Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Khi ngày lịch sử 30/4 đến

 

KHI NGÀY LỊCH SỬ 30/4 ĐẾN

Hàng năm cứ đến ngày 30/4, lại có thêm những “khái niệm” mới về sự kiện lịch sử ấy. Lần này chẳng hạn, có nhiều cách để gọi một ngày vui, có nhiều cách để hiểu một chiến thắng, do vậy cũng cần hiểu thêm về nền thống nhất Việt Nam.

 

Ngày 30/4 là ngày…

 

Vào bảo tàng sẽ thấy: Tờ lịch để bàn của tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 ghi sự kiện “Giải phóng Sài Gòn - 11:30”; còn tờ lịch treo tường của bà Nguyễn Thị Tính - người dân Sài Gòn ngày 30/4/1975 ghi thêm chữ “Ngày giải phóng”.

 

Các cựu chiến binh vẫn quen gọi ngày 30/4 là ngày chiến thắng vì họ đã là người tham chiến với kết quả thắng đối phương là kẻ đi xâm lược; lại có anh gọi đó là ngày tái sinh vì đôi ba lần sốt rét giữa rừng sâu, có cả lần qua cơn sốt ác tính, nhưng rồi vẫn theo kịp đồng đội tràn về thành phố trong trận đánh cuối cùng.

 

Mẹ hiền ở hậu phương miền Bắc gọi ngày 30/4 là ngày đoàn tụ vì bao hy vọng chờ đợi nay được gặp con từ tiền tuyến miền Nam trở về; lại có người vợ gọi đó là ngày hạnh phúc vì được ôm người chồng bao năm đằng đẵng “xa nhà đi kháng chiến”.

 

Người đi qua sông Hiền Lương ra Bắc gọi ngày 30/4 là ngày thống nhất non sông khi đã chấm dứt cảnh chia cắt hai miền; lại thấy những người trên tàu Thống Nhất về Nam gọi đó là ngày Bắc - Nam sum họp khi nhẩm tính đã 20 năm chuyển quân tập kết.

 

Nhà nghiên cứu gọi ngày 30/4 là ngày đại thắng vì so sánh bao nhiêu cuộc chiến bấy nhiêu thắng lợi vẫn thấy đây là chiến thắng lớn nhất, oanh liệt nhất, có tầm vóc lịch sử lớn lao cả trong và ngoài nước; lại thấy lớp nam thanh nữ tú đang hăm hở trên các công trường, nhà máy, giảng đường kia hay gọi đơn giản đó là ngày hòa bình vì chiến tranh đã chấm dứt…

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét