Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Kỷ sư Lê Tâm hào hứng với ECONOMETRIE


Xin kể về một môn học mà thời đó chúng tôi ai cũng thích, đó là Econometrie – “Kinh tế lượng” như sau này người ta dịch ra. Tuy là trường Cầu Đường nhưng đội ngũ giảng viên về môn này của trường chúng tôi khá nổi tiếng so với Paris nói chung, có mấy vị giáo sư là “học trò của học trò của Roy” – Roy ở đây là tên thánh của Adam Smith thì phải (?!), “tổ sư” của kinh tế chính trị mà môn khoa học này liên quan rất mật thiết. Đến những năm 30 Econometrie mới manh nha trở thành một môn học riêng biệt, và chúng tôi là những lớp đầu tiên được thừa hưởng thành quả của môn học mới này. Xin bàn vài lời về môn học này, mà sau này các khoa kinh tế có lẽ nghiên cứu sâu hơn, nhưng tôi muốn mô tả cái “hồn” của môn học thú vị này mà chúng tôi được truyền thụ cho thời đó:

Econometrie hiểu nôm na là “đo đếm được kinh tế”- chính vì sự “đo đếm” được này mà phải nói rằng ở châu Âu thời đó rất nhiều chính phủ nửa muốn cấm môn học này, nửa lại muốn khuyến khích nó phát triển. Nó khá “đáng ngại” cho cả các nước theo khối quốc tế cộng sản, cả các nước tư bản phát triển, cả những nước bị thuộc địa! Môn này có từ thời Marx, nhưng phải sang đầu thế kỷ 20 nó mới phát triển mạnh, các công cụ toán học, thống kê, mô hình... mới được áp dụng nhiều! Marx khi đứng tuổi cũng bắt đầu quan tâm tới kinh tế lượng, nhưng có vẻ đã muộn rồi, ông đã viết xong “Tư bản luận”. Lenin viết rất nhiều sách về đủ các chủ đề, từ đấu tranh giai cấp cho đến kinh tế, chính trị... nhưng trong tác phẩm của ông rất ít các con số - rõ ràng ông không rành và điều kiện chưa cho phép econometrie phát triển thời thế chiến lần thứ nhất.
Nhưng sau đó là thời bùng nổ của econometrie – người ta nhờ nó mà hiểu kỹ về giai cấp, tài sản, nhà băng, cổ phần, GDP... và có thể đánh giá được hết về từng cá nhân, doanh nghiệp, xã hội!

Nếu cứ “đo đếm” thì rõ ràng qua các con số và công cụ toán học người ta tính được nước Pháp bóc lột các thuộc địa về kinh tế ở mức độ nào, hay công nhân ở một nhà máy của Pháp, của Đức có thể tính ra giới chủ đang kiếm lời thông qua việc họ làm thuê ở mức bao nhiêu. Giới chủ lại càng cần biết econometrie để tính toán được mức độ lời lãi đến đâu là hợp lý mà không đẩy công nhân đến đường cùng. Còn giới thợ thuyền nếu được biết econometrie sẽ hiểu một điều cực kỳ “nguy hại”: muốn xóa bỏ nghèo đói chỉ có thể bằng cách mạng – Pháp hay Đức rất ngại rằng econometrie sẽ dẫn họ đến với chủ nghĩa Marx! Thế nên sức hấp dẫn của môn học này càng tăng! Vì nó đang trong quá trình hình thành nên chúng tôi càng thích học, nhưng học thế nào rất tùy thuộc vào ông thầy! Có những ông thầy giảng ngược hẳn ý của nhau, có những kết luận nhiều khi đối lập (cũng là dễ hiểu thôi, tùy thuộc vào số liệu đầu vào...). Tất cả chúng tôi đều hiểu một điều: phải giỏi econometrie thì sau này về làm gì cũng sẽ cần đến nó, mặc dù nó chỉ là môn học không theo chuyên ngành.
Trần Đức Thảo hay qua trường chúng tôi, về triết học thì không thể tranh cãi được với anh nhưng về econometrie thì chúng tôi sẵn sàng – vì bản chất nó vẫn là toán thôi. Quan tâm đến econometrie nên triết gia Thảo khá biết về đời sống công nhân, nhất là thợ thuyền Việt ở Pháp chứ không chỉ hàn lâm không đâu... (Môn này đòi hỏi dùng nhiều đến toán, nên được dạy kỹ nhất ở những trường như Bách khoa Paris hay Hành chính công...) Theo cá nhân tôi thì dù kinh tế học ngày nay phát triển đến đâu chăng nữa thì ở nước ta những vị trí chủ chốt như chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh, ban giám đốc tổng công ty nhà nước hay tập đoàn bắt buộc phải học rất kỹ, phải thi kiểm tra rất kỹ về kinh tế lượng, nếu không sẽ chẳng thể làm nổi chức vụ của mình và không thể có tiếng nói chung đối với thế giới!

  
Trích Hồi ký của Lê Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét