Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Hiệu ứng Dunning-Kruger


Hiệu ứng Dunning-Kruger: Người ngu quá ngu để nhận ra là mình ngu



Máy đo mức độ ngu ngốc - Nhét $100 để bắt đầu

Không phải quá khó để chúng ta có thể gặp những người tự đánh giá cao năng lực của bản thân. Đặc biệt là với sự phổ biến của internet, diễn đàn và mạng xã hội, mọi người có thể thoải mái bày tỏ ý kiến của mình, thể hiện quan điểm cá nhân và sự hiểu biết của mình cho cả thế giới biết. Do đó, nhiều người tự cho mình là tài năng trong khi không biết được năng lực thực sự của mình.

Chính điều đó đặt ra một câu hỏi cho các nhà tâm lý học, liệu rằng những người không thông minh có thể tự nhận thức được điều đó? Đó là một dạng tâm lý tồn tại trong nhiều cá nhân, được các nhà khoa học gọi là hiệu ứng Dunning - Kruger. Đây là tên hai thầy trò giáo sư tâm lý học David Dunning và Justin Kruger, những người đã đưa ra báo cáo chính thức về hiệu ứng tâm lý này vào năm 1999.

Theo đó, định nghĩa về hiệu ứng này như sau: "Hiệu ứng Dunning - Kruger là một sự lệch lạc nhận thức trong đó những người kỹ năng kém đưa ra những quyết định tồi và những kết luận sai lầm, nhưng việc thiếu năng lực lại ngăn cản nhận thức về chính những sai lầm đó."

Dunning và Kruger đã tiến hành nhiều thử nghiệm liên quan đến sự tự nhận thức, trong đó có sự tự nhận thức logic, diễn đạt và tính hài hước. Họ phát hiện ra có sự chênh lệch thú vị đối với một số nhóm người khác nhau.

Trong bài thử nghiệm tự đánh giá chỉ số IQ, kết quả cho thấy nhưng người có chỉ số IQ dưới trung bình tự đánh giá điểm số của họ cao hơn thực tế, trong khi đó những người có chỉ số IQ trên trung bình tự đánh giá điểm số của mình thấp hơn thực tế.

Theo Dunning - Kruger thì nguyên nhân gây ra hiệu ứng tâm lý này là vì chúng ta thiếu kinh nghiệm và chưa từng trải qua những công việc đó để đánh giá, nên dẫn đến nhận định sai lầm. Ví dụ như việc lần đầu tiên bạn nấu một món ăn đơn giản, bạn nghĩ rằng điều đó không quá khó và mình có thể làm tốt và tốt hơn nhiều người khác.

Nhưng khi bắt tay vào làm thì kết quả thực sự tồi tệ, việc đánh giá sai năng lực của bản thân trong một công việc liên quan rất nhiều đến kinh nghiệm và sự từng trải trong các công việc đó. Cũng chính vì vậy mà những người nằm trong đối tượng này đa số là người trẻ tuổi.

Bên cạnh kinh nghiệm thì thiếu kiến thức cũng là nguyên nhân gây ra hiệu ứng Dunning - Kruger. Kiến thức hạn hẹp khiến cho khả năng nhận thức kém hơn, họ cho rằng mình biết một số kiến thức cơ bản là đã đủ để thành chuyên gia, mà không biết rằng còn có những kiến thức cao hơn nữa mà người khác đã biết.

Vậy để không rơi vào tình trạng này, điều đầu tiên cần đó chính là tránh xa khỏi cái bẫy tâm lý. Bạn nghĩ rằng mình đủ thông minh để không rơi vào hiệu ứng Dunning - Kruger, bạn đã nhầm và suy nghĩ ấy lại chính là hiệu ứng Dunning - Kruger. Bạn nghĩ bạn đủ thông minh để biết lúc nào mình ngu ngốc, thực chất là bạn đang tự đánh giá bản thân mình theo hiệu ứng Dunning - Kruger.

Do đó, hãy luôn tham khảo ý kiến của mọi người xung quanh. Sự đánh giá của người khác không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nó khách quan và từ nhiều ý kiến sẽ giúp bạn có kết quả với xác suất chính xác cao hơn.

Bên cạnh đó, tự nâng cao nhận thức của mình bằng kiến thức và kinh nghiệm. Hãy luôn nghĩ rằng bạn là kẻ không biết gì, để luôn luôn phải tiếp tục học tập những điều mới mẻ. Và tất nhiên nếu sai lầm, hãy chấp nhận điều đó vì chúng ta còn trẻ. Nhớ rằng để tránh khỏi hiệu ứng Dunning - Kruger bạn cần có kiến thức và cả kinh nghiệm.

Stevs Jobs đã từng nói: "Stay hungry. Stay foolish" (Hãy cứ khao khát. Hãy cứ dại khờ).

TVD GenK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét