Năm1959 tại Unesco giáo sư Trần Văn Khê được bà Maryvonne Kendergi phỏng vấn.
HỒI KÝ TRẦN VĂN KHÊ: - GIỚI THIỆU NHẠC TRUYỀN THỐNG
…
Hai ngày sau tôi qua Tokyo bằng máy bay của Hãng Pan American, tại phi trường đã có Ban tổ chức chờ đón. Tôi chuẩn bị đi theo họ thì một người Nhựt tự xưng là người của Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại đây tới đón tôi. Tôi không biết ông đại sứ này là ai, hỏi ra mới biết đó là ông Bùi Văn Thinh một người bạn cũ.
Vào năm 1945 khi ông làm việc ở một tỉnh miền Tây thì gặp tôi đi cùng đoàn sinh viên xuống lục tỉnh hát lấy tiền mua gạo giúp đồng bào miền Bắc đang bị đói, vợ chồng ông quí tôi từ dạo đó. Nghe tin tôi qua dự hội nghị tại Tokyo, ông cho người bí thơ của ông ra đón.
Viên bí thơ hỏi giấy thông hành của tôi để làm thủ tục nhập cảnh và khai hải quan. Khi thấy tôi sử dụng giấy thông hành “vô quốc tịch” (apatride) thì ông rất bối rối vì đã báo với Công an phi trường tôi là bạn thân của ông đại sứ Việt Nam.
Ông yêu cầu tôi chờ một chút, lát sau ông trở ra cho biết Công an nói rằng tôi vừa là đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế vừa là bạn của đại sứ Việt Nam nên họ vẫn để cho đi qua cửa thượng khách.
Mọi việc đều êm xuôi. Khi ra xe viên bí thơ cẩn thận xin phép tôi cho ông cất lá cờ Việt Nam Cộng hòa gắn phía trước xe ngoại giao đoàn rồi đưa tôi về khách sạn.
Tại hội nghị, trong số 1.400 đại biểu tham dự, chỉ có 50 người được mời vô nghe nhã nhạc trong hoàng cung trong đó có tôi. Đây là một vinh dự cho tôi vì khách được mời gồm toàn những giáo sư kỳ cựu hoạt động gần 20 năm trong lãnh vực nghiên cứu âm nhạc trong khi tôi chỉ mới có 3 năm trong ngành.
Về sau, tôi mới biết sở dĩ mình được mời vì hai điểm: tôi là Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO đại diện cho châu Á và điểm thứ hai là vì Ban tổ chức biết việc tôi được học bổng của Rockefeller Foundation, nghĩa là một trong 3 nhà nghiên cứu được cơ quan này cho là xứng đáng được tài trợ.
Sang Nhựt mà gặp mùa hoa anh đào nở là dịp may hiếm có. Chỉ trong vòng mấy ngày, hoa nở rộ, sau đó tàn rất mau. Lần đầu tiên trong đời tôi được ngắm hoa anh đào nở đẹp rực rỡ khi cùng đi với người bạn mới quen là giáo sư Koizumi Fumio. Ông là người bạn tốt đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu đờn koto.
Đến năm 1995 tôi được giải thưởng quốc tế mang tên ông về nhạc học dân tộc của Nhựt, giải thưởng được đặt ra sau khi ông qua đời.
Tôi cũng thú vị khi được gặp giáo sư Kishibe, người bạn đồng chí hướng quen nhau từ 3 năm này. Dịp này ông Kishibe mời tôi về nhà ăn tối, thưởng thức đặc sản Nhựt Bổn như món cá sống sushi và uống rượu sa kê.
Tại hội nghị tôi cũng gặp lại ông Yuize Shinichi, nhạc sĩ đờn koto mà tôi được gặp lần đầu tiên ở hội nghị của UNESCO tại Paris năm 1958. Lần này ông và phu nhân, nhũ danh Nakashima, nhận dạy tôi đờn koto đồng thời giới thiệu tôi với những người trong trường phái Ikuta, còn bà Kishibe thì giới thiệu tôi với trường phái Yamada.
Đây là hai trường phái lớn của đờn koto, mỗi trường phái có một số nhạc sư nổi tiếng và không liên hệ giao hảo với nhau, một nhạc sinh nhập môn trường phái này không thể học với trường phái kia.
Khi vừa tới Tokyo, tôi viết thơ tự giới thiệu và xin phép đến chào cả hai phái. Tôi đến gặp ông Nakashima, trưởng phái Ikuta trước vì ông lớn tuổi hơn, rồi xin gặp giáo sư Nakanoshima Kinichi, trưởng phái của Yamada sau. Hai bên đều chấp nhận tiếp tôi và sẵn sàng trả lời tất cả những gì tôi muốn tìm hiểu. Đây cũng là một trường hợp hi hữu.
Cả hai phái đều ngỏ ý muốn nghe tôi nói chuyện về đờn tranh và âm nhạc Việt Nam. Tôi trình bày với đại diện hai phái rằng tôi có thể lần lượt tới hai nơi để nói chuyện, nhưng nếu tôi lỡ bỏ sót một vài vấn đề nào đó trong một buổi, có thể bị ngộ nhận là có sự thiên vị, trong khi tôi thật tình quí trọng cả hai bên.
Vì vậy tôi đề nghị chọn một địa điểm trung lập để tổ chức buổi nói chuyện. Một điều bất ngờ là cả hai phái đều chấp nhận.
Chưa khi nào tôi đờn mà trong lòng lo lắng bằng bữa đó. Tôi có cảm giác đây là một cuộc hội ngộ anh hùng trong giới nhạc trên đất Phù Tang. Tôi “đơn đao phó hội” trước các sư tổ, sư bá, sư phụ, sư huynh, sư đệ của hai trường phái đờn koto đến xem đường quyền, đường thương của một võ sĩ Việt Nam.
Tôi thưa cùng các trưởng phái:
- Tôi không phải là người xứng đáng đờn cho quí vị nghe. Trong nước tôi có nhiều nhạc sĩ đờn rất hay nhưng họ không có dịp qua đây, còn tôi biết đờn là do truyền thống gia đình, nhưng lại chuyên về nghiên cứu nên tiếng đờn của tôi chưa đạt được trình độ cao nhứt của đờn tranh. Do đó xin quí vị đừng đánh giá đờn tranh Việt Nam qua tiếng đàn chân phương mộc mạc của tôi.
Tôi đã quan sát thấy đờn koto của Nhựt Bổn sở trường về biểu diễn tay mặt nhưng sử dụng tay trái yếu hơn đờn tranh. Vì vậy trong khi trình bày các thủ pháp, tôi chú trọng đề cập đến điểm mạnh của đờn tranh:
- Theo truyền thống Việt Nam, bàn tay mặt sinh ra âm thanh, bàn tay trái nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh. Bàn tay mặt cho cái xác còn bàn tay trái cho cái hồn. Vì vậy, bàn tay trái đối với chúng tôi vô cùng quan trọng. Quí vị nhấn nửa bậc và một bậc còn chúng tôi có thể nhấn từ nửa bậc, một bậc cho đến hai bậc rưỡi.
Cách nhấn thì rất phong phú và tinh vi, có nhấn - vuốt, nhấn - rung, nhấn - mổ, nhấn mượn hơi. Mổ thì mổ đơn, mổ kép, mổ kiềm dây, phối hợp tất cả để âm thanh trở nên sinh động hơn.
Tôi nói đến đâu minh họa đến đó, những người nghe rất thú vị và hoan nghinh nồng nhiệt. Sau bữa đó, vào cuối tháng 5 năm 1961, Đài truyền hình Nhựt Bổn NHK mời tôi nói chuyện trong chương trình giới thiệu và so sánh đờn tranh với đờn koto. Tôi nói về đờn tranh được ông Koizumi thông dịch ra tiếng Nhựt, khi đối chiếu với đờn koto thì bà nhạc sư Hirai Sumiko minh họa. Băng ghi hình này được giữ tại Phòng lưu trữ băng từ của đài.
Bảy năm sau, năm 1968, Đài NHK của Nhựt Bổn chọn chương trình đó dự thi tại Vienne, kinh đô của nước Áo, trong chương trình “Áp dụng phương pháp thính thị trong giáo dục âm nhạc”.
Đài truyền hình Pháp cũng gởi dự thi một chương trình do nhạc sư Daniel Lesur và tôi thực hiện, trong đó tôi giới thiệu bốn nhạc khí dân tộc gồm đờn kìm, đờn cò, đờn tranh và trống.
Tuy Việt Nam không dự hội nghị này nhưng mọi người vẫn được nghe âm nhạc Việt Nam tới 2 lần qua các đoạn phim của Nhựt Bổn và Pháp. Đó là một niềm vui lớn của tôi trong sứ mạng giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên thế giới.
Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)
Năm1959 tại Unesco giáo sư Trần Văn Khê được bà Maryvonne Kendergi phỏng vấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét