Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Bói Kiều đầu xuân

 

BÓI KIỀU ĐẦU XUÂN

Bói Kiều trong những ngày đầu năm mới là hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo trong dân gian Việt Nam.  

Truyện Kiều là cuốn sách của cuộc đời, là ghi chép của tâm trạng. 

 

Truyện Kiều gần như bao hàm hết mọi cảnh ngộ của con người trong cuộc đời này, với nhiều mối quan hệ từ trong gia đình (cha con, anh chị em, chồng vợ…), đến ngoài xã hội (vua - tôi, ông bà chủ - kẻ ăn người ở, kẻ mua - người bán, quan lại - người dân…). 

Truyện Kiều cũng hiện diện đủ loại người: giai nhân, tài tử, binh lính, sai nha, thầy tu, khách làng chơi, gái điếm…

 

Hơn thế, mọi cảm xúc của con người đều được Nguyễn Du đặc tả kỹ lưỡng, tinh tế như hạnh phúc, khổ đau, tự hào, nhục nhã, hờn ghen, dối trá, yêu thương, nhung nhớ… 

Có thể nói, đọc Truyện Kiều, ai cũng có thể tìm thấy ở đó cảnh ngộ của mình, tâm trạng của mình, tình cảm của mình. Vì thế, người ta mới nảy sinh “bói Kiều” để xem nhân vật đó trong hoàn cảnh đó đã làm gì, như một cách giải đáp nỗi âu lo, thắc mắc của mình.

 

Nếu như các hình thức bói toán khác thường có người đặt quẻ (bằng tiền hay lễ vật), rồi có thầy bói thông qua một vài tín hiệu (tung đồng xu, coi chân gà, coi chỉ tay, lên đồng, nhập hồn, nhập cốt…) để nói cho người đến bói biết về sự việc đã xảy ra hay sắp xảy ra, thì bói Kiều rất khác. 

 

Việc bói Kiều có khi được thực hiện chỉ một mình, người bói thành tâm xin câu Kiều và tự giải đáp cho mình, hoặc đa phần bói Kiều được thực hiện trong gia đình, người cao tuổi giải đáp cho con cháu trong nhà. Hoặc cùng lắm là trong phạm vi họ hàng, thầy trò hay người dân trong một làng xã nhỏ hẹp…

Và tất nhiên, người giải đáp chẳng bao giờ đòi hỏi lễ vật hay bạc tiền từ người muốn coi bói.

 

Người giải đáp bói Kiều phải là người rất thông làu Truyện Kiều và có kiến thức uyên bác, trải nghiệm xã hội phong phú. Có như thế mới có thể lý giải được chiều sâu ý nghĩa của câu Kiều hoặc ít nhất là phải giải thích được rành rẽ hệ thống ngôn ngữ dày đặc từ Hán Việt và đầy ắp điển tích, điển cố trong Truyện Kiều, điều mà không thầy bói thông thường nào làm được.

 

Hơn nữa, khi bói Kiều, người ta không nhằm để cầu xin một thế lực thần linh nào đó hỗ trợ mình thăng tiến, vượt qua khó khăn và bệnh tật hay làm ăn phát đạt mà bói Kiều là để đi tìm lời giải cho những băn khoăn, những câu hỏi có sẵn trong lòng mình.

 

Một cách tìm điểm tựa cho lòng tin

Bản thân tôi từng trải qua nhiều lần bói Kiều vào mỗi đêm giao thừa và ba tôi chính là người giải Kiều vì ông rất mê Kiều và thuộc cả 3.254 câu thơ trong truyện. Ông thậm chí còn có thể ngâm Kiều rất hay và thuở nhỏ, tôi đã được ông ru ngủ bằng những câu Kiều ấy.

 

Năm tôi sẽ thi đại học, giao thừa ấy tôi xin trúng hai câu: “Thông minh vốn sẵn tính trời/ Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm” (Nguyễn Du miêu tả tài sắc Thúy Kiều ở đầu truyện).

Ba tôi giải rằng tôi vốn được trời cho nhanh nhẹn học đâu biết đấy, giờ chỉ cần “pha nghề thi họa đủ mùi” nghĩa là cố gắng mở rộng kiến thức, đọc thêm sách thì sẽ thi đâu đậu đó. Tôi không biết ba tôi có nói cho tôi yên tâm thi cử hay không nhưng lòng tôi đầy tin tưởng và học hành mê say hơn, tin chắc chiếc vé vào đại học đã có tên mình.

 

Cũng trong cái Tết đó, có một bác gái gần 70 tuổi ở trong xóm đến nhờ ba tôi bói Kiều. Bác xin được câu: “Dùng dằng nửa ở nửa về/ Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần” (Nguyễn Du tả cảnh Thúy Kiều đi tảo mộ, chuẩn bị về thì gặp Kim Trọng). 

Ba tôi hỏi: Có phải bác tính đi đâu xa mà lòng còn chưa quyết được hay không? Bác khai thật là tính chuyển vào Nam ở với con gái vì nhà nó neo người, lại mới sinh con nhưng còn vướng ông chồng nhất định không chịu xa quê.

 

Năm tôi sắp bảo vệ tiến sĩ, đã gần 5 tháng mà người phản biện độc lập chưa gửi lại kết quả nhận xét cho trường, tôi lo lắng vô cùng. Mồng 6 Tết, chúng tôi tụ tập đến chúc Tết thầy tôi và thầy lại mang Truyện Kiều ra cho chúng tôi bói.

 

Anh đồng nghiệp tôi xin được câu: “Đùng đùng gió giục mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay” (Nguyễn Du tả chiếc xe hoa của Mã Giám Sinh rước cô dâu Thúy Kiều như dự báo những chuỗi ngày bão tố trước mắt).

Không ai trong chúng tôi biết là anh hỏi điều gì nhưng thầy tôi giải là “có khi năm nay em sẽ đi nước ngoài”. Anh bạn hết hồn vì đúng là khi bói anh có hỏi về việc xin đi nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài và giữa năm ấy anh đi thật.

 

Còn tôi thì xin được câu: “Dù khi gió kép mưa đơn/ Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì” (Lời Sở Khanh hứa sẽ mang Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh). Thầy không hề biết tôi hỏi về luận án, thầy giải là 

“Thi Gia cứ yên tâm, làm gì cũng sẽ có người hỗ trợ em và mọi việc em mong đều thuận lợi”. Và năm ấy tất cả những thứ tôi mong chờ đều được hanh thông thật.

 

Cho đến bây giờ, dù xa quê hương đã hơn 20 năm, không còn mấy khi về quê ăn Tết để xin ba bói cho một quẻ Kiều nữa nhưng tôi vẫn còn giữ thói quen tìm đến Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du khi lòng có những băn khoăn cần chỉ dẫn, không chỉ vào dịp Tết mà vào bất cứ thời gian nào trong năm.

 

Tôi học cách giải Kiều của ba tôi và thầy tôi, rời xa nghĩa văn bản, rời xa cuộc đời 15 năm lưu lạc và bất trắc của Kiều, tự chọn cho mình cách hiểu đầy niềm tin về những điều lành sẽ tới. 

 

Mới hôm qua đây thôi, trước những lo âu mất ăn mất ngủ về bệnh tình của mẹ cha, tôi lại tìm đến với Kiều và gặp câu thơ sum họp: “Một cây cù mộc, đầy sân quế hòe”.

 

La Mai Thi Gia

Nguồn: Bản tin Đại học quốc gia, số 214-215, Xuân 2024.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét