Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Marilyn Monroe ngôi sao huyền thoại

 

MARILYN MONROE NGÔI SAO HUYỀN THOẠI

 

Câu chuyện của Marilyn không chỉ lôi cuốn báo chí, độc giả và những người chuyên viết tiểu sử, mà còn thu hút luôn cả các nhà phân tích tâm lý. Theo chuyên gia Marie Magdeleine Lessana, tác giả của một quyển sách nói về quan hệ giữa Marilyn với ngành phân tâm học, độc giả cần có một cách nhìn khác về nhân vật đầy huyền thoại này.

 

‘‘Năm 1955 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Marilyn. Vào năm 29 tuổi, cô đã là một ngôi sao màn bạc, trong sự nghiệp cô đã đóng nhiều bộ phim ăn khách.

Nhưng lúc đó, Marilyn đã lấy một quyết định đầy cản đảm là rời bỏ các hãng phim Hollywood để đến New York tầm sư học đạo.

Mục tiêu của cô là học thêm nghề diễn xuất để trở thành một diễn viên thực thụ, thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của các nhà sản xuất vì cô không còn muốn lâm vào cái cảnh đặt đâu ngồi đó.

 

Động lực nào đã thúc đẩy cô làm điều này? Khi quay bộ phim Gentlemen prefer blondes (Đàn ông chuộng đàn bà tóc vàng hơn), Marilyn ý thức là đã đến lúc cô phải làm chủ cuộc đời và sự nghiệp của mình. Marilyn đóng phim này cùng với nữ diễn viên Jane Russel, nhưng tiền thù lao của cô lại thấp hơn 10 lần so với bạn đồng nghiệp.

 

Đến New York, Marilyn ghi tên vào trường sân khấu Actors Studio, theo học với thầy là ông Lee Strasberg. Nhưng ông thầy lại ra điều kiện tiên quyết là để học phương pháp của ông, các học trò phải qua một khóa phân tích tâm lý, vì để diễn đạt trọn vẹn nội tâm của nhân vật, diễn viên trước hết phải hiểu những cảm xúc của chính mình.

 

Đây là giai đoạn mà tôi rất quan tâm vì có thể nói là từ năm 1955 cho đến những ngày tháng cuối đời tức là vào năm 1962, Marilyn đều gặp một cách đều đặn các nhà phân tâm học, trong đó có nhà phân tích tâm lý Ralph Greenson, có ảnh hưởng rất lớn đối với cô.

 

Quá trình phân tích có cả hai mặt của nó : mặt trái là Marilyn luôn phải trực diện với quá khứ đau thương của mình, khi phải hồi tưởng kỷ niệm tuổi thơ hay những năm tháng bất hạnh trong đời. Mặt phải là Marilyn trở nên sáng suốt về chính mình, cô ý thức đâu là những hành động tự hủy hoại bản thân. Vì thế mà có nhiều ý kiến cho rằng: việc Marilyn bị chứng trầm cảm, đau buồn đến mức phải tự tử là điều không thể tin được’’.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét