng xảy ra là không cần thiết và cũng gần như khó thực hiện. Nhưng. Chúng ta có thể chuẩn bị để khi những “thiên nga đen” xuất hiện, ta sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực từ chúng, mà ngược lại hưởng lợi từ chúng.

Vì ta đã trần trụi sẵn trên cuộc đời này rồi, sinh ra trần trụi, chết đi cũng chẳng mang theo được gì. Nếu những nghịch cảnh xảy ra và gây tổn thất về tài sản cho ta, ta cũng chẳng mất gì vì đã trần trụi sẵn rồi. Nếu như trong sự hỗn loạn mà chẳng may ta lại thu lợi triệu bạc. Huraaayy, ăn quả lớn rồi. Vui thôi vui thôi… Với cách nhìn đó thì tất cả đều là thu lời, chẳng có lỗ gì cả..

Ai dà, biết rồi, nhiều bạn sẽ bảo là chẳng thống nhất logic gì trong tư duy cả, mất thì ông không thừa nhận lỗ, ra vẻ triết lý, đến lúc được lợi thì lại tung bay hô hố… thừa nhận bạn đúng, hãy coi đây là một thủ thuật hack cảm xúc để bạn không quá suy sụp khi thất bại và vui vẻ hưởng lời một chút khi thắng lớn (Nếu muốn thống nhất logic thì cũng được thôi, kể cả lúc bạn thắng lớn thì cũng đừng quá đắc ý kiểu vui quá hoá rồ, hãy dùng phép “trầm tư tiêu cực” để mà nghĩ về cuộc đời rồi thấy là mình trần như nhộng và cũng tầm thường như ai thôi…thế thì sẽ bình tĩnh lại được chút.).

 
Ảnh Cuốn sách Anti-fragile và Vaccine cho chiến lược sống nói chung: Để thu lợi với “Thiên nga đen”
 
Vaccine cho chiến lược sống nói chung: Để thu lợi với “Thiên nga đen”
“Tất cả những gì bạn cần làm là có đủ trí tuệ để không làm những điều ngu dốt làm hại bản thân (kiềm chế, loại bỏ một số hành vi) và nhận ra những kết quả có lợi khi chúng xảy ra (mấu chốt là ở chỗ bạn không phải dự báo và đánh giá sự kiện trước khi chúng diễn ra, chỉ phải đánh giá sự kiện sau khi chúng diễn ra).”

Đây là chiến lược Thanh tạ (“Barbell Strategy”) (nhỏ và đều ở giữa thanh tạ, nặng ở hai đầu – cực đoạn). Đại ý của chiến lược này là, trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống ta có thể tiến đánh theo hai mặt trận: Hướng một theo xu hướng phòng thủ, đối với những vấn đề cơ bản ví dụ như: làm chủ cảm xúc, giữ gìn sức khoẻ, ăn uống điều độ, ổn định nhà ở, đủ tiền ăn không chết đói… chỉ cần bình tĩnh đừng phạm những sai lầm ngớ ngẩn là ổn và có thể ổn định những nền tảng này.
Sau khi đã ổn định phòng thủ (không phạm lỗi ngu độn) ta có thể tiến đến mặt trận thứ hai, thử nghiệm điên loạn và rồ dại ở những mảng khác, những khoản đầu tư điên khùng, những dự án dở hơi nhưng bạn thấy hứng thú, – tất cả những thử nghiệm này bạn chuẩn bị tinh thần thất bại và mất tiền, thời gian, và nhiều tài nguyên khác, nhưng là mất ít và có thể chấp nhận được.

Nhưng một khi “thiên nga đen” xuất hiện, những hỗn loạn không ngờ đến trong cuộc sống nổ ra, thì những dự án, những thử nghiệm điên rồ của bạn có thể sẽ thu lợi, thu lợi lớn (lợi có thể đến từ bản thân những thử nghiệm đó, hay đến từ những kĩ năng bạn rèn luyện được sau những lần điên rồ phóng khoáng đó).

Để tóm gọn lại về chiến lược này, xin trích lời của Ramit Sethi (tác giả “Tôi sẽ dạy bạn làm giàu” – “I will teach you to be rich”) về chiến lược sống của anh trong một lần phỏng vấn:
” Vấn đề là ở chỗ bạn cần phải ổn định những vấn đề lớn trong cuộc sống của bạn để bạn có thể cực kỳ cuồng loạn trong những vấn đề khác. Tôi muốn ổn định về chỗ ở, xe hơi đi lại để tôi có thể điên cuồng thử nghiệm với website của tôi [mà nếu thành công anh ta có thể kiếm thêm trăm ngàn, thậm chí triệu đô la – *lời người viết].”

