Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Marketing truyền miệng – Word-of-Mouth Marketing

 

MARKETING TRUYỀN MIỆNGWORD-OF-MOUTH MARKETING

 

Bạn có thể bỏ qua một bài PR sản phẩm trên Facebook của một thương hiệu nhưng lại chú tâm lắng nghe người bạn thân của mình kể về trải nghiệm tuyệt vời khi sử dụng sản phẩm của nhãn hàng đó. Giữa một bên là lời nói của thương hiệu với một bên là lời nói của khách hàng, khách hàng đã chiếm ưu thế.

Đó chính là một ví dụ đơn giản về sức mạnh của marketing truyền miệng

Marketing truyền miệng là hình thức truyền thông không có sự can thiệp của quảng cáo mà thông qua lời nói/truyền miệng của khách hàng. Đó là cách tạo ra và tận dụng mọi cơ hội khi một khách hàng quan tâm đến sản phầm của thương hiệu và diễn giải sự quan tâm đó bằng lời nói cho người khác.

 

Hãy thử nhớ lại những lần thẳng tay chi tiền cho một món đồ skincare chỉ ngay sau khi nghe một người bạn giới thiệu và gửi một tấm ảnh chụp làn da không tì vết của họ. Những chia sẻ gần gũi và chân thực hàng ngày đó cung cấp thông tin hữu ích cho bạn và cũng là kết quả của marketing truyền miệng mà các thương hiệu muốn có hơn bất cứ hình thức quảng cáo truyền thông nào khác. 

 

Một khách hàng hạnh phúc có thể kéo theo một khách hàng hạnh phúc khác tìm hiểu sản phẩm, cho hàng vào giỏ, và thanh toán. 

Do đó, càng nhiều khách hàng hạnh phúc và giới thiệu sản phẩm của bạn với người thân, bạn bè của họ, càng có nhiều cơ hội làm tăng doanh thu và mở rộng tập khách hàng của bạn

 

Một vài con số biết nói minh chứng cho hai lợi ích này: 

Một khảo sát từ ReferralCandy về mức độ tin tưởng của khách hàng đối với các yếu tố truyền miệng, ý kiến trực tuyến (online opinions), và quảng cáo (advertising) đã cho ra kết quả như sau: 

 

  • 92% khách hàng tin vào truyền miệng
  • 70% khách hàng tin vào ý kiến trực tuyến
  • 58% khách hàng tin vào quảng cáo

Con số trên cho thấy phần nào sức mạnh “khủng khiếp” của marketing truyền miệng. Nó có thể khiến một sản phẩm được yêu thích cũng có thể khiến sản phẩm ấy bị “ngó lơ” chỉ với những lời “mách nhỏ” truyền miệng qua lại của khách hàng. 

Thêm một phát hiện từ báo cáo của Statista, 59% nữ giới thuộc gen Z quyết định mua sắm dựa trên những đề xuất từ gia đình và bạn bè. 

4 nguyên tắc marketing truyền miệng.

1. Khác biệt là tất cả

Để nổi bật trong làn sóng thông tin hàng ngày, bạn cần tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ có USP đủ mạnh. Điều này có thể là những tính năng độc đáo, thiết kế sáng tạo hoặc cách bạn phục vụ khách hàng một cách đặc biệt. Sự khác biệt này sẽ khiến người tiêu dùng nhớ đến bạn và dễ dàng nói về bạn với người khác.

 

2. Đơn giản hóa thông điệp

Để truyền miệng thành công, thông điệp cần truyền thông cần phải ngắn gọn, dễ hiểu và dễ nhớ. Nếu người khác không thể hiểu hoặc nhớ thông điệp của bạn, họ sẽ không thể chia sẻ nó. Hãy tạo ra một câu chuyện hoặc thông điệp rõ ràng và dễ hình dung, giúp thông điệp dễ dàng lan truyền mạnh mẽ.

 

3. Sự hài lòng của khách hàng là trên hết

Để khách hàng muốn chia sẻ trải nghiệm tích cực của họ, bạn phải đảm bảo họ thực sự hài lòng với sản phẩm/dịch vụ của bạn. Hãy lắng nghe phản hồi của họ, xem xét và cải thiện chất lượng sản phẩm liên tục nhằm mang đến trải nghiệm tuyệt vời nhất.

 

4. Mục tiêu cuối cùng là lòng tin khách hàng

Mục tiêu của bất cứ doanh nghiệp nào cũng là lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu và sản phẩm của mình. Sản phẩm/dịch vụ cần có những đánh giá tích cực và sự ủng hộ từ khách hàng hiện tại.

Do đó, doanh nghiệp hãy cung cấp thông tin chính xác, đáng tin cậy và hỗ trợ khách hàng khi họ cần sẽ giúp bạn có được lòng tin của họ. Từ đó, khách hàng sẽ tin tưởng và tự nguyện chia sẻ rộng rãi về thương hiệu của bạn đến người tiêu dùng khác.

 

Cũng chính vì sức mạnh to lớn của truyền miệng mà một khi khách hàng có bất cứ điều gì không hài lòng với sản phẩm nó sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tiếp đó. 

 

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét