Hiển thị các bài đăng có nhãn ca nhạc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ca nhạc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2025

Endless love: bài song ca hay nhất mọi thời đại

 


ENDLESS LOVE: BÀI SONG CA HAY NHẤT MỌI THỜI ĐẠI

Trong số những bài hát nổi tiếng vào những năm 1980, « Endless Love » có lẽ là giai điệu lãng mạn tha thiết nhất. Nhạc phẩm này là bài hát chủ đề của bộ phim « Endless Love » phát hành năm 1981.

Tuy được phóng tác từ một quyển tiểu thuyết ăn khách, nhưng bộ phim cùng tên lại không thành công. Ngược lại bài này đã nhận được đề cử Oscar, Quả cầu vàng và giành được giải thưởng American Music awards dành cho bài hát hay nhất năm 1982.

« Endless Love » dược ghi âm trong 8 thứ tiếng, kể cả tiếng Hoa, tiếng Tiệp, tiếng Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Phần Lan hay Thụy Điển. Còn trong tiếng Việt, giai điệu này có hai lời khác nhau. Phiên bản đầu tiên do Trung Hành phóng tác dưới tựa đề « Yêu đến nghìn sau » và cùng ghi âm với nữ ca sĩ Thái Thảo. Phiên bản thứ nhì « Mãi mãi bên nhau » của tác giả Nguyễn Hoàng Đô, do hai ca sĩ Thùy Dung và Anh Tuấn trình bày.

Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí Billboard xếp nhạc phẩm « Endless Love » vào hàng đầu của những bài song ca hay nhất mọi thời đại. Tựa như hơi thở bâng khuâng, bóng hình lưu luyến bước chân, người là tình yêu bất tận, cho tim vướng bận hồng trần.

Tuấn Thảo

 


 

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

Đàn Bầu trong đời sống văn hóa Việt

 

ĐÀN BẦU TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VIỆT

Thời nhà Lý, Đàn Bầu được dùng để đệm cho người hát xẩm, làm thanh bồi cho các khúc ca dân dã của nam thanh nữ tú tuổi tâm tình, của người già khắc khổ trong chuyến hành hương cuộc đời gian nan, của trẻ em hồn nhiên với tuổi thơ đầy bươn chải.

Lời ca tiếng nhạc ngân lên như chính khúc tơ lòng, thánh thót nhưng ai oán, thở than, đầy trầm tư cho kiếp dân quê đói nghèo lam lũ - những "Làn thảm" của chèo; "Bèo dạt mây trôi" của quan họ; "Nam ai" xứ Huế...; và vị ngọt ngào của những điệu hát ru, những lời tình tứ ý nhị "Hoa thơm bướm lượn"; lại cả khi vui nhộn yêu đời với "Trống cơm", "Con gà rừng"...

Cuộc sống sinh hoạt của người làng quê xưa, luôn có sự tồn tại của cây đa, giếng nước, sân đình, những bụi tre già, cánh đồng lúa và đâu đó có cả những giọt đàn bầu.

Cây Đàn Bầu xưa tuy ít có mặt trong dàn nhạc Cung Đình, nhưng trong chốn dân gian vẫn là người bạn thân tình của thôn xóm và luôn có mặt trong đời sống thường nhật của người lao động Việt Nam. Đàn Bầu luôn tạo được cho mình sức sống mãnh liệt, phi thường và ngày càng khẳng định vị thế đặc biệt trong đời sống âm nhạc ngày nay cả trong nước cũng như toàn thế giới.

Qua muôn trùng sóng gió lịch sử, Đàn Bầu vẫn tồn tại như một minh chứng cho sự sinh động của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam.

Mặc dù từ thời Lý, Đàn Bầu đã vô cùng phổ biến trong tầng lớp chúng dân nhưng đến năm 1892, Đàn Bầu mới được những người hát xẩm phía Bắc đưa vào xứ Huế để đệm đàn cho một số bộ phận vương quan.

Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, Vua Thành Thái – một trong ba vị vua yêu nước thời Pháp thuộc - đã yêu tiếng đàn Bầu như hơi thở quê hương xứ An Nam, lúc đó Đàn Bầu mới được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt: tranh - tỳ - nhị - nguyệt - bầu, giữ vai trò là nhạc khí không thể thiếu - với chức năng hòa tấu - trong dàn nhạc cổ truyền dân tộc.

Trong đời sống âm nhạc hiện đại ngày nay, Đàn Bầu không chỉ thu mình vẻn vẹn trong những thể loại âm nhạc truyền thống mà còn vươn mình ra hòa nhập với âm nhạc đương đại khi kết hợp cùng với Dàn nhạc Giao hưởng để thể hiện rất thành công các tác phẩm thính phòng hay thậm chí ca khúc nhạc nhẹ trong và ngoài nước như:

Bản Giao hưởng thơ của nhạc sĩ Nguyễn Xinh, Ouverture của nhạc sĩ Trọng Bằng, Sóng nhất nguyên của Nguyễn Thiện Đạo,  hay tác phẩm “Ave Maria” của Fr. Schubert,...

Đàn Bầu Việt Nam đặc sắc chính là do một sáng tạo, một phát hiện, có thể nói ở mức phát kiến của tổ tiên người Việt, ấy là cách gảy đàn tạo ra "âm bồi", thứ âm thanh kỳ lạ và mê hoặc không nhạc cụ nào trên đời hơn được.

Nếu như cao độ của những nốt nhạc phát ra từ đàn Phương Tây như piano hay organ luôn xác định, thì âm thanh Đàn Bầu lại đọng lại giữa những khoảng cao độ đó và biến ảo, để rất gần với giọng nói con người.

Nó là giọng hát của người đã được mượt hóa và ngọt hóa, để ngân lên các cung bậc sâu thẳm và phong phú vô cùng tận của tâm hồn người, nhưng lại ẩn đi phần ngữ nghĩa của lời ca, vì thế càng đa nghĩa và thâm sâu tuyệt đỉnh.

Chính từ ý nghĩa thâm diệu của Đàn Bầu cho nên nó không chỉ đóng vai trò trong âm nhạc mà còn là một hình tượng rất phổ biến trong những áng văn thơ và cảm hứng sáng tác của các thi sĩ, nhạc sĩ – những người nặng lòng với cây đàn tri kỷ này. Những câu thơ tình tứ, nỉ non như:

“Ôi! Đàn bầu quê tôi! Đàn bầu quê tôi!

Nửa bầu mà rót hoài không cạn

Một dây thôi – nói biết bao lời

Cung thương tha thiết chơi vơi

Cung trầm sâu lắng… rạng ngời tình quê.”

                                     (Hoàng Trang)

Cây Đàn Bầu thật tuyệt mỹ, tựa chiếc “thiên cầm” hiên ngang, sừng sững giữa đất trời quê hương, tấu lên khúc nhạc hồn thiêng dân tộc.

Có thể nói, Đàn Bầu như là hiện thân của đất nước và dân tộc Việt Nam. “Giọt đàn bầu” mềm mại, thon thả như hình dáng đất nước; “Thanh âm đàn bầu” da diết, sâu lắng như hành trình bôn ba đầy thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước;

“Âm điệu đàn bầu” như tiếng nói thâm trầm, giàu ngữ điệu của con người Việt Nam chân phương, đằm thắm. Từ một nhạc cụ dân gian cấu trúc đơn sơ, cây Đàn Bầu đã chiếm một vị trí độc tôn trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc và trong tâm hồn mỗi người con Việt.

Đàn Bầu, đó là sự kết tinh thiêng liêng nhất của truyền thống dân tộc Việt Nam, nhân cách dân tộc Việt Nam và linh hồn dân tộc Việt Nam.

Theo: Đặng Quỳnh Anh (hoinhacsi.vn)

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

“Bâng Khuâng” – Quỳnh Giao, một ca khúc vạn người mê

 

“BÂNG KHUÂNG” – QUỲNH GIAO, MỘT CA KHÚC VẠN NGƯỜI MÊ

Ca sĩ Quỳnh Giao có giọng ca soprano, thanh, mỏng và có kỹ thuật cao về đơn ca và hát bè. Danh ca Châu Hà đã từng nói: “tiếng hát Quỳnh Giao vẫn trong, chưa hề vẩn đục, tôi đặt tên cho giọng hát này là giọng hát thủy tinh (crystal)”

Quỳnh Giao có ngón đàn piano khá điêu luyện – tuy không trình tấu solo – và chị có sáng tác năm 1965 một ca khúc tựa đề “Bâng Khuâng” âm điệu cổ điển, một ca khúc được nhiều người yêu thích.

-------

Quỳnh Giao (1946-2014) là một nữ ca sĩ Việt Nam, tên thật là Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, sinh ngày 8 tháng 11 năm 1946 tại làng Vỹ Dạ, Quỳnh Giao sinh ra trong gia đình dòng dõi hoàng tộc ở Huế, là con gái của Minh Trang, nữ danh ca của tân nhạc những năm đầu thập niên 40.

 

Video : https://youtu.be/yKmZpvYu5c4?si=rvluP4WsPM68jT9H

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Các bản tình ca bất hủ của Dalida

 

CÁC BẢN TÌNH CA BẤT HỦ CỦA DALIDA

Hơn ba thập niên sau ngày qua đời, tên tuổi của Dalida vẫn tỏa hào quang sáng ngời, cho dù đã bao năm khuất bóng.

Các bản tình ca gắn liền với tên tuổi của Dalida, ngay từ những năm tháng đầu đời, khi cô vừa mới đến Pháp lập nghiệp. Dòng nhạc lãng mạn trữ tình trở thành dấu ấn của giọng ca có lối luyến láy mượt mà, âm hưởng khác lạ.

Sự nghiệp của Dalida trong giai đoạn đi biểu diễn thường xuyên ở nước ngoài. Đó là thời kỳ Dalida thành công với những bản nhạc phóng tác sang tiếng Tây Ban Nha (Los niños del Pireo, La violetera) tiếng Anh (Born to sing / Mourir sur scène hay He must have been eighteen / Il venait d'avoir 18 ans) ….

Những giai điệu rất ăn khách chẳng hạn như " Love in Portofino" hay " Histoire d'un amour" từng được tác giả Anh Băng đặt thêm lời Việt thành "Chuyện tình yêu".

Tai Pháp, vài năm sau khi Dalida tự kết liễu cuộc đời vào năm 1987, em trai của nữ danh ca là nhà sản xuất Orlando đã cố gắng duy trì di sản do người chị để lại, qua việc phát hành các bài hát của Dalida với lối hoà âm mới, hợp với thị hiếu của giới trẻ hiện thời.

Điều đó có thể giải thích vì sao câu lạc bộ những người hâm mộ Dalida có đến một phần ba là giới trẻ dưới 25 tuổi, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Tên tuổi của Dalida tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhiều dự án ghi âm "mới". Vầng hào quang vẫn sáng ngời thành công, cho dù đã bao năm khuất bóng.

Video https://www.youtube.com/watch?v=CoVM_i0k6gs&t=106s