Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Dung tục hóa hình tượng thần phật, quả báo khôn cùng

 

DUNG TỤC HÓA HÌNH TƯỢNG THẦN PHẬT, QUẢ BÁO KHÔN CÙNG

Trong Văn Hoá phương Đông nói chung và tâm thức của ba đời người Việt xưa nay, tôn kính trời đất, tin vào Thần Phật, vào đạo lý nhân quả thiện ác hữu báo chính là nhân sinh quan nền tảng, là cốt lõi văn hoá dân tộc Việt cũng như văn hóa phương Đông nói chung.

Tuy nhiên theo thời gian, xã hội thay đổi, quan niệm của con người cũng đổi thay khiến cho việc thấu hiểu về Phật pháp, về tín ngưỡng càng ngày càng lệch xa khỏi cái gốc ban đầu. Từ đó mà dẫn đến bao chuyện dở khóc dở cười, tưởng kính hóa nhờn, làm sai chẳng biết, gây thành tội nghiệp.

Khác xa với con người ngày nay, người xưa tin Thần, kính Phật không phải là để cầu may, xin lộc phát tài mà để nhắc nhở chính mình vạn sự trên đời ấy đều do nhân quả, làm người đối nhân xử thế cần có thiện lương, lấy đạo đức để ước chế chính mình không phạm điều sai trái. Bản chất của việc thờ cúng, bái lạy chư Thần cũng như ông bà tổ tiên không phải là cầu may, xin lộc.

Khi con người bái lạy Thần Phật chính là lúc soi xét chính mình, kiểm điểm tự thân, tìm những chỗ chưa đúng để từ động sửa đổi, đưa bản thân trở về gần với bản ngã thiện lương, gần với đạo.

Nhưng ngày nay, người ta phần lớn coi các bậc ấy là đối tượng để cầu cạnh, xin xỏ. Con người dễ vô tình phạm phải những hành động khinh nhờn, bất kính, mà một biểu hiện rõ rệt nhất đó chính là việc ứng xử với những hình tượng Phật trong đời sống tâm linh.

Những biểu hiện của việc thiếu tôn kính hình tượng Thần Phật

Trong xã hội ngày nay thật không khó để chúng ta bắt gặp những bức tượng Phật, tranh Phật được đặt tại tư gia, nơi phòng khách, thậm chí là để ở trong phòng ngủ, phòng trà, ngoài vườn... như một vật phẩm trang trí. Hoặc người ta đặt những bức tượng Phật A Di Đà hay Quan Thế Âm Bồ Tát trên nóc xe hơi đi đưa đám ma hoặc đặt hẳn tượng các vị trong nghĩa địa âm u hoang vắng.

Cùng không thiếu những người lấy tượng Phật, tượng Chúa Jesu làm mặt dây chuyền đeo trên người với mong muốn được chư Phật bảo hộ bình an. Đặc biệt là trong thời gian gần đây rộ lên phong trào khắc ba vị tam đa Phúc - Lộc - Thọ bằng nhân sâm Hàn Quốc, củ cây đinh lăng sau đó đem ngâm rượu uống với mong muốn cầu tài đắc lộc, gia đình may mắn... Thật là coi tượng Phật chẳng khác khối thạch cao, viên đá, hay cái rễ cây… hoàn toàn trong tâm niệm không có một chút kính ngưỡng dành cho một bậc vĩ đại tôn quý vượt xa người thường.

Vô minh tạo nghiệp nhưng quả báo thì khôn cùng

Kỳ thực khinh nhờn hình tượng Phật chính là việc làm phạm vào đại tội, không thể dung thứ. Cổ nhân xưa nay vẫn nhìn nhận Thần Phật là bậc tôn kính uy nghiêm, là bậc đại biểu cho trời đất, con người ở những nơi không thanh tịnh thì không được phép nhắc đến. Khi có bái tạ, cổ nhân cần phải tắm rửa trai tịnh sạch sẽ trước rồi mới được phép dâng hương kính bái. Người xưa chẳng dám tùy tiện gọi tên Phật, mỗi lần niệm Phật hiệu thì trong lòng dâng dâng niềm kính ngưỡng vô hạn; đến tượng Phật mà họ cũng chẳng dám tùy tiện sờ mó, nhưng phải giữ cho hình tượng Phật được sạch sẽ và bày biện ở những nơi cao ráo trang trọng nhất trong gia đình hay đền chùa… ấy là vì họ có tâm kính Đạo, trọng Đức, mà Phật chính là một bậc đạo đức siêu việt.

Ấy vậy mà con người ngày nay lại đem cả Thần Phật vào bình để ngâm rượu uống như một cách để cầu may, lấy tượng phật bày trong phòng như một vật trang trí, hay đeo trên người xem đó như một món bùa hộ mệnh. Thử hỏi khi đeo trên người, những lúc sinh hoạt cá nhân, hay khi tắm gội, vệ sinh, sinh hoạt vợ chồng, khác nào người ta làm những chuyện xú uế đó trước mặt chư Thần? Việc làm đó chẳng phải là tội bất kính hay sao? Đó chẳng phải tội phỉ báng Thần Phật quá lớn hay sao? Ngay như con cái trong nhà trong sinh hoạt bình thường cũng không thể có những hành vi khiếm nhã trước mặt bố mẹ, huống chi đây là lại Thần Phật? Hỏi rằng tội đó đền sao cho đặng?

Vì sao con người ngày nay lại phải chịu đựng quá nhiều những thiên tai nhân họa. Phải chăng cũng một phần vì buông lơi đạo đức, khinh mạn Thần Phật? Thiết nghĩ mỗi người chúng ta, trong thời khắc trời đất chuyển mình này, hãy dành cho tâm mình một khoảng lặng để nghĩ suy những điều phải trái, để quy chính nhân tâm, tín Phật kính thiên mới được Thần Phật bảo hộ.

Theo: NTDTV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét