Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Sự lạc quan và tuổi thọ

 

SỰ LẠC QUAN VÀ TUỔI THỌ

 

Theo khảo sát của Hiệp hội Lão khoa Trung Quốc, trong những nhân tố ảnh hưởng tới tuổi thọ của người trăm tuổi, gen di truyền chiếm 15%, yếu tố xã hội chiếm 10%, điều kiện y tế chiếm 8%, điều kiện khí hậu chiếm 7%, và 60% còn lại phụ thuộc vào chính bản thân những người cao tuổi.

 

Một trong những nhân tố hàng đầu chính là tâm thái.

Theo kết quả của nghiên cứu hơn 720 cụ già ở Thành Đô, có tới 89,17% các cụ là người theo chủ nghĩa lạc quan, tâm thái tốt là đặc điểm chung duy nhất của họ.

Nghiên cứu hơn 700 cụ già trong 3 năm của Mỹ cũng phát hiện ra rằng, bí quyết sống lâu sống thọ của các cụ chính là: tính cách hào sảng, cởi mở, rất ít khi buồn bực, về cơ bản là không tức giận, phần lớn thời gian đều duy trì một thái độ rất hòa nhã, điềm tĩnh.

 

Người xởi lởi thường sống lâu hơn

"Đối với con người hiện đại bây giờ mà nói, phiền não là vì nghĩ nhiều, tức giận là vì so sánh nhiều, vội vội vàng vàng là vì mưu cầu nhiều, bệnh là vì ăn uống linh tinh nhiều. Một cụ già, dù đã 94 tuổi, nhưng trông vẫn rất nhanh nhẹn, cảm giác như mới chỉ 60 tuổi, khi được hỏi cụ ăn gì, vận động như nào mà sống lâu sống khỏe được như vậy, cụ cười tươi nói: "Đơn giản thôi, nói nhiều cười nhiều, xởi lởi mà sống."

 

"Xởi lởi" ở đây ý muốn ý nghĩ thoáng ra, đừng tính toán chấp vặt linh tinh, quên được thì quên, "nói nhiều cười nhiều" chỉ sự lạc quan vui vẻ, có chuyện gì đừng nén ở trong lòng.

Phương Tây có một câu ngạn ngữ rằng, "Không phiền não, không tức giận, không cần máy đo huyết áp". Có thể thấy, hay chấp vặt, hay tức giận, nóng nảy, chính là một trở ngại tâm lý rất lớn của việc sống thọ.

Vậy mới nói, làm người thỉnh thoảng cũng nên hồ đồ một chút, tiêu diêu một chút, rộng lượng một chút.

Người "nói nhiều cười nhiều, xởi lởi" là những người biết hài lòng với thực tại, biết thỏa mãn, biết đủ, nhu cầu có cái độ, không có sự đả kích trong tâm lý, người như vậy, tỷ lệ sống lâu sống thọ là cao nhất.

 

Sự lạc quan hoàn toàn có thể trở thành thói quen

Chuyên gia cho rằng, lạc quan là một nhân tố giúp sống lâu sống thọ quan trọng, và bạn hoàn toàn có thể có được tâm thái lạc quan. "Ở cùng với người cười nhiều nói nhiều, sự tích cực lạc quan có thể được lan tỏa".

Ngoài ra thì vận động cũng có thể khiến con người ta trở nên hoạt bát cởi mở, tăng thêm các mối quan hệ xã giao.

 

"Chữa thuốc không bằng chữa thực (ăn uống), chữa thực không bằng chữa tâm". Đứng từ một mức độ nhất định mà nói, thuốc có tốt tới đâu cũng không bằng một chế độ ăn hợp lý, một chế độ ăn hợp lý tới đâu cũng không bằng một tâm thái lạc quan, tích cực.

 

Mỗi một cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày đều sẽ dẫn tới biến đổi bên trong cơ thể chúng ta.

Chẳng hạn, khi tức giận, bạn sẽ có các triệu chứng như mạch, tim đập nhanh, thở gấp; khi buồn sẽ làm giảm tiết dịch tiêu hóa do tuyến tiêu hóa tiết ra, giảm cảm giác thèm ăn; sợ hãi hay nói dối sẽ làm căng thẳng hệ thống thần kinh trung ương và tăng huyết áp bất cứ lúc nào.

Hãy giữ cho mình một tâm thái tốt và tham khảo bài thuốc "Chữa tâm" do chuyên gia kê đơn này, sẽ rất bổ ích với bạn!

 

1. Tiếng cười là một chất dinh dưỡng

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, tiếng cười có thể làm giảm huyết áp; tiếng cười cũng có thể giải phóng căng thẳng và giảm trầm cảm; tiếng cười có thể kích thích cơ thể tiết ra dopamine và làm cho con người cảm thấy hưng phấn.

Người trung niên và cao tuổi nên tiếp xúc nhiều hơn với những người có khiếu hài hước, xem nhiều phim hài, đọc truyện hài...

 

2. "Liệu pháp nói chuyện" là một loại thuốc đặc biệt

Bác sĩ sức khỏe ở Nhà Trắng từng kê cho Tổng thống Bush một bí quyết sức khỏe: trò chuyện trị liệu, giao tiếp với các thành viên trong gia đình ít nhất 15 giờ một tuần; và nói chuyện với vợ ít nhất hai giờ mỗi ngày, bao gồm việc có bữa tối hoặc bữa trưa cùng nhau.

 

3. Bạn bè là "thuốc bất lão"

Việc người cao tuổi ở một mình lâu dài sẽ gây ra áp lực tâm lý xã hội rất lớn, thậm chí có thể gây rối loạn nội tiết, giảm chức năng miễn dịch.

Các nhà nghiên cứu Úc đã phát hiện ra rằng những người có nhiều bạn bè sống lâu hơn trung bình 7 năm.

Vì vậy, ngay cả những người cao tuổi đã nghỉ hưu cũng không nên suốt ngày ở nhà, hãy cố gắng mở rộng cuộc sống của mình, tụ tập với những người bạn cũ nhiều hơn và thử chào hỏi những người hàng xóm chưa từng gặp bao giờ.

 

4. Khoan dung là chiếc van điều chỉnh

Trong giao tiếp xã hội, chịu thiệt, bị hiểu lầm, chịu ấm ức… đây là những chuyện không thể tránh khỏi. Khi đối mặt với những điều này, lựa chọn thông minh nhất là học cách khoan dung.

Một người không biết khoan dung, mà chỉ biết đòi hỏi người khác, rất dễ dẫn đến hưng phấn thần kinh, co mạch, huyết áp, khiến tinh thần và thể chất rơi vào vòng luẩn quẩn. Học cách khoan dung tương đương với việc đặt một van điều tiết vào tâm lý của chính mình.

 

5. Thờ ơ là một tác nhân tạo ra miễn dịch

Hãy cố gắng sống kiểu việc nhỏ thì cho qua, việc lớn thì rõ ràng. Cả ngày lo lắng về những chuyện vụn vặt, trái tim sẽ rất mệt mỏi. Gặp khó khăn, chi bằng cứ thờ ơ, bớt drama hóa lại, đồng thời duy trì tâm trạng lạc quan, điều này có lợi cho việc kéo dài tuổi thọ của bạn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét