Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

''Cha mẹ cần tiếp tục trưởng thành theo sự lớn lên của con cái''

 

''CHA MẸ CẦN TIẾP TỤC TRƯỞNG THÀNH THEO SỰ LỚN LÊN CỦA CON CÁI''

Cuộc sống hiện đại khiến cho thời gian dành cho nhau, lắng nghe nhau giữa cha mẹ và con cái trở nên ít dần. Mải mê chạy theo những đam mê cá nhân, vô tình khiến sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo.

Trước nhiều biến động của cuộc sống hiện đại, sự quan tâm của bố mẹ dành cho con cái còn bao gồm cả những lo lắng: Lo lắng sao cho con bắt kịp với bạn bè, lo bảo vệ con khỏi những luồng văn hóa độc hại, những nguy hiểm thường trực luôn hiện hữu quanh con...

Bên cạnh đó, khi cuộc sống ngày càng có nhiều biến đổi theo xu hướng cởi mở, giao lưu nhiều hơn với thế giới bên ngoài, trẻ em được tiếp cận với nhiều cái mới nên cách sống, cách suy nghĩ của trẻ em cũng khác.

Trẻ có ý thức về bản thân nhiều hơn, có ý thức muốn khẳng định mình nhiều hơn so với thế hệ cha mẹ chúng.

Chính vì thế, làm cha mẹ trong cuộc sống hiện đại là phải chịu nhiều áp lực.

Đặc biệt, khi bước vào giai đoạn dậy thì và trưởng thành, giữa cha mẹ và con cái sẽ bắt đầu hình thành khoảng cách. Ở độ tuổi này, con bắt đầu hình thành cái tôi, có suy nghĩ và quan điểm riêng. Tính cách của trẻ cũng sẽ có sự thay đổi và định hình rõ rệt. Khi nhu cầu khẳng định cái tôi của trẻ gặp phải sự can thiệp quá sâu của cha mẹ, các em cảm thấy ngột ngạt trong vòng tay bao bọc ấy.

Ngược lại, nếu cha mẹ thờ ơ không để ý, lơ là không quan tâm thì vô tình đẩy các bạn trẻ vào sự cô đơn, có thể gây nhiều hệ lụy đáng tiếc. Thế cho nên, mức độ quan tâm thế nào, quan tâm bao nhiêu là cả một nghệ thuật.

Cha mẹ thời kỳ hiện đại bắt buộc phải trở thành bố mẹ thông thái, quan sát con, định hướng cho con chứ đừng quan tâm quá sâu vào đời sống của con, bởi chính điều ấy càng tạo ra sự ngăn cách giữa cha mẹ và con cái.

Con sẽ luôn cảm thấy phải đề phòng cha mẹ, thấy việc tâm sự, chia sẻ với cha mẹ không còn dễ dàng.

- Khoảng cách thế hệ bắt nguồn từ việc lấy cách nghĩ, lối sống của thế hệ trước áp đặt cho lối sống, cách nghĩ của thế hệ sau. Ví dụ, theo cách nghĩ của thế hệ trước, bố mẹ luôn có quyền dạy bảo và con cái phải nghe lời, họ tự cho mình quyền quyết định mọi việc thay con hoặc luôn áp đặt, bắt con phải sống theo mong muốn của mình.

Tuy nhiên, thế hệ "Gen Z" hiện nay có điều kiện được hưởng những điều tốt đẹp về mọi mặt của đời sống nên cách nghĩ, cách đánh giá vấn đề, quan điểm sống rất khác so với thế hệ bố mẹ chúng, thế hệ cách chúng hơn 20 năm.

Chính vì thế, việc tiếp thu các luồng văn hóa mới, xu hướng thời trang, kiểu tóc, cách hưởng thụ cuộc sống của chúng sẽ khác với bố mẹ. Và, nếu nhìn theo góc nhìn của bố mẹ, họ sẽ thấy con cái mình ăn mặc dị hợm, nghe những loại nhạc “không giống ai”, sống không biết tiết kiệm...

Đối với họ như thế là hư hỏng, là không ngoan. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng chênh lệch về quan điểm, lối sống, cách nghĩ này trong một thời gian dài thì sẽ tạo một khoảng cách rất lớn giữa hai thế hệ bố mẹ và con cái.

Chúng ta hiểu rằng, khi trở thành bố mẹ, ai cũng có trong mình một bản năng làm bố mẹ, đó là bản năng gắn kết, yêu thương với những đứa con của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh bản năng, các bậc làm cha mẹ cần trang bị thêm cho mình những kiến thức cơ bản để có thể tìm một cách giao tiếp, kết nối phù hợp nhất với con của mình.

Để tăng tính kết nối, cha mẹ hãy là bạn của con, đồng hành cùng con bởi vì khi không phải là một người bạn tốt, con sẽ chẳng chia sẻ và cha mẹ sẽ không có cơ hội hiểu được những gì con nghĩ. Hãy dành thời gian bên con bởi thứ mà trẻ cần không phải chỉ là vật chất đủ đầy, mà còn được ngồi bên cha mẹ, được cha mẹ hỏi han và chia sẻ.

Có nhiều bậc cha mẹ than rằng, họ không thể nào ngồi nói chuyện với con quá 5 phút. Đó không phải do sự khác biệt về tuổi tác hay tư duy, mà do bạn đã không quan tâm đến lời nói của trẻ, hoặc luôn gạt đi mọi ý kiến của trẻ.

Nhiều cha mẹ thường chăm chú xem ti vi hay điện thoại khi trẻ tâm sự khiến chúng cảm thấy không được tôn trọng, dần dà, trẻ không còn hứng thú tâm sự bất cứ chuyện gì với cha mẹ nữa.

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét