Hiển thị các bài đăng có nhãn lịch sử. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn lịch sử. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Sử Việt, cái váy đàn bà xứ Bắc

 

SỬ VIỆT, CÁI VÁY ĐÀN BÀ XỨ BẮC

Cái váy của người đàn bà đất Bắc không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng đến khi nhà Minh xâm lăng Việt Nam vào năm 1414, thì ngay sau đó “bọn Hoàng Phúc muốn bắt dân ta đồng hóa với người Tàu, cấm con trai con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái phải mặc áo ngắn quần dài theo kiểu người Tàu, nghĩa là không được mặc váy như trước.

Váy là đồ mặc che nửa thân người phía dưới của người đàn bà xứ Bắc ngày xưa. đúng như người bình dân của ta đã mô tả trong một câu đố như sau:

Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,

Bên ta thì có, bên Tàu thì không.

Đến năm 1665 đời vua Lê Huyền Tông, nhà vua lại ra sắc dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu mà trở lại mặc váy theo y phục truyền thống của dân tộc. Vậy là, sau 250 năm, người đàn bà xứ Bắc lại mặc váy như trước thời kỳ bị quân Minh xâm lược bắt phải đồng hóa theo kiểu ăn mặc của đàn bà Tàu.

Đó là tình trạng ở đất Bắc tức từ Thanh Hóa trở ra. Tình trạng ở phía nam đèo Ngang tức từ Quảng Bình trở vào lại khác.

“Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Có lẽ từ bấy giờ, người đàn bà Đàng Trong bắt đầu mặc áo gài khuy và mặc quần, mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người đường ngoài nữa.”

Vậy có thể nói, từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trở về sau, phụ nữ Đàng Trong dưới quyền chúa Nguyễn mặc quần dài 2 ống thì người phụ nữ Đàng Ngoài dưới quyền vua Lê chúa Trịnh lại mặc váy.



Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

Mộ trạch làng tiến sĩ

 

MỘ TRẠCH LÀNG TIẾN SĨ

Mộ Trạch là một trong bốn làng của xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương nổi tiếng là đất khoa bảng, được mệnh danh là "Làng tiến sĩ".

Trong số 82 tấm bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám còn lại đến ngày nay thì có tới 18 bia ghi tên 25 vị tiến sĩ làng Mộ Trạch. Còn tại Văn miếu Mao Ðiền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thì có đủ tên của 36 tiến sĩ làng Mộ Trạch.

Làng Mộ Trạch đến năm 1945 dân số mới xấp xỉ một nghìn nhân khẩu. Khoa thi năm Thịnh Ðức thứ tư (1656) cả nước có gần 3.000 sĩ tử về kinh thành dự thi, nhưng chỉ có sáu người đỗ, trong đó có ba người họ Vũ cùng làng Mộ Trạch (Vũ Trác Lạc 20 tuổi, Vũ Ðăng Long 21 tuổi, Vũ Công Lượng 22 tuổi).

Ba năm sau vào khoa thi năm Kỷ Hợi (1659) làng Mộ Trạch lại đậu bốn tiến sĩ. Ðó là Vũ Công Ðạo 23 tuổi, Vũ Bật Hài 24 tuổi, Vũ Cầu Hối 25 tuổi, Lê Công Triều 26 tuổi. Thật là một chuyện hiếm có trong lịch sử.

Tiếng đồn làng Mộ Trạch chiếm hết khoa bảng của thiên hạ đã làm cho các quan trường không khỏi nghi vấn. Gia phả họ Vũ còn ghi một giai thoại: Lại bộ Tả thị lang Nguyễn Văn Phong ngờ rằng người làng Mộ Trạch có tiểu xảo, thần thế gì đó mới có nhiều người đỗ như vậy.

Ba năm sau đến kỳ thi hương, ông xin về Hải Dương làm đề điệu (chủ khảo). Ông cho đào mỗi thí sinh một hố ngồi trong đó làm bài, bên trên mỗi hố đậy một tấm liếp để cách biệt hoàn toàn giữa các thí sinh. Quan giám khảo thì ngự trên chiếc chòi cao để quan sát.

Ông chọn những câu văn hóc hiểm làm đề thi, lại truyền cho hai ban sơ khảo và phúc khảo chỉ được phê chọn những quyển nào chữ viết rõ ràng, không dập xóa, không sửa chữa. Quan trường chấm bài xong tuyển được 30 quyển hợp cách trình quan đề điệu chấm lại. Nguyễn Văn Phong chỉ lựa được sáu quyển, còn thì đánh trượt.

Sau khi xếp thứ bậc rồi khớp phách để yết bảng thì thật bất ngờ, ba người đỗ đầu đều là người làng Mộ Trạch, trong đó có Vũ Văn Hiên 18 tuổi, thi lần đầu đậu ngay giải nguyên; ba người còn lại ở ba xã khác nhau. Từ đó người ta mới tin học trò Mộ Trạch có thực tài, thi cử rất công minh.

Mộ Trạch đúng là lò tiến sĩ. (Theo cuốn "Tiến sĩ nho học Hải Dương").


Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Mối tình hi hữu của lê thánh tông với cô gánh nước ở thuận hóa

 

MỐI TÌNH HI HỮU CỦA LÊ THÁNH TÔNG VỚI CÔ GÁNH NƯỚC Ở THUẬN HÓA

Đầu năm 1470 Lê Thánh Tông chỉ huy đại quân phạt Chiêm, đến đất Thuận Hóa, ông truyền cho dừng lại đóng quân ở xã Hòa Thước để nghỉ ngơi, thao diễn quân sự trước khi bắt đầu cuộc chiến; một hôm đứng trên vọng lâu quân doanh, ông thấy có một cô gái gánh nước đi qua, tuy mặc bộ quần áo nâu lam lũ nhưng vẫn không dấu được khuôn mặt xinh đẹp, thân hình kiều diễm đầy vẻ hấp dẫn ở độ tuổi trăng tròn lộng lẫy.

Bỗng cảm thấy tâm hồn xao động, Lê Thánh Tông cho truyền gọi cô gái vào hỏi chuyện; trước hoàng đế uy nghi và các văn thần tướng võ đông đảo, cờ quạt rực rỡ, gươm giáo sáng lòa nhưng cô gái trẻ không hề e sợ mà vẫn giữ phong thái tự tin, ứng đáp linh hoạt thông minh; thậm chí cô còn ra một câu đối khiến tả hữu quanh vua, trong đó có người từng đỗ khoa bảng cao, không ai đối lại được:

“Gái Hòa Thước gồng nước pha trà, chanh từng chén”.

Nghe xong Lê Thánh Tông rất thích thú, ông không ngờ rằng cô gái trẻ ở chốn quê mùa đó lại có tài văn thơ giỏi đến vậy vì thế càng say mê hơn, vua quyết định đón nàng theo đoàn quân, rồi sau chiến thắng thì ca khúc khải hoàn đưa về Thăng Long làm phi tần, sinh ra được Triệu Vương”. dần dần cô gái ấy được phong đến bậc Qúy phi, một bậc phi tôn quý ở hàng cao cấp trong hậu cung, chỉ xếp sau Hoàng hậu mà thôi.

Dân gian đời sau có câu ca nói về chuyện này như sau:

“Hỡi cô gánh nước bên đàng,

Làm sao cô để mơ màng quân vương”.