Vaccine cho sự nghiệp: Cẩn thận với sự “ổn định” giả tạo trong sự nghiệp
Có những người cho rằng mình có một nghề nghiệp ổn định an toàn, ví dụ như làm trong một tập đoàn tài chính, kiểm toán, hay làm công chức nhà nước. Taleb cho rằng rất có thể sự ổn định của họ là một sự ổn định giả tạo bởi vì một khi những “thiên nga đen” xuất hiện (dù xác xuất cực thấp), những sự kiện hỗn loạn bất ngờ này sẽ làm cho họ mất tất cả.

Ngược lại có những người có một sự nghiệp tưởng như là lông bông, bấp bênh, làm đủ mọi việc để kiếm sống, hay là nghề nghiệp đòi hỏi phải thay đổi liên tục với nhiều mảng kỹ năng và thị trường khác nhau hoàn toàn. Những người này sẽ là những người sống sót. Những người này sẽ là những người có khả năng hưởng lợi cực lớn một khi “thiên nga đen” xuất hiện (dù xác xuất là cực thấp).

Vì vậy, kể cả bạn đang có một sự nghiệp ổn định cũng đừng quá an nhàn ru ngủ bản thân. Hãy tự tạo ra những hỗn loạn nhỏ, nhảy vào những lĩnh vực mới và khác trong thời gian rảnh, để lại thấy mình bỡ ngỡ và non nớt, đi lên và học thêm một kĩ năng mới, rồi lại cứ thế tiếp tục bỡ ngỡ và non nớt. Như thế bạn sẽ không hoảng hốt khi “thiên nga đen” xuất hiện và cướp đi miếng ăn ổn định của bạn.

Và với những bạn đang lông bông làm tự do (freelance), hết khách này đến khách khác, hết dự án này đến dự án khác, chỉ là lính đánh thuê mà không có nấc thang thăng tiến gì, cũng đừng buồn, tính anti-fragile – khả năng kháng thương trước nghịch cảnh của bạn đang tăng dần từng ngày đó. Hãy cầu cho Thiên Nga Đen ngoi lên đi!

Một vài thủ thuật hack nhỏ khác bạn có thể áp dụng
Nguyên tắc “Bù đắp quá độ” (Overcompensation) về khả năng hoạt động của thể chất và tinh thần con người:

* Muốn phát triển cơ bắp trong việc tập tạ, đừng mất thời gian đẩy lên đẩy xuống những tạ vừa sức bạn.
Hãy dành một chút ít thời gian (10-15 phút, 2-3 lần trong 1 tuần), nâng một quả tạ mà gần như là quá sức bạn, nhưng bạn cố nâng và nâng cho bằng được. Nâng xong cảm giác như chết đi sống lại, và nghỉ luôn. Tuần làm 2-3 lần thôi.
Theo trải nghiệm thực chứng của Taleb thì đây là một cách hiệu quả về thời gian tập luyện, lợi dụng khả năng “bù đắp quá độ”: cơ thể sau khi bị đẩy đến ngưỡng giới hạn sẽ bị tổn thương, sẽ dần dần học cách bù đắp tổn thương và nâng ngưỡng chịu đựng lên cao hơn tổn thương nhận phải trước đó.

* Làm khó dễ bản thân trong việc học.
Trong một thí nghiệm (người viết chưa kiểm chứng nguồn nghiên cứu mà chỉ nghe trong một video của Tom Peter): Khi cho một người 1 danh sách từ gồm 10 cụm từ hoàn chỉnh, sau một thời gian hỏi anh ta chỉ nhớ tầm 3-4 từ, nhưng nếu vẫn cho cùng 1 người 1 danh sách từ khác với những cụm từ không hoàn chỉnh (thay vì viết “boys and girls” ta viết “b ys nd g rls”) thì họ lại nhớ ra được 10/10.
Khi não bộ bị ép phải chú ý và tập trung thì sẽ làm việc hiệu quả hơn.

* Khi có một nhiệm vụ cần hoàn thành gấp trong một cơ quan, đừng giao cho người rảnh rỗi ngồi chơi điện tử, hãy giao cho cái anh bận nhất (hoặc bận nhì) trong văn phòng đó.
Những người đang bận rộn sẽ có khả năng hoạt động hiệu quả và sung hơn những người đang lười biếng ngồi phởn.

* Nassim Taleb là tác giả của cuốn sách “Anti-fragile”

Theo goldennguyen.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét