VÕ TRƯỜNG TOẢN NGƯỜI THẦY KHAI SÁNG ĐẠO HỌC CHO SĨ PHU NAM BỘ
Nam Bộ, vùng đất trù phú với những con người phóng khoáng, chân chất, hiền lành suốt 300 năm qua đã ghi lại biết bao câu chuyện đẹp về đạo đức, văn hóa và nếp sống.
Đất Nam Bộ còn sản sinh cho lịch sử nước Việt rất nhiều danh nhân nổi tiếng làm rạng danh quê nhà. Một trong số đó là tiên sinh Võ Trường Toản, một kẻ sĩ chân chính, người thầy của giới sĩ phu Nam Bộ.
Lương sư hưng quốc – Người kế tục xuất chúng của Khổng Nho
Vùng đất Nam Bộ mới chỉ được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam kể từ thời chúa Nguyễn hồi thế kỷ 18 sau cuộc kinh lược của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và chiến lược “Tàm Thực” (tằm ăn dâu) của Nguyễn Cư Trinh. Đó là một vùng đất mới, thành phần cư dân khá phức tạp, bao gồm lưu dân người Việt, Hoa, dân Chân Lạp bản địa và cả người Chăm Pa.
Vì thế nhu cầu tạo ra một lượng trí thức đủ trình độ để làm quan và quản trị xã hội cũng như định hình văn hóa, hướng lòng dân về một mối là rất cấp thiết. Nếu không thực hiện được điều này thì thực sự rất khó giữ được mảnh đất này lâu dài.
Cũng không lạ khi Võ tiên sinh có thể đào tạo ra nhiều nhân tài đến thế. Đạo học của tiên sinh đã gây ảnh hưởng đến cả một thời đại, tạo ra một phong khí Nho học cho cả miền Nam Bộ vốn chưa thấm nhuần vương hóa của Đại Việt vậy.
Học trò là trụ cột của quốc gia
Học trò chính là phản ánh thành tựu một đời của người thầy. Không có những học trò trở thành Hoàng đế như cụ Trương Văn Hiến, không lưu danh hơn nghìn năm như Đức Khổng Phu Tử nhưng Võ Trường Toản tiên sinh vẫn là người thầy muôn đời đáng kính của vùng đất Nam Bộ.
Nói không ngoa là tất cả những văn tài kiệt xuất nhất đất Nam Bộ thế kỷ 18 đều xuất thân là học trò của ông hoặc chịu ảnh hưởng của ông rất lớn.
Có thể điểm ra nơi đây một số nhân vật như sau:
Ngô Tùng Châu là công thần thờ vua Gia Long thưở còn là chúa, thầy dạy Đông Cung Cảnh, là môn đệ giỏi nhất của Võ Trường Toản tiên sinh. Ông đã tuẫn tiết khi tử thủ thành Bình Định, cầm chân quân Tây Sơn cho chúa Nguyễn đánh chiếm thành công Phú Xuân.
Ngoài ra, học trò xuất sắc của Võ tiên sinh còn có Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Bá Phẩm, Lê Quang Định… Trong đó 3 ông Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Định còn được gọi là “Gia Định tam gia”, cũng chính là 3 quan văn đại thần hết sức đắc lực của vua Gia Long.
Học giả Vương Hồng Sển viết: “Trong nhóm người Minh Hương, có ba ông: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh và Lê Quang Định đều là những bực công thần có công xây dựng cõi Nam, đua nhau nâng cao nền văn hiến Việt và tận tâm giúp chúa Nguyễn thâu lại cơ nghiệp tổ tiên thống nhất giang san”.
Lục tỉnh Nam Kỳ chính là vùng đất khẩn hoang của lưu dân tứ xứ vào lập nghiệp. Cái ăn cái mặc luôn là mối bận tâm hàng đầu của dân chúng thì quả thật nói chuyện Nhân, Lễ, Nghĩa là việc khó vậy.
Ấy vậy mà chỉ trong một thời gian không dài, Võ tiên sinh cùng những học trò của mình, bằng đức độ và tài năng lại có thể khai thông đạo học, giáo hóa dân chúng, chấn hưng văn khí, làm cho miền Nam trở nên đoàn kết, gắn bó với quốc gia, trung nghĩa liều mình khi nước mất nhà tan.
Họ chính là những nông dân chân lấm tay bùn:
Người ta nói nước loạn biết tôi trung, nhà khó biết con hiếu. Một miền đất non trẻ vỏn vẹn chỉ có vài trăm năm lịch sử mà người dân cũng biết sống theo đạo lý Trung Nghĩa, còn nghĩa khí hơn vạn lần những quan binh chịu đầu hàng giặc kia.
Thế mới biết giáo hóa dân chúng là khó đến nhường nào mà cũng biết là công cuộc khai đạo mà Võ tiên sinh làm vất vả, vĩ đại bao nhiêu.
Văn đạo sáng ngời dẫu nước mất nhà tan
Nho giáo sau thời Võ tiên sinh cũng đã bước sang giai đoạn suy tàn, dẫu có hồi quang phản chiếu được một chốc trong thời Minh Mạng. Đất nước bị xâm lăng cũng là một giai đoạn thử lửa cho Nam Bộ, là lúc để các sĩ phu chứng tỏ tài năng và đạo đức của mình.
Những nhà Nho chân chính vốn chịu ảnh hưởng của tiên sinh đã không làm hổ thẹn danh tiếng sĩ phu Nam Bộ.
Họ chính là Nguyễn Đình Chiểu mắt mù nhưng vẫn không hàng giặc, chính là Phan Thanh Giản tự tận cho vẹn lòng trung, chính là Phan Văn Trị dùng thơ văn mà thể hiện khí tiết bản thân… Họ chính là những ngọn lửa sau cùng phản ánh sự ảnh hưởng to lớn của tinh thần của Võ Trường Toản đến hậu thế.
Một đời dạy người, khai phát đạo học cho quốc gia, đào tạo nhân tài cho hậu thế, đến nhắm mắt xuôi tay không lưu lại chút gì cho bản thân, con cái cũng không có. Điều Võ tiên sinh để lại cho đời không phải bạc vàng dinh thự mà là chữ Nhân, chữ Nghĩa cho con dân và sĩ phu miền Nam. Tiên sinh đã dùng cuộc đời của mình để trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống theo cách tốt nhất mà một môn đệ Khổng Nho có thể thực hiện được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét