Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

Cân bằng cuộc sống” cách nào?

 

CÂN BẰNG CUỘC SỐNG” CÁCH NÀO?

“Cuộc sống” bây giờ rất lạ. Hồi xưa còn có ngày và đêm, còn có làm việc 8 tiếng ở cơ quan, sở làm, còn lại là thì giờ “của mình” để “tùy nghi”.

Xưa hơn nữa – thời con trâu đi trước cái cày theo sau- thì người “trai cày” dậy sớm, ăn no rồi vác cày dẫn trâu ra ruộng, hết buổi cày, phe phẩy quạt mo quay về hoặc ngủ thẳng cẳng dưới bóng mát cây đa…!

Bây giờ thì hết. Không thể vậy nữa. Điện thoại thông minh sẵn sàng réo gọi bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Không có sáng trưa chiều tối gì cả. Không có ở nhà ở sở gì cả. Không có nghỉ hè nghỉ lễ gì cả.

Thế giới trong lòng tay. Tin thiệt tin giả hằm bà lằng. Đó là thời kỳ “Siêu hiện đại” (Metamodernism) khi đã có cái smatphone, cái laptop bên cạnh.

Đêm là ngày. Quán càphê, quán nhậu là chỗ làm việc. Bãi biển là văn phòng… Thế là đầu tắt mặt tối. Thế là đỏ mặt tía tai. Thế là bầm gan tím ruột…

Có dịp qua Nhật, thấy người ta làm việc trối chết. Vợ ở nhà mà thấy chồng về sớm trước 11 giờ đêm tức là chồng kém, phải làm thêm job đến sau 11 giờ mới tốt. Thỉnh thoảng nghe ở Nhật, ở Hàn có một diễn viên xinh đẹp, ca sĩ nổi tiếng, rất giàu có, bỗng nhiên tự vẫn chết chẳng biết vì sao.

Bây giờ không còn là thời sáng vác ô đi tối vác về nữa, mà quay cuồng, mà chóng mặt, là thời của hậu-hậu hiện đại, siêu hiện đại rồi.

Đó là thời của chuyển động không ngừng, của xáo trộn, của nháo nhào (oscillation), giữa giễu nhại và trân trọng, giữa ngây thơ và uyên bác, giữa lạc quan và hoài nghi, giữa mẫu mực và phá cách…, có thể gọi là thời của “đảo điên mộng tưởng”, đưa đến những bệnh thời đại như SAD (stress căng thẳng, anxiety lo âu sợ hãi và depression trầm cảm).

Cho nên ta không lạ khi ngày càng có nhiều người rời phố thị tìm về những vùng hoang vắng, sống nơi không wifi, không điện, không máy tính.

Cũng không lạ khi du khách nước ngoài đến Hội An chỉ thích cưỡi trâu, đội nón lá, vác cày ra ruộng và phe phẩy quạt mo “nắm xôi bờm cười”!

Gần đây những từ mới như workaholic, nghiện, say mê công việc, workmaniac, điên vì công việc, một dạng tâm thần ngày càng nhiều. Những người mắc chứng này dễ dẫn đến tự tử. Họ có rất nhiều tiền nhưng sẵn sàng tìm cái chết để giải thoát.

Từ karoshi ở Nhật – chết khi đang làm việc – đã trở nên phổ biến. Hằng năm có cả chục ngàn ca như vậy.

Tôi vẫn thường nhận được những câu hỏi nhờ tư vấn, nói chỗ làm lương thì cao mà căng thẳng quá, chắc là phải đi tìm chỗ khác, không thể sống như vậy được nữa vì không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, không có thời gian cho bản thân, cho bạn bè, gia đình; áp lực công việc, áp lực deadline, đối tác…

Có người nói thấy đầu óc như đang ở trên mây, không nhớ điều gì cả, trí óc quên đủ thứ và cuộc sống của họ bây giờ nó lôi thôi lắm, như Alzheimer dù tuổi hãy còn rất trẻ!

Lâu nay ta cứ nghĩ mình không có bệnh là mình khỏe nhưng điều đó là sai. Sức khỏe là tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being) về cả ba mặt thể chất, tâm thần và xã hội chớ không chỉ là không có bệnh hay tật.

Nhiều khi ta trông thấy một người có thể chất rất chuẩn, đẹp trai, cao ráo nhưng anh ta có thể đang mắc bệnh tâm thần.

Sức khỏe về mặt xã hội càng quan trọng: kẹt xe, ngập nước sao khỏe được. Các mối quan hệ xã hội, môi trường sống không an toàn, không an ninh, sao khỏe được.

Khi nghĩ rằng sức khỏe là chuyện của y tế là sai. Y tế chỉ có nghĩa “cứu tế về y khoa”,

giúp đỡ những lúc ta ốm đau, bệnh hoạn còn sức khỏe là chuyện khác, sức khỏe là chuyện của mình. Có người nói rất đúng: “bác sĩ tốt nhất là chính mình”.

Một công ty quan tâm đến sức khỏe nhân viên không chỉ mở một phòng y tế, chờ khi nhân viên đau ốm thì vào cấp cứu, thuốc men.

Trường học cũng vậy. Nhiều trường học hãnh diện có một phòng y tế trang bị thuốc men đầy đủ, có bác sĩ cho học sinh mỗi khi đau ốm hay tai nạn.

Nhưng rất thiếu sót, bởi sức khỏe của học sinh chủ yếu là tâm sinh lý tuổi mới lớn, tuổi dậy thì, nên vấn đề của y tế học đường là tham vấn sức khỏe, giải quyết xung đột…

Ngày nay nhiều trường đã tổ chức các lớp thiền, yoga cho học sinh. Anh quốc còn có chương trình đưa Thiền chánh niệm vào trường học: Mindfulness in School Project (MiSP) có hiệu quả tốt.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét