GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH CHO TRẺ
Việc xây dựng, giáo dục tính cách cho trẻ trong những giai đoạn đầu đời có ý nghĩa quan trọng, giúp hình thành nền tảng đạo đức sau này.
Các chuyên gia giáo dục của Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng, nhân cách ảnh hưởng đến thành công trong sự nghiệp, quyết định tổng thể thái độ, hành vi trong cuộc sống.
Nhân cách bao gồm sự kết hợp của nhiều đặc điểm: suy nghĩ, thái độ, hành vi, khả năng giao tiếp, trách nhiệm, trung thực, trí tuệ...
Quan tâm
Những đứa trẻ có sự đồng cảm, hiểu biết xã hội thường là những người cộng tác tốt hơn.
Hàng ngày, người lớn có những cuộc trò chuyện, quan tâm cuộc sống của bé. Cha mẹ giao tiếp với con từ những hỏi đơn giản như: "ngày hôm nay của con thế nào?", "điều gì khiến con vui nhất?"... Bên cạnh đó, gia đình có các hoạt động gần gũi với con cái như cùng chơi trò chơi, đọc sách trước khi đi ngủ.
Trung thực
Trong thế giới chúng ta đang sống, chỉ được giáo dục thôi là chưa đủ. Để thành công, mỗi người cần kỹ năng mềm, đức tính tốt bổ sung cho kiến thức. Trong đó, trung thực là một trong những "tài sản" quan trọng mà mỗi người cần sở hữu.
Các bậc cha mẹ dạy những giá trị của trung thực cho trẻ ngay từ nhỏ. Cụ thể, phụ huynh thường xuyên trao đổi về các giá trị của sự trung thực trong xã hội.
Bằng những ví dụ sinh động như: khi phạm sai lầm, trung thực nhận lỗi sẽ nhận sự cảm thông, tha thứ, tình cảm của bạn bè.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên là những tấm gương trung thực cho trẻ.
Tôn trọng
Với trẻ nhỏ, hành vi thể hiện sự tôn trọng không cần quá to tát, đơn giản là biết lắng nghe bạn bè, nói chuyện lễ phép với bố mẹ, thầy cô, người lớn tuổi.
Điều này cũng sẽ xây dựng cho trẻ phẩm chất tôn trọng sự khác biệt của người khác.
Để dạy trẻ tôn trọng người khác, trước tiên bạn cần giữ bình tĩnh, kiểm soát tình hình. Đây cũng là hành động thể hiện bạn đang tôn trọng con. Sau đó, hãy cân nhắc hành vi của con là cố tình hay vô ý, từ đó đưa ra lời bảo ban cụ thể.
Nhiều tình huống trẻ thiếu tôn trọng người khác vì chưa nắm rõ các yêu cầu hoặc chưa được hướng dẫn. Đó là lúc phụ huynh cần dạy bảo con cái nhưng việc giáo dục sẽ không thành công nếu cha mẹ cáu giận, la hét.
Có trách nhiệm
Trách nhiệm là một kỹ năng sống, khác nghĩa vụ. Nghĩa vụ là nấu một bữa cơm, trách nhiệm đồng nghĩa cả nhà sẽ ăn ngon.
Cha mẹ cần dạy con trách nhiệm từ nhỏ bằng cách cách đơn giản như: để bé tự vệ sinh cá nhân, hoàn thành bài tập giáo viên giao...
Có nhiều cách để trẻ hiểu về đức tính này, ví dụ như luôn đúng giờ, tự giác dọn dẹp sau khi sử dụng, có trách nhiệm với cảm xúc, thái độ, hành động của chính mình.
Trẻ tự xây dựng quá trình học tập của bản thân, cảm nhận về thế giới xung quanh mình với những suy nghĩ, quan điểm riêng thông qua việc tìm tòi, khám phá.
Thầy cô tạo điều kiện để các bé học hỏi từ những sai lầm, tự giải quyết vấn đề. Hành trình lớn lên của bé tuân thủ các giá trị cốt lõi phát triển nhân cách.
Các em sẽ là những cá nhân biết quan tâm, chịu trách nhiệm, trung thực, tôn trọng, thông thái. Bên cạnh đó, trẻ hoàn thiện nhân cách qua giao tiếp với thầy cô, bạn bè bằng nhiều cách khác nhau thông qua lời nói, hành động.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét