Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà văn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà văn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Thư tình nhà văn Victor Hugo gửi Adele Foucher

 

THƯ TÌNH NHÀ VĂN VICTOR HUGO GỬI

ADELE FOUCHER

Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp - Victor Hugo đã viết khá nhiều bức thư tình sướt mướt gửi người phụ nữ ông yêu - Adele Foucher. Dù hai gia đình phản đối nhưng Victor Hugo và Adele Foucher vẫn quyết tâm đến với nhau.

 

Vì tình yêu cách trở, Victor Hugo đã gửi gắm tình yêu nồng nàn của mình qua những bức thư dành cho người yêu dấu. Đây là đoạn trích trong bức thư mà Victor Hugo đã gửi "em yêu" vào năm 1821:

 

“Em thân yêu của anh! Dù lẫn trong đám đông nhưng khi hai tâm hồn đã tìm thấy nhau, sự hòa hợp này sẽ rực cháy, khởi nguồn từ Trái đất và vút bay mãi tận thiên đường. Đó là sự đam mê, là tình yêu đích thực. Tình yêu đó xuất phát từ sâu tận đáy lòng anh, bằng một trái tim chân thành, cùng sự hy sinh cả những điều ngọt ngào nhất.

 

Chính em là người khơi nguồn tình yêu đó trong anh. Tình yêu trong sáng và mãnh liệt của những thiên thần. Anh sẽ nói lại với em một ngàn lần rằng anh rất yêu em, tha thiết yêu em. Nếu em cũng yêu anh, chỉ ít thôi, em cũng sẽ tìm thấy niềm thú vị bởi vì anh sẽ luôn sung sướng khi nói lại mãi những lời này với em”

--------------

 

Adèle Foucher sinh ra ở Paris, là con gái của Pierre Foucher, một người bạn của cha mẹ Victor Hugo. Trong thời gian tán tỉnh của cô, Hugo đã viết khoảng 200 bức thư tình cho Adèle, hầu hết trong số đó đã được xuất bản. Cặp đôi kết hôn theo nghi thức Công giáo vào ngày 12 tháng 10 năm 1822

Adèle chết vì "tắc nghẽn mạch máu não" ở tuổi 64, khi đang ở tại Brussels,

(Nguồn: mtholyoke)



Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Chuyện làng văn - Nhà văn Tô Hoài “cứu” nhà văn Lê Hoài Nam

 

CHUYỆN LÀNG VĂN -  NHÀ VĂN TÔ HOÀI “CỨU” NHÀ VĂN LÊ HOÀI NAM

Trong sáng tác của một số nhà văn, nhà thơ trước đây, do cái nhìn chủ quan nên đã xảy ra mấy trường hợp bị dư luận phê phán; cũng có tác phẩm bị cấp trên phê sai, hoặc một nhóm người lợi dụng điều đó để “đánh” tác giả…. xuất phát từ “thù ghét cá nhân”.

Lại có người hiểu sai ý tưởng nội dung tác phẩm do suy diễn “bé xé ra to”, nâng thành quan điểm lập trường.

Hiện tượng bị “đánh” oan các nhà văn như thế có đến gần chục trường hợp, như bài thơ “Người lính nói về thế hệ mình” của nhà thơ Thanh Thảo in trên Văn nghệ Giải phóng, thời miền Nam chưa giải phóng.

Vì bài thơ này, Thanh Thảo bị cấp trên của ông kiểm điểm, suýt bị kỷ luật, và khai trừ khỏi Đảng.

May thay, bài thơ đó đã đăng cùng một chùm thơ của Thanh Thảo do Chế Lan Viên biên tập đưa in. Từ cơ sở này, Chế Lan Viên đã bảo vệ cho Thanh Thảo “an toàn”. Sau này nhà thơ Thanh Thảo rất biết ơn Chế Lan Viên, người thầy, người anh đã cứu ông thoát tai nạn nghề nghiệp.

Đấy là chuyện nhà thơ cứu nhà thơ. Còn đây là chuyện cũng tương tự, nhưng ở dạng “nhà văn cứu nhà văn”.

Theo nhà văn Lê Hoài Nam kể, năm 1993, ông đương nhiệm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Nam Hà kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn Nhân.

Một hôm tác giả Kim Sa Trung mang đến một bản thảo truyện ngắn mới viết, có tiêu đề “Con đường An Lạc”, nội dung mô tả người ta làm một con đường khá nhiều trở ngại phi lý. Truyện có phần gai góc theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tuy băn khoăn, nhưng nhà văn Lê Hoài Nam vẫn mạnh dạn ký duyệt cho in, không những để động viên tác giả, mà muốn qua truyện này sẽ xới lên một vấn đề văn học ở địa phương này vốn đang trì đọng, tù túng để trở nên sôi động, đánh thức tiềm năng văn học một tỉnh có truyền thống văn hiến đầy tiềm lực đang ngủ vùi

Nào ngờ, sau khi phát hành, số tạp chí Văn Nhân in truyện ngắn đó ngay tức khắc bị một số nhóm người là Hội viên của Hội Văn nghệ Nam Hà, trong đó có cả cán bộ quản lý bên sở Văn hóa, vốn đã không ưa Lê Hoài Nam, và muốn tranh một trong hai chức vụ đương nhiệm của Lê Hoài Nam.

Đây là dịp để họ lật tẩy Lê Hoài Nam và “hạ bệ” ông nên một cán bộ bên Sở Văn hóa đứng ra tổ chức hội nghị để lên tiếng về cuốn sách, lập “hòm phiếu cơ động” để bỏ phiếu lên án truyện ngắn “Con đường An Lạc”! Đồng thời yêu cầu xử lý Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân là Lê Hoài Nam và tác giả Kim Sa Trung.

May thay, trước đó ít ngày, truyện ngắn “Con đường An Lạc” được đăng trên Báo Người Hà Nội, do nhà văn Tô Hoài lúc đó là Tổng biên tập duyệt. Khi vị chủ tọa cuộc họp để bỏ phiếu kỷ luật nhà văn Lê Hoài Nam xin đứng lên phát biểu xong, ông liền rút từ trong cặp của mình giơ thẳng tờ báo Người Hà Nội lên, và đưa qua mắt chủ tọa, và một số người cũng xô lên nhìn tên truyện ngắn đó.

Đến lúc này nhà văn Lê Hoài Nam phát biểu: “Kỷ luật tôi như thế nào là quyền các vị, nhưng trước khi bỏ phiếu quyết định, các vị nên có công văn lên Thành phố Hà Nội kỷ luật Tổng biên tập nhà văn Tô Hoài người duyệt cho đăng truyện ngắn này, thế mới công bằng”.

Sau khi nghe nhà văn Lê Hoài Nam phát biểu, và một số người có mặt, cùng với chủ tọa cuộc họp có vẻ… sốc. Một số người quay sang tranh luận. Về thể loại ở Văn Nhân ghi “Con đường An Lạc” là “truyện ngắn”, Báo Người Hà Nội đăng nguyên văn lại ghi là “truyện vui”.

Cuộc tranh luận thể loại không đâu vào đâu, thấy thế, ông chủ tọa đứng lên kết luận: “Qua đây các đồng chí Lê Hoài Nam và Kim Trung Sa rút kinh nghiệm. Hội nghị gay gắt chẳng qua là liều thuốc đắng làm cho đồng chí mình “dã tật”. Cũng vì thương đồng chí mình mà mới có cuộc họp này, còn sai thì sửa, nên đóng cửa bảo nhau, hôm nay, rút ra kinh nghiệm hữu ích….”.

Nói xong, ông chủ tọa giơ tay ra hiệu cho một vị lên cầm cái hòm phiếu cất đi. Cuộc họp kết thúc.

Vậy là việc vô tình in truyện ngắn “Con đường An Lạc” trên Báo Người Hà Nội, đã cứu hai nhà văn Lê Hoài Nam và Kim Trung Sa thoát hiểm. Công đầu thuộc về nhà văn Tô Hoài.

Giá như…. nhà văn Tô Hoài không ký duyệt cho in truyện ngắn đó… thì hậu quả hai nhà văn Lê Hoài Nam và Kim Trung Sa khó mà thoát khỏi án kỷ luật.

Lại như nếu nhà thơ Chế Lan Viên không duyệt cho in chùm thơ của nhà thơ Thanh Thảo, trong đó có bài thơ “Người lính nói về thế hệ mình” trên tạp chí Tác phẩm mới thì Thanh Thảo cũng khó thoát án kỷ luật.

Theo VNCA

 

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2024

Nhà thơ Chế Lan Viên nhờ giảng hay lấy được vợ đẹp

 

NHÀ THƠ CHẾ LAN VIÊN NHỜ GIẢNG HAY LẤY ĐƯỢC VỢ ĐẸP

Năm 1934, Chế Lan Viên trọ học ở một ngôi chùa gần sông Thị Nại, thuộc thành Bình Định tại Trường Quốc học Quy Nhơn. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm cũng từ Quảng Ngãi vào học trường này. Tuy học cùng trường nhưng khác lớp, Nguyễn Viết Lãm học trước Chế Lan Viên một năm. Do cả hai đều yêu mến văn chương nên chỉ một lần gặp nhau là trở thành đôi bạn thân thiết ngay.

 

Theo hồi ký của Nguyễn Viết Lãm (Tạp chí Cửa Biển số 57-2001), tại trường cả hai đã tổ chức làm Tạp chí Hoa Sinh, mỗi số dày 60 trang, chép tay ra nhiều bản cho bạn bè đọc. Cũng tại đây là cái nôi hình thành bốn nhà thơ gọi là "Bàn thành tứ hữu". Sau mang tên là "Thái dương văn đoàn" gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan.

Trong 3 năm học ở Quy Nhơn 1934 - 1937, Chế Lan Viên đã làm thơ và xuất bản tập “Điêu tàn”. Những bài thơ đầu trước khi in thành sách, đã in trên Báo Ngày nay, Chế Lan Viên ký tên là Lan Viên, từng được Khải Hưng khen ngợi. Tập “Điêu tàn” ra đời được nhà phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá cao: "như một niềm kinh dị". Nhóm thơ Quy Nhơn thời đó tự hào có Chế Lan Viên, một ngọn cờ mới.

 

Ngày ấy, Chế Lan Viên đẹp trai, khuôn mặt tròn, nước da trắng, mớ tóc xõa trên trán. Sau khi ra trường, Chế Lan Viên ra Đà Nẵng dạy học ở Trường tư thục Chấn Thanh. Từ nơi này Chế Lan Viên gặp một nữ sinh tên là Giáo, cô này rất yêu thơ văn. Hình như cô Giáo đọc thơ Chế Lan Viên in trên Báo Ngày nay, đã muốn làm quen với Chế Lan Viên nên mấy lần cô gửi thư cho Chế Lan Viên. Mến thơ nhưng chưa hẳn yêu người. Giữa hai người vẫn chỉ là tình cảm hâm mộ văn chương.

 

Thế nhưng, có một hôm, Thầy Hoan (tên Chế Lan Viên) bình giảng bài thơ "Bình Định", 1935 của Yến Lan. Bài thơ ấy, nội dung đã hay, nghệ thuật càng hay, nhưng vì thêm một lý do tác giả Yến Lan là bạn thân của thầy Hoan, nên thầy Hoan giảng càng say mê tâm huyết cốt truyền đạt các yếu tố nghệ thuật làm nên bài thơ hay của bạn mình tới học trò. Đặc biệt thầy Hoan giảng đến hai câu thơ:

 

Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc

Em nằm thương xanh biếc của trời buồn…

 

Đúng là tâm trạng của tình yêu, của thiếu nữ đang lớn, được thầy Hoan mở rộng trong bài giảng, khiến cô nữ sinh tên Giáo ở tuổi 17 cũng hút hồn theo câu thơ và theo cả thầy…

Sau một thời gian, cô Giáo đã yêu thầy Hoan nhưng mối tình của họ gặp sự cản trở của gia đình bên cô Giáo vì gia đình cô khá giàu có và thế lực ở Đà Nẵng.

 

Vì yêu, Chế Lan Viên rời khỏi Trường tư thục Chấn Thanh cùng người yêu bí mật lên xe lửa về Nha Trang. Sau đó gia đình cô Giáo có lên Nha Trang tìm con. Nhưng Quách Tấn và Nguyễn Đình đã bố trí nơi ăn chốn ở cho cặp đôi Chế Lan Viên êm thấm.

 

Sau này, gia đình cô Giáo biết Chế Lan Viên là nhà thơ nổi tiếng, nên cha mẹ cô Giáo yên tâm. Một thời gian cặp đôi Hoan - Giáo mới yên tâm trở về Đà Nẵng "Châu về hợp phố". Ít lâu, Chế Lan Viên và cô Giáo sinh con gái đầu lòng, hai người thống nhất đặt tên là "Phan Thị Chấn Thanh" để kỷ niệm mối tình đầy lãng mạn, khởi nguồn từ ngôi trường tư thục có tên Chấn Thanh. Cô Giáo chính là người vợ đầu của nhà thơ Chế Lan Viên.

 

Thầy giảng thơ hay - lấy được người đẹp như Chế Lan Viên là chuyện vui trong làng giáo và làng văn nghệ. Sau này cuộc hôn nhân cô Giáo - thầy Hoan tan vỡ. Chế Lan Viên có những câu thơ rút ruột mà hay:

 

Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa

Nhưng em còn quẩn mỗi câu thơ

Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ...

 

Theo: Lê Hồng Thiện (Văn nghệ Công an Online)