Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân

 

“TRAI KHÔN TÌM VỢ CHỢ ĐÔNG, GÁI KHÔN TÌM CHỒNG Ở CHỐN BA QUÂN”,

Câu ca dao đó đã đi vào tâm thức dân tộc ta. “Chốn ba quân” ở đây được hiểu như là quân đội của đất nước, nơi tụ hội những anh hùng hào kiệt làm nhiệm vụ bảo vệ giang sơn, bờ cõi, đích thị là nơi để những cô gái đảm đang tìm ra người để yêu thương và gửi gắm cuộc đời.

Nhưng tại sao “ba quân” lại là từ được dân gian dùng để gọi quân đội? Nguyên do đến từ nguyên tắc “tam tam chế” trong tổ chức quân đội ở các triều đại phong kiến trước đây. Theo đó, quân đội của triều đình trung ương thường chia làm 3 lực lượng: Tả quân, trung quân, hữu quân.

 

Khi quân đội triều đình hành quân đường xa, lại thường đi theo đội hình tiền quân, trung quân và hậu quân.

Như vậy, cả trong tổ chức và trong hành tiến đều theo nguyên tắc “ba quân”. Vì lẽ đó mà “ba quân” trở thành từ dùng để chỉ quân đội. Còn vì sao từ “quân” lại được dùng để chỉ quân đội-lực lượng vũ trang?

 

Theo cách viết chữ Hán thì chữ “quân” được hình thành từ hai chữ là “mịch” và “xa”. “Xa” là xe, tức là cỗ xe chiến, phương tiện chiến đấu chủ lực của quân đội các triều đình thời cổ. “Mịch” có nghĩa là “trùm lên”. Vì thế, “quân” nghĩa gốc là công việc bao trùm lên các cỗ xe chiến, tức là tất cả những việc của quân đội-lực lượng vũ trang.

 

Từ xưa đến nay, dù ở thời nào thì “ba quân” cũng là từ dùng để chỉ một đội quân chính nghĩa và mạnh mẽ, đó là nơi tụ hội những chàng trai ưu tú của đất nước để thực thi nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng: Bảo vệ quê hương, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân. Vì lẽ đó, ở bất kỳ thời nào, chốn “ba quân” vẫn là chốn để các cô gái tìm ra người anh hùng của riêng mình.

 

ST

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét