Thứ Hai, 19 tháng 2, 2024

Nhà thơ Chế Lan Viên nhờ giảng hay lấy được vợ đẹp

 

NHÀ THƠ CHẾ LAN VIÊN NHỜ GIẢNG HAY LẤY ĐƯỢC VỢ ĐẸP

Năm 1934, Chế Lan Viên trọ học ở một ngôi chùa gần sông Thị Nại, thuộc thành Bình Định tại Trường Quốc học Quy Nhơn. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm cũng từ Quảng Ngãi vào học trường này. Tuy học cùng trường nhưng khác lớp, Nguyễn Viết Lãm học trước Chế Lan Viên một năm. Do cả hai đều yêu mến văn chương nên chỉ một lần gặp nhau là trở thành đôi bạn thân thiết ngay.

 

Theo hồi ký của Nguyễn Viết Lãm (Tạp chí Cửa Biển số 57-2001), tại trường cả hai đã tổ chức làm Tạp chí Hoa Sinh, mỗi số dày 60 trang, chép tay ra nhiều bản cho bạn bè đọc. Cũng tại đây là cái nôi hình thành bốn nhà thơ gọi là "Bàn thành tứ hữu". Sau mang tên là "Thái dương văn đoàn" gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan.

Trong 3 năm học ở Quy Nhơn 1934 - 1937, Chế Lan Viên đã làm thơ và xuất bản tập “Điêu tàn”. Những bài thơ đầu trước khi in thành sách, đã in trên Báo Ngày nay, Chế Lan Viên ký tên là Lan Viên, từng được Khải Hưng khen ngợi. Tập “Điêu tàn” ra đời được nhà phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá cao: "như một niềm kinh dị". Nhóm thơ Quy Nhơn thời đó tự hào có Chế Lan Viên, một ngọn cờ mới.

 

Ngày ấy, Chế Lan Viên đẹp trai, khuôn mặt tròn, nước da trắng, mớ tóc xõa trên trán. Sau khi ra trường, Chế Lan Viên ra Đà Nẵng dạy học ở Trường tư thục Chấn Thanh. Từ nơi này Chế Lan Viên gặp một nữ sinh tên là Giáo, cô này rất yêu thơ văn. Hình như cô Giáo đọc thơ Chế Lan Viên in trên Báo Ngày nay, đã muốn làm quen với Chế Lan Viên nên mấy lần cô gửi thư cho Chế Lan Viên. Mến thơ nhưng chưa hẳn yêu người. Giữa hai người vẫn chỉ là tình cảm hâm mộ văn chương.

 

Thế nhưng, có một hôm, Thầy Hoan (tên Chế Lan Viên) bình giảng bài thơ "Bình Định", 1935 của Yến Lan. Bài thơ ấy, nội dung đã hay, nghệ thuật càng hay, nhưng vì thêm một lý do tác giả Yến Lan là bạn thân của thầy Hoan, nên thầy Hoan giảng càng say mê tâm huyết cốt truyền đạt các yếu tố nghệ thuật làm nên bài thơ hay của bạn mình tới học trò. Đặc biệt thầy Hoan giảng đến hai câu thơ:

 

Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc

Em nằm thương xanh biếc của trời buồn…

 

Đúng là tâm trạng của tình yêu, của thiếu nữ đang lớn, được thầy Hoan mở rộng trong bài giảng, khiến cô nữ sinh tên Giáo ở tuổi 17 cũng hút hồn theo câu thơ và theo cả thầy…

Sau một thời gian, cô Giáo đã yêu thầy Hoan nhưng mối tình của họ gặp sự cản trở của gia đình bên cô Giáo vì gia đình cô khá giàu có và thế lực ở Đà Nẵng.

 

Vì yêu, Chế Lan Viên rời khỏi Trường tư thục Chấn Thanh cùng người yêu bí mật lên xe lửa về Nha Trang. Sau đó gia đình cô Giáo có lên Nha Trang tìm con. Nhưng Quách Tấn và Nguyễn Đình đã bố trí nơi ăn chốn ở cho cặp đôi Chế Lan Viên êm thấm.

 

Sau này, gia đình cô Giáo biết Chế Lan Viên là nhà thơ nổi tiếng, nên cha mẹ cô Giáo yên tâm. Một thời gian cặp đôi Hoan - Giáo mới yên tâm trở về Đà Nẵng "Châu về hợp phố". Ít lâu, Chế Lan Viên và cô Giáo sinh con gái đầu lòng, hai người thống nhất đặt tên là "Phan Thị Chấn Thanh" để kỷ niệm mối tình đầy lãng mạn, khởi nguồn từ ngôi trường tư thục có tên Chấn Thanh. Cô Giáo chính là người vợ đầu của nhà thơ Chế Lan Viên.

 

Thầy giảng thơ hay - lấy được người đẹp như Chế Lan Viên là chuyện vui trong làng giáo và làng văn nghệ. Sau này cuộc hôn nhân cô Giáo - thầy Hoan tan vỡ. Chế Lan Viên có những câu thơ rút ruột mà hay:

 

Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa

Nhưng em còn quẩn mỗi câu thơ

Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ...

 

Theo: Lê Hồng Thiện (Văn nghệ Công an Online)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